Bài hát được viết lâu lắm rồi, đâu từ những năm 40 của thế kỷ trước. Khi viết ca từ “thằng Cuội già”, có lẽ nhạc sĩ Lê Thương “nhập” lắm. “Thằng Cuội” muôn đời là người bạn hồn nhiên, hiền hòa, chân chất nhưng không thiếu mơ mộng của hàng triệu thiếu nhi VN. Gọi là “thằng Cuội già”, phải chăng nhạc sĩ muốn thể hiện những điệp trùng năm tháng đậm màu cổ tích. “Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời”. Nghìn năm trước và nghìn năm sau nữa hầu hết thiếu nhi nước ta vẫn gọi trăng là chị Hằng, gọi Cuội bằng một danh xưng “bằng vai phải lứa” và rất đáng yêu: thằng Cuội. Nhìn từ góc độ này, chị Hằng đẹp vĩnh cửu và Cuội trẻ vĩnh viễn.
Hồi đó, tuy “không xa kinh kỳ sáng chói” nhưng làng tôi lô xô toàn những mái tranh. Trường học cũng nhếch nhác như lũ học trò áo quần lấm mực lôi thôi lếch thếch. Ngày đầu tiên của tháng tám, chưa có trăng non nhưng chị Hằng - thằng Cuội đã gọi tên những người bạn nhỏ rồi. Lũ trẻ râm ran rủ nhau “vào cuộc” làm lồng đèn ông sao, lồng đèn bánh ú, lồng đèn cá chép. Tre làm sườn cho lồng đèn thì dễ rồi. Riêng cái khoản giấy bóng xanh đỏ tím vàng phất lên các mặt của lồng đèn thì hơi khó. Nhưng không sao. Lũ trẻ hàng xóm đã nghĩ ra cách “đậu tay”. Chỉ với hai đồng đã mua được cả mớ giấy đủ màu rực rỡ. Để tiết kiệm, những chùm tua rua của lồng đèn được xen kẽ bằng giấy học trò.
Thời ấy mỗi trường nhiều nhất là hai lớp, do người “kha khá chữ” lập ra, gọi là ông giáo làng. Phải vài ba “cơ sở” trường như vậy nhập lại mới đủ đội hình rồng rắn diễu hành đón Tết Trung thu qua những con đường làng tràn ngập ánh trăng. Vẫn những con đường làng thân quen đến mức thuộc lòng chỗ nào có dừa, có tre, có trúc nhưng đêm rằm tháng tám thấy lạ lẫm, nao nao, hồi hộp lạ. Tay xách lồng đèn bên trong có ngọn nến lung linh, lồng ngực đứa nào cũng thậm thình tiếng trống múa lân, cũng thấy vang ngân những bài hát trung thu có hình ảnh chị Hằng, gốc đa, thằng Cuội. Đêm đó, những đứa trẻ bảy, tám tuổi chụm đầu say sưa thủ thỉ với nhau bằng một “niềm tin mãnh liệt” rằng khi nào nghỉ hè sẽ mua kẹo lên cung trăng chơi với thằng Cuội theo cách mà câu hát… dẫn dụ: “Các em thích cười, muốn lên cung trăng, cứ hỏi ông trời cho mượn cái thang”.
Gần khuya, thầy giáo bảo học trò trường nào về trường nấy để “điểm danh”. Đó là lần điểm danh… dễ thương nhất trong quãng đời thơ bé. Thì ra trong lúc đám trẻ say sưa xách lồng đèn đi diễu hành thì các mẹ, các dì đã “âm thầm” nấu chè xếp thành vòng tròn trong mấy cái nong bày ra giữa sân trường. Có mặt đặt tên. Chúng tôi mỗi đứa một chén chè nếp đầu mùa có những hạt đậu phụng thơm quá là thơm.
Tết Trung thu trong sáng và chén chè ngọt ngào năm ấy tôi vẫn còn “cất giữ” đến tận bây giờ, cho dù lớp lớp tháng năm đã giăng nhiều đám sương mù lên ký ức.
Bình luận (0)