Chém chết trộm có được xem là phòng vệ chính đáng?

12/03/2019 13:29 GMT+7

Sử dụng hung khí chống cự lại người đang truy sát mình và gây ra cái chết cho đối phương là sự phòng vệ tương xứng, pháp luật hình sự gọi là phòng vệ chính đáng.

Như Thanh Niên đã đưa tin, chiều 11.3, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Long An phối hợp phòng Kỹ thuật hình sự và Công an H.Cần Giuộc tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ án mạng xảy ra tại ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành, H.Cần Giuộc.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 0 giờ 30 ngày 11.3, anh Võ Tấn Hội (38 tuổi) và vợ là chị Nguyễn Thúy Hằng (38 tuổi, cùng ngụ ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành) đang nằm ngủ trong phòng thì bất ngờ nghe tiếng động lạ phát ra từ phía nhà sau. Lo lắng trộm đột nhập vào nhà, anh Hồi mở đèn bước ra ngoài xem thử.

Lúc này, Nguyễn Thành Trung (31 tuổi, ngụ cùng ấp) đã đột nhập vào nhà, cầm hung khí núp sau cánh cửa. Khi anh Hội vừa đến gần, Trung cầm dao chém liên tục vào người khiến anh Hội bị thương nặng và gục chết dưới nền gạch.
Biết hành tung bị lộ, Trung liền chạy tới phòng ngủ cầm dao khống chế, buộc chị Hằng im lặng để Trung lấy tài sản. Chị Hằng cố giữ bình tĩnh rồi bất ngờ lao mạnh đầu vào người Trung và bỏ chạy ra ngoài. Trung lao theo vung dao chém trúng lưng và đầu nạn nhân.
Chưa kịp ra đến cửa, chị Hằng chụp được con dao trên bàn quay ngược lại chém trúng đầu khiến Trung ngã xuống đất bất tỉnh. Nghe tiếng tri hô, người dân xung quanh nhanh chóng đưa cả 3 đi cấp cứu, nhưng anh Hội và Trung đã chết.
Liên quan vấn đề này, nhiều người thắc mắc trong trường hợp nói trên chị Hằng tự vệ như vậy có được pháp luật bảo vệ hay không?

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm

Trao đổi với PV Thanh Niên về vấn đề này, luật sư (LS) Nguyễn Thành Công, Đoàn LS TP.HCM cho biết, theo Khoản 1, Điều 22 BLHS 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định tự vệ hay phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
LS Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM) cho rằng, điều 22 BLHS cũng quy định rõ phòng vệ chính đáng không được coi là tội phạm và người phòng vệ chính đáng sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự bởi hành vi tự vệ của mình. Tuy nhiên, không phải hành vi chống trả nào cũng được coi là phòng vệ chính đáng và không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Vậy trong trường hợp vụ án nói trên, người vợ phòng vệ chính đáng hay không?
Theo đó, LS Công cho rằng, đối chiếu với các thông tin miêu tả về sự việc thì thấy rằng người vợ khi đó bị tên trộm đuổi theo để chém. Trước đó, tên trộm đã chém đến chết người chồng trước mắt người vợ nên phản ứng tông đầu vào người tên trộm rồi vùng chạy thoát thân là hành động rất thông thường, bản năng trong quá trình đấu tranh sinh tồn của con người trước mối nguy hiểm về tính mạng của bản thân.
Tên trộm là thanh niên nhiều khả năng khỏe hơn người vợ (chị Hằng), trên tay lại đang cầm dao mà con dao đó đã chém chết chồng chị Hằng nên trong tư tưởng chị Hằng thì đây là sự đe dọa trực tiếp và hoàn toàn có khả năng tước đoạt tính mạng của mình”, LS Công nhấn mạnh.
Ở đây, chị Hằng đã chộp được con dao trên đường tháo chạy và bối cảnh là tên trộm đang tiếp tục chém vào lưng, đầu mình nên việc chém tên trộm là hành vi chống trả hoàn toàn tương xứng với sự tấn công. Hành động chống trả tương ứng với sự tấn công, sử dụng hung khí ngang bằng từ một người phụ nữ chống cự lại 1 người đàn ông đang nhằm giết mình đã gây ra cái chết cho đối phương thì đó là sự phòng vệ tương xứng, pháp luật hình sự gọi là phòng vệ chính đáng. Phòng vệ chính đáng thì không phải là tội phạm.

Nhiều tranh cãi

LS Công nhấn mạnh, thời gian qua, đã có nhiều trường hợp bắt giữ, chống cự lại sự tấn công của đối tượng trộm, cướp mà gây ra tội phạm là vấn đề nhiều tranh cãi.
BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 đã quy định một chế định mới về “gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội” Điều 24 mà gây ra thương tích hay tổn hại đến sức khỏe, tính mạng trong trường hợp buộc phải dùng vũ lực cần thiết thì được loại trừ trách nhiệm hình sự, tức hành vi này không phải là tội phạm.
Vì vậy, LS Công cho rằng, tinh thần xây dựng pháp luật hình sự sau thời gian điều chỉnh từ thực tiễn xã hội đã tiệm cận với việc điều chỉnh gần hết các hành vi cần thiết, không còn duy trì nhiều tình huống phi lý để pháp luật xích lại gần hơn với cuộc sống. Ngăn chặn sự tấn công bằng cách tấn công lại là một giải pháp mà luật đã tính đến và có sự bảo vệ rõ ràng. Như vậy, người dân hoàn toàn có thể chống cự lại sự tấn công mà không bị xem là tội phạm khi tương ứng với hành vi và tương xứng về công cụ, phương tiện, sức khỏe.
“Trở lại hành vi chống trả gây chết người của chị Hằng thì rõ ràng pháp luật đã dự liệu trường hợp này và xác định đây là sự chống trả tương xứng với hành vi tấn công của đối phương nên đã quy định đó không phải là tội phạm”, LS Công phân tích.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.