Chế thành công 15 máy bay phun thuốc cho cây trồng

21/02/2021 08:19 GMT+7

Sáng chế máy bay phun thuốc cho cây trồng là của Lâm Trọng Nghĩa (34 tuổi), đang công tác tại Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp. Nghĩa cũng đang khởi nghiệp bằng sản phẩm này.

Lâm Trọng Nghĩa cho biết, tại quê hương Đồng Tháp của anh, kinh tế địa phương luôn gắn liền với nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa. Trong đó, H.Tam Nông có diện tích hơn 30.000 ha, là huyện có diện tích trồng lúa lớn thứ 2 của tỉnh Đồng Tháp. Hằng năm, sản lượng lúa cung cấp cho thị trường lên đến hơn 370.000 tấn. Nghĩa nhìn nhận, trong toàn bộ quy trình trồng lúa hiện nay, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật là giai đoạn duy nhất bắt buộc phải thực hiện bằng phương pháp thủ công. Vấn đề này không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người lao động mà còn làm tăng giá thành sản xuất.

Ứng dụng công nghệ 4.0 

“Quan trọng hơn, khi phun thuốc bảo vệ thực vật, người lao động buộc phải tiếp xúc rất nhiều với hóa chất do bình phun được mang trên vai. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống kinh tế gia đình. Mặt khác, nguồn nhân lực tại địa phương ngày càng khan hiếm do tình trạng già hóa dân số và di cư lao động sang khu vực công nghiệp. Ngoài ra, việc phun thuốc thủ công sẽ làm tăng giá thành sản xuất lúa, do không kiểm soát được lượng thuốc trong quá trình phun, làm tăng số lần phun trong vụ do hiệu quả phòng trị bệnh kém, cũng như dẫn đến quá trình giẫm đạp lúa trong lúc phun. Khi xảy ra dịch bệnh, do tốc độ phun chậm khả năng dập dịch kém, làm năng suất lúa sụt giảm. Quan trọng hơn, việc phát thải ngày càng nhiều hóa chất đang làm môi trường ngày càng trở nên ô nhiễm hơn”, Nghĩa phân tích.
Từ những suy nghĩ này, Nghĩa trăn trở cần làm gì để giúp người nông dân tìm ra giải pháp thay thế sức lao động trong khâu phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây lúa tại quê hương mình. Và thế là chàng trai người Đồng Tháp đã nghĩ đến việc sáng chế ra mô hình máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trên cây trồng.
“Tôi nghĩ trước những bước tiến của khoa học và phong trào ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp, nhiều loại thiết bị bay chuyên dùng, cụ thể là máy bay, đã được sản xuất và thử nghiệm rất thành công trên thế giới. Nên tôi cho rằng máy bay phun thuốc chính là giải pháp tối ưu cho vấn đề trên. Bản thân đã mạnh dạn đầu tư chiếc máy bay đầu tiên vào tháng 5.2019 để bắt đầu cung cấp dịch vụ phun thuốc bằng máy bay tại địa phương”, Nghĩa nói.

15 máy bay với 35 lao động làm việc thường xuyên

Nghĩa cho biết giai đoạn khi bắt đầu khởi nghiệp, bản thân đã gặp rất nhiều khó khăn. “Đầu tiên là khó khăn về tài chính, do phải đầu tư thiết bị rất lớn. Bản thân đã phải vay mượn từ nhiều nơi để có thể đầu tư chiếc máy bay đầu tiên. Khó khăn tiếp theo là việc thuyết phục nông dân thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, đa phần mọi người đều không tin tưởng vào hiệu quả của máy bay phun thuốc, bởi vì phương pháp phun khác hoàn toàn so với thủ công. Thế nhưng, bên cạnh những khó khăn, vẫn có nhiều thuận lợi đáng kể. Đó là được sự hỗ trợ từ gia đình, sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, giúp bản thân tôi quyết tâm phát triển thành công như hôm nay”, Nghĩa kể.
Sau những chuỗi ngày say mê nghiên cứu, khởi nghiệp, Nghĩa đã có được những thành công ban đầu. Với khoảng thời gian hơn một năm rưỡi triển khai tại H.Tam Nông, diện tích được ứng dụng thiết bị bay phun xịt thuốc bảo vệ thực vật là 20.000 ha. Số lượng máy bay tăng lên 15 chiếc với 35 lao động làm việc thường xuyên.
Từ những kết quả thực tế, Nghĩa cho rằng máy bay phun thuốc có những ưu điểm vượt trội so với phương pháp truyền thống. Đó là không ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do không tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Hiệu suất làm việc cao gấp 10 lần so với phun xịt thủ công (mỗi máy có thể phun 30 ha/ngày), vì vậy thu nhập của người lao động sẽ cao hơn.
Cũng theo Nghĩa, hiệu quả trị bệnh tối ưu, giảm 20% thuốc và 90% lượng nước sử dụng, không thất thoát lúa do giẫm đạp, giảm giá thành sản xuất. Khả năng dập dịch nhanh trên diện tích lớn (20 phút/ha); chất lượng nông sản đồng đều, tránh tồn dư hóa chất trên sản phẩm sau thu hoạch, thuận lợi cho việc liên kết tiêu thụ; giảm lượng hóa chất phát thải ra môi trường, vỏ bao bì được thu gom dễ dàng do pha thuốc tập trung tại một điểm…
Nghĩa cho biết trong thời gian tới sẽ phải xây dựng mô hình dựa trên nền tảng kinh tế chia sẻ, nơi mà các cá nhân sở hữu máy bay sẽ vận hành chung một hệ thống, kết nối với nông dân qua phần mềm.
“Khi đó, tài sản vẫn thuộc về cá nhân, tuy nhiên nguồn lực sẽ được phân bổ một cách tối ưu. Đối với nhà đầu tư, lợi ích sẽ cao hơn khi vận hành đơn lẻ; đối với nông dân, chất lượng dịch vụ đồng đều và nhanh chóng. Lợi ích của tổ phun thuốc cũng tăng theo số lượng máy nhờ lợi thế kinh tế theo quy mô. Đó là một mối liên kết bền vững vì tất cả đều có lợi ích. Khi kiểm soát được công cụ, chúng ta sẽ có một diện tích lớn được kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đến từng mét vuông, đó là nền tảng tuyệt vời cho liên kết tiêu thụ nông sản. Ngoài ra, sử dụng máy bay giúp nông dân giảm 20 - 30% thuốc, đó là cách đơn giản nhất để giảm giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận. Như vậy, máy bay phun thuốc chính là mảnh ghép quan trọng và cuối cùng trong bức tranh tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo hiện nay”, Nghĩa phân tích.
Cũng theo Nghĩa, trong tương lai sẽ hình thành trung tâm cung cấp trọn gói các dịch vụ nông nghiệp bao gồm: cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao, thuốc bảo vệ thực vật và liên kết tiêu thụ nông sản. Đó cũng chính là thời điểm nền nông nghiệp địa phương bước vào kỷ nguyên mới, khi mà người nông dân thật sự quyết định được mức lợi nhuận từ sản phẩm do mình làm ra.
Hiện nay, máy bay phun thuốc nông nghiệp vẫn chịu quản lý chặt chẽ vì những vấn đề về an ninh. Điều này làm cho việc ứng dụng máy bay trên thực tế gặp rất nhiều khó khăn. Vì lẽ đó, Nghĩa hy vọng trong thời gian tới sẽ có những thay đổi một số chính sách về quản lý máy bay nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc nhập khẩu, nghiên cứu chế tạo, vận hành bay được thuận lợi hơn.
“Khi đó, tốc độ chuyển đổi ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp sẽ tăng nhanh chóng, góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng hiện đại”, Nghĩa khẳng định.
Sản phẩm máy bay phun thuốc cho cây trồng của Nghĩa đạt Giải thưởng Lương Định Của năm 2020 của T.Ư Đoàn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.