Phát miễn phí và chuyển giao công thức pha chế
Những ngày qua, câu chuyện về hành động đẹp của người trẻ trong cơn đại dịch được mọi người rất quan tâm, trong đó có câu chuyện của Vũ Tấn Phát (25 tuổi, trợ lý sinh viên Khoa Hóa học, Chủ nhiệm CLB Sáng tạo khởi nghiệp Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) cùng các thành viên trong CLB của mình đã sản xuất và tặng hơn 9.000 chai nước rửa tay sát khuẩn do nhóm tự chế tạo và được kiểm định từ năm 2017.
Ngày mùng 8 tết, đội ngũ chỉ với 4 thành viên đã sản xuất 1.000 chai, chỉ kịp in được nhãn trắng đen để dán lên sản phẩm và phát miễn phí hết trong ngày. Ngày thứ 2, nhóm tăng lên 5 thành viên và số lượng sản phẩm phát ra tăng lên 2.000 chai. Ngày thứ 3 thêm 2.000 chai nữa và ngày thứ 4 (4.2) đã tăng lên được 4.000. Thế là chỉ sau 4 ngày hoạt động “hết công suất”, nhóm của Phát đã sản xuất và phát miễn phí 9.000 chai nước rửa tay sát khuẩn cho mọi người.
|
“Dung dịch rửa tay khô sát khuẩn với công nghệ nano bạc diệt được vi khuẩn và các vết dơ, mùi hôi bám trên bàn tay, giúp bảo vệ sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trong mùa dịch này. Với sản phẩm, tụi mình mong muốn sẽ đồng hành để cùng người dân vượt qua được cơn đại dịch này”, Phát chia sẻ.
Không chỉ phát nước rửa tay miễn phí, nhóm còn chuyển giao công thức pha chế nước rửa tay và tài trợ nano bạc cho nhiều đơn vị có nhu cầu phục vụ cộng đồng. Cũng như hỗ trợ pha hàng trăm lít sản phẩm cho nhà trường.
Dung dịch rửa tay khô sát khuẩn với công nghệ nano bạc diệt được vi khuẩn và các vết dơ, mùi hôi bám trên bàn tay, giúp bảo vệ sức khỏe của mọi người, đặc biệt là trong mùa dịch. Với sản phẩm, tụi mình mong muốn sẽ đồng hành để cùng người dân vượt qua được cơn đại dịch nàyVũ Tấn Phát |
Lúc đầu nguồn kinh phí chỉ dựa vào quỹ của CLB để sản xuất, nên Phát dự tính kinh phí sắp cạn kiệt trong 2 ngày tới và rất cần sự đồng hành của các nhà hảo tâm. Phát cũng cho biết số chai cũng đã hết nên hy vọng mọi người khi đến nhận nước rửa tay miễn phí thì mang theo chai để đựng.
“Anh thầy mát tay” của các dự án khởi nghiệp
25 tuổi, Phát được sinh viên gọi là “anh thầy mát tay” của các dự án khởi nghiệp. Bởi những giải thưởng cao của các cuộc thi khởi nghiệp từ cấp thành phố đến quốc gia, thì các dự án sinh hoạt ở CLB do Phát chủ nhiệm gần như là “gom” hết.
|
Làm giám đốc từ năm 3 đại học với trung tâm tiếng Anh do mình tự sáng lập, ra trường Phát lại muốn làm gì đó để hoạt động khởi nghiệp có những tác động ý nghĩa cho xã hội. Thế là Phát thành lập công ty mới và CLB khởi nghiệp hoạt động song song để cùng giúp sinh viên, giảng viên đưa sản phẩm sáng tạo ra thị trường.
Phát kể: “Sau dự án khởi nghiệp đầu tiên, mình bắt đầu thành lập công ty cung cấp những giải pháp về hóa học. Trong quá trình học, mình nhìn thấy các anh chị chuyên về hóa, có rất nhiều hướng để ra được những sản phẩm giải quyết các vấn đề của xã hội. Những sản phẩm rất hay, độc đáo nhưng làm sao để bán? Chính từ kinh nghiệm kinh doanh từ trước, mình đã kết hợp, kết nối tất cả dự án của sinh viên và giảng viên để đưa ra thị trường”.
|
Điều đặc biệt hơn, Phát đã rèn và đào tạo những sinh viên từ “không biết gì” đến việc tạo nên những dự án sáng tạo và “rinh” về các giải thưởng khởi nghiệp lớn.
Minh chứng như chàng sinh viên năm 3 Huỳnh Quốc Tuấn, khởi điểm vào CLB chỉ vì tò mò và chưa biết gì về khởi nghiệp, nhưng năm 2019 đã giành 2 giải nhất khởi nghiệp cấp quốc gia. Một dự án về công nghệ thông tin đã giành giải nhất giải thưởng Tri thức trẻ vì giáo dục, và mới đây, dưới sự hướng dẫn của “anh thầy” Phát, nhóm của Tuấn đã giành giải nhất cuộc thi “Thử thách sáng tạo xã hội” với dự án Pin từ vỏ trấu.
Mang vỏ trấu Việt Nam sang nước ngoài để nghiên cứu
“Anh thầy” Vũ Tấn Phát còn rất giỏi về nghiên cứu. Dự án Pin từ vỏ trấu là dự án mà Phát hình thành ý tưởng và mang vỏ trấu sang Đài Loan để nghiên cứu.
Dự án tập trung vào việc nghiên cứu quy trình tổng hợp vật liệu silica từ vỏ trấu ứng dụng làm các loại vật liệu điện cực cho pin sạc Li-ion, thay thế sử dụng vật liệu Graphite truyền thống.
Đặc biệt hơn, Phát cho biết quy trình tổng hợp rất dễ dàng mở rộng quy mô sản xuất, nguyên liệu rẻ tiền, toàn bộ tro trấu sau khi nung đều được sử dụng, không sản sinh sản phẩm thải, do đó với quy trình tổng hợp này, sản phẩm tạo thành sẽ có giá thành rẻ hơn và không tác hại đến môi trường.
Và pin điện hóa sử dụng vật liệu silica từ vỏ trấu được đánh giá tính năng phóng sạc theo các tiêu chuẩn của pin thương mại, xác định các tính chất điện hóa khác như thông số đan cài ion, xác định động học phản ứng, khảo sát các yếu tố bên ngoài (nhiệt độ, áp suất, độ ẩm…) tác động đến pin. Từ đó, giúp tối ưu hóa điều kiện lắp ráp chế tạo ra pin và bước đầu đưa ra đề xuất xây dựng dây chuyền sản xuất pin sạc quy mô công nghiệp ở Việt Nam.
|
Bình luận (0)