Chè Sơn Qui ngon hơn nửa thế kỷ ở Gò Công

20/07/2014 10:47 GMT+7

Gò Công không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt mà còn nổi tiếng với những sản vật độc đáo, những món ăn dân dã đậm hương vị Nam bộ.

Gò Công không chỉ là vùng đất địa linh nhân kiệt mà còn nổi tiếng với những sản vật độc đáo, những món ăn dân dã đậm hương vị Nam bộ.
>> Cà phê trứng - thức uống độc đáo của Hà Thành
>> Dách lầu mì ngon Chợ Lớn

Trên đường từ TP.HCM về Tiền Giang theo tuyến quốc lộ 50, đến cầu Sơn Qui thuộc địa phận xã Tân Trung, thị xã Gò Công, có một quán giải khát nhỏ nằm ngay dưới dốc cầu, phía bên phải. Quán giải khát này ra đời từ hơn 60 năm trước và rất nổi tiếng với món chè Sơn Qui độc đáo.

Nửa thế kỷ chè Sơn Qui 1
Ông Tư Lình, chủ nhân của thương hiệu chè Sơn Qui

Chủ nhân của “thương hiệu” chè Sơn Qui là ông lão 92 tuổi, người địa phương gọi là ông Tư Lình. Dù đã bước vào tuổi bách niên, nhưng ông Tư vẫn còn rất minh mẫn và kể rành rọt cho khách nghe về “cái duyên” đã đưa ông đến với nghề bán chè, đồng thời cũng không ngần ngại cho biết công thức chế biến món ăn gia truyền này.

Nửa thế kỷ chè Sơn Qui 2
Quán chè Sơn Qui mang dấu ấn lịch sử

“Ngày xưa gia đình tui sống ở vùng ven biển Gò Công. Do ảnh hưởng chiến tranh, thời cuộc, tui rời quê tới vùng đất Tân Trung lập nghiệp, cưới vợ rồi vợ chồng cất căn nhà trên thửa đất cạnh dốc cầu Sơn Qui từ đó đến nay. Để tìm kế sinh nhai, tui được người cô ruột ở Sài Gòn dạy cho cách nấu chè đậu để bán và lấy tên vùng đất địa linh nơi mình sinh sống đặt cho món chè. Thế là từ năm 1947, quán chè Sơn Qui hình thành và tồn tại cho đến nay ngót đã 67 năm. Thời gian trước quán luôn đông khách nhưng mấy năm gần đây thì vắng hơn, có lẽ nam nữ thanh niên bây giờ thích vào quán cà phê hơn là quán chè. Tuy vậy, tui vẫn khuyên con cháu giữ quán và mở cửa mỗi ngày như một niềm vui”, ông Tư chia sẻ.

Theo ông Tư thì chè Sơn Qui có 7 nguyên liệu chính, gồm đường cát trắng mịn, đậu xanh, đậu thạch (đậu Hà Lan), bột năng, đậu phộng, nước cốt dừa và đặc biệt phải có lá dứa mới thơm ngon.

Nửa thế kỷ chè Sơn Qui 3
Chè đậu xanh đánh thơm ngon, ngọt mềm - Ảnh: Phương Hà

Nửa thế kỷ chè Sơn Qui 4
Chè đậu thạch được chọn từ hạt đậu tươi, thật thơm và có tác dụng giải nhiệt - Ảnh: Phương Hà

Nửa thế kỷ chè Sơn Qui 5
Chè bột năng thoạt trông như chè bột lọc heo quay ở Huế nhưng nhân
và hương vị khác hẳn - Ảnh: Phương Hà

Cách chế biến cũng hấp dẫn không kém: đậu xanh đã tách vỏ, ngâm mềm, nấu chín và tán nhuyễn. Sau đó trộn đậu với nước đường và  nước lá dứa. Đun sôi hỗn hợp trên lửa nhỏ rồi tắt bếp, để nguội. Đậu thạch nấu thật mềm, nhưng chú ý sử dụng lửa nhỏ để hạt đậu mềm mà hạt vẫn còn nguyên vẹn. Sau đó cho đường cát trắng vào trộn đều, nấu vừa sôi.

Đậu phộng rang vàng, thơm, tách vỏ. Bột năng nhồi với nước đun sôi sao cho bột dẽo, mịn. Lấy đậu phộng làm nhân, nắn bột năng làm vỏ, sau đó đem luộc chín kỹ. Vớt bột ra rửa lại với nước lạnh, để ráo nước, sau đó cho vào nồi nước đường, đun sôi. Dừa khô nạo, vắt lấy nước cốt. Lưu ý, sử dụng nước đun sôi để nguội vắt nước cốt dừa, không dùng nước ấm vì như vậy nước cốt sẽ bị gắt dầu, không ngon.

Nửa thế kỷ chè Sơn Qui 7

Nửa thế kỷ chè Sơn Qui 6
Thưởng thức ly chè Sơn Qui thơm ngon, mát lạnh
mà lại bổ dưỡng - Ảnh: Phương Hà

Theo ông Tư, muốn có chè ngon thì điều đầu tiên là phải có nguyên liệu tốt. Thứ hai là kỹ thuật nấu cũng phải khéo. Khi nấu xong phải đạt yêu cầu: đậu xanh mịn, dẻo và không quá khô; đậu thạch mềm, bùi, thấm đường; bột năng dẻo nhưng không bị cứng hoặc quá dai; nước cốt dừa phải thật béo; ly chè phải dậy lên mùi thơm của lá dứa và không quá ngọt.

Khi ăn, cho từng món vào ly, thêm một ít đậu phộng rang giã nhỏ. Chè Sơn Qui thường ăn lạnh với nước đá bào nhuyễn.

                                                                   Phương Hà (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.