Đi vào cụ thể, lễ hội có cái tốt là một di sản văn hóa. Không có nó thì văn hóa dân tộc không biết tồn tại ra sao. Nhưng có những chuyện rất bức xúc như một loạt chen lấn cướp ấn đền Trần, hay chuyện mới nhất là chém chết người trong khi đi lễ chùa Hương. Rồi khấn thuê giá cao. Tranh giành nhau cướp lộc. Tổ chức chỉ cho cán bộ vào lễ trọng. Rồi chính cán bộ cũng tranh giành nhau lễ. Lộn xộn không phải mỗi dân mà quan cũng thế.
Cách đi lễ lộn xộn như thế là đi lễ trong tâm thế lưu manh, đầu đường xó chợ. Với tâm thế đó họ sẵn sàng chặt chém, tìm mọi cách đạt mục tiêu của mình. Vì thế, đời sống tín ngưỡng đã ngấm màu vụ lợi.
Tôi có nhận định chung là người Việt Nam sau nhiều năm chiến tranh, rồi lại thêm nhiều năm bài trừ mê tín dị đoan đã tạo nên sự đứt đoạn trên hai phương diện. Đứt đoạn thứ nhất là tâm thế đến với tín ngưỡng và lễ hội. Thứ hai, tri thức về tín ngưỡng và lễ hội cũng đứt đoạn. Cho nên bây giờ lễ hội của chúng ta loạn chuẩn. Người ta đi lễ không có tâm thế nghiêm chỉnh, hiểu biết lại lệch lạc. Nhà quản lý nhìn hiện tượng đó cũng không chính xác. Tín ngưỡng và lễ hội cần có chuẩn của nó.
Năm vừa qua tôi có đề nghị Bộ VH-TT-DL muốn giải quyết triệt để chệch chuẩn lễ hội thì phải giải quyết hai vấn đề này. Nghĩa là giải quyết cả tâm thế lẫn hiểu biết. Ta phải đưa lại cho dân hai điều đó. Nếu làm ngay, làm đúng, làm cương quyết chúng ta cũng phải mất chục năm. Phải thông qua hệ thống giáo dục, qua truyền thông để người dân có được tri thức, ý thức về tín ngưỡng, lễ hội khác đi. Khi họ có ý thức, hiểu biết thì hành vi sẽ khác. Chứ người Việt Nam bây giờ cứ thấy chỗ nào có bát hương là lao đến xì xụp.
Sự chệch chuẩn này chỉ báo một hiện trạng xã hội nghiêm trọng. Sự mê đắm tín ngưỡng chỉ báo về mất niềm tin của con người trong đời sống xã hội. Khi mất niềm tin, họ đến với lễ hội, tôn giáo để lấy lại. Nhưng rồi họ cũng không biết cách làm thế nào để lấy lại. Họ không còn tâm thế đúng mực, cũng chẳng còn biết cái mình cần lấy là gì. Tôi nghiên cứu đạo Mẫu tôi biết. Có đến 90% thanh đồng không hiểu về đạo của mình.
Nhìn sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, ta thấy người dân họ đi lễ nghiêm trang và hiểu biết. Mình cũng phải tự biết xấu hổ. Vì thế, việc nối lại sự trao truyền văn hóa đã đứt phải làm ngay. Phải giải quyết tận gốc vấn đề tâm thế, hiểu biết như thế. Chứ với tôn giáo, lễ hội không thể đơn thuần đưa người ra dẹp đường mà được.
GS Ngô Đức Thịnh
(Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia)
Bình luận (0)