Chen chúc tiếp tế ở khu cách ly

24/03/2020 06:13 GMT+7

Nhiều phụ huynh, người thân xếp hàng dài, mang theo quạt máy, gấu bông, bánh kẹo... cho con cái, người thân trong khu cách ly ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM , gây nhiều hệ lụy cho cơ quan chức năng.

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tính đến 8 giờ ngày 23.3, TP đã có 8.836 ca cách ly tập trung và theo dõi tại nhà. Trong đó, nhiều nhất là khu cách ly tập trung tại ký túc xá (KTX) ĐH Quốc gia TP.HCM (KP.6, P.Linh Trung, Q.Thủ Đức) với 5.036 người.

Ông già U80 đội nắng chờ tiếp tế cho con cách ly ở Ký túc xá ĐHQG

Ùn ứ vì tiếp tế

Sáng 23.3, theo ghi nhận của Thanh Niên, tại khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, rất đông người chen lấn chờ gửi đồ cho người đang được cách ly bên trong. Bên ngoài khu cách ly, “hàng” được chất thành đống. Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, giữa cái nắng nóng gay gắt, trước cổng khu cách ly vẫn có rất đông người nhà tiếp tục đến xếp hàng dài chờ gửi đồ tiếp tế cho người thân. Một số người không đủ kiên nhẫn chờ đến lượt mình, đã chen lấn ra giữa đường tạo nên cảnh tượng bát nháo, gây khó khăn cho công tác phân luồng giao thông của lực lượng chức năng.

Đề nghị không nhận đồ tiếp tế

Chiều 23.3, phát biểu kết luận phiên họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đã đề nghị các gia đình có thân nhân đi cách ly tập trung phòng dịch không nên gửi đồ tiếp tế. Theo ông Chung, những người cách ly đang “được phục vụ rất tốt, không cần quá lo lắng, không cần lên gửi đồ đạc. Đồ ăn chưa được khử khuẩn, được đưa vào cách ly tập trung thì tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Đề nghị các đơn vị quản lý không nhận quà này”. Ngoài ra, việc người nhà mang quá nhiều đồ đạc tạo thêm rất nhiều gánh nặng công việc cho lực lượng phục vụ.
Vũ Hân
“Khu này chuyên biệt nên xe cấp cứu, xe chở người nghi nhiễm ra vào liên tục và di chuyển khẩn cấp nên rất cần đường thông thoáng, nhưng người thân đến tiếp tế cứ đứng tràn ra đường. Mỗi khi có xe ra vào, tôi phải dùng loa kêu gọi ổn định nhiều lần. Những lúc đó xe chuyên dụng phải đậu chờ rất mất thời gian”, một CSCĐ làm nhiệm vụ phân luồng giao thông trước khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ.
Chị H. (ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu, có con đang cách ly trong KTX ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết, khi hay tin con đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất, rồi được đưa về đây cách ly, chị rất lo lắng. “Con tôi nói là nhà vệ sinh rất dơ, phòng không có đèn do lâu ngày không có người sử dụng nên tôi mua vội nước tẩy rửa nhà vệ sinh đến đây chờ gửi vô”, chị H. nói và cho biết thêm: “Nhìn cảnh tượng vừa nắng vừa đông người xếp hàng thế này cũng rất ngán, sợ lây, nhiễm bệnh nhưng vì con mình ở trong kia nên cố chịu đựng. Thấy mọi người đem quạt nhiều quá nên tôi có ý định hôm sau sẽ mua cho con vì chắc bên trong nóng lắm”.

Sinh viên tình nguyện gấp rút dọn dẹp biến ký túc xá thành khu cách ly

Mồ hôi nhễ nhại, loay hoay viết vội thông tin người nhận trên 2 chiếc quạt máy, anh Q. (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) phân trần: “Tôi cũng không biết tình hình bên trong thế nào, chỉ nghe con trai du học ở Thụy Điển được đưa vào đây cách ly báo trong phòng rất nóng, nên tôi mua vội 2 chiếc quạt máy gửi vào”. Theo ghi nhận của Thanh Niên, nhiều người còn mang theo nước suối, nệm, gối ôm; thậm chí thú nhồi bông, mì tôm, trái cây… để gửi cho người thân trong khu cách ly.

Cảnh tiếp tế cho người cách ly ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM chiều 23.3

Ảnh: Ngọc Dương

Cần “chừng mực”

Về những lo lắng có phần thái quá của phụ huynh, người thân của những trường hợp đang được cách ly tại KTX ĐH Quốc gia TP.HCM, ngày 23.3, trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ (BS) Huỳnh Ngọc Thành, Phó giám đốc HCDC, cho biết tâm lý phụ huynh nào cũng quan tâm con, lo lắng cho con, cho người thân của mình. Nhưng đối với tình trạng gửi đồ dùng cá nhân quá nhiều vào khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM (như: bánh sinh nhật, tủ lạnh...), BS Thành cho rằng các cơ quan chức năng của TP sẽ siết về vấn đề này và đã không cho nhận những đồ dùng này vào khu cách ly. Quan điểm của HCDC là người mới vào cách ly thì cho nhận tiếp tế lần 1 (ngày đầu tiên), một số nhu yếu phẩm; 7 ngày sau thì được nhận tiếp tế lần 2. Hiện nay chưa có quy định cho hay không cho mang gì vào khu cách ly, nhưng để công bằng cho những người đang ở trong khu cách ly, không cho phép đưa tủ lạnh, đồ kềnh càng vào. BS Thành nói thêm, thức ăn “nhà nấu” không được mang vào mà do đơn vị cung cấp suất ăn lo 3 bữa/ngày. Giải thích lý do về việc này, theo BS Thành “nếu lỡ xảy ra một ca ngộ độc, rối loạn tiêu hóa thì chúng tôi không biết người được cách ly đã ăn gì”...

Sinh viên trắng đêm dọn phòng vì ký túc xá thành khu cách ly

Một số du học sinh từ châu Âu “bất hợp tác” 

Thông tin tại hội nghị trực tuyến toàn quân về phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ Quốc phòng ngày 23.3, thiếu tướng Nguyễn Quốc Duyệt, Tư lệnh Bộ Tư lệnh thủ đô, cho biết trong thời gian qua, việc thực hiện cách ly người từ vùng dịch về sân bay Nội Bài (Hà Nội) có nhiều khó khăn như lực lượng quân y của Bộ Tư lệnh thủ đô mỏng, không có bệnh viện; chưa có xe chuyên trách vận chuyển. Bên cạnh đó, giai đoạn 1, việc tổ chức cách ly những người từ Trung Quốc, Hàn Quốc tốt, nhưng giai đoạn 2 (từ đầu tháng 3 tới nay) thì có biểu hiện “lỏng” ở một số điểm. Đặc biệt, ông Duyệt cho hay, một số du học sinh ở khu vực châu Âu trở về nói chung gia đình có điều kiện, nên khi về đến sân bay Nội Bài có một số biểu hiện thiếu hợp tác với cơ quan chức năng. Một số phải dùng công an, an ninh hàng không “gần như cưỡng chế lên xe” thì mới đưa được về nơi cách ly.
Lê Hiệp
BS Thành thừa nhận, việc phụ huynh, người thân gửi quá nhiều đồ tiếp tế vào khu cách ly KTX ĐH Quốc gia TP.HCM đã và đang gây ra nhiều hệ lụy. Trong khi đó, ở những khu cách ly nhỏ, khu quân đội..., người dân tuân thủ rất tốt. “Hệ lụy là tăng gánh nặng cho những người phục vụ, phải đưa lên phòng. Trong khi đó, công việc chính của những lực lượng được hỗ trợ, như dân quân (đã được tập huấn phòng chống nhiễm khuẩn - PV), là đảm bảo cho phòng tránh lây nhiễm như: dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn…”, BS Thành khẳng định và phân tích, ngoài ra còn làm cho người cách ly không tuân thủ nội quy, quy định ra vào, “vượt rào”; tăng rác thải, khiến công ty dịch vụ công ích gom không xuể. BS Thành cho biết thêm, trung bình mỗi ngày, 1 người trong khu cách ly xả ra khoảng 1 kg rác thải; với số người như hiện nay trong khu cách ly, ước tính 1 ngày xả ra 5 tấn rác thải.

Rác thải trước một khu nhà cách ly ở KTX ĐH Quốc gia TP.HCM trưa 23.3

Ảnh: Duy Tính

 
BS Thành cho biết thêm, sắp tới ngành y tế TP.HCM sẽ ban hành quy chế nội bộ trong khu cách ly. “TP cung cấp mùng mền, chiếu gối, đồ vệ sinh cá nhân cho người cách ly. Nguồn lực của TP là 90.000 đồng/ngày tiền ăn. Nếu người bên trong cần gì thì gọi xuống yêu cầu nhân viên và sẽ được đáp ứng (người cách ly tự trả tiền - PV)”, BS Thành cho hay. Về chăm sóc sức khỏe cho người đang được cách ly, theo BS Thành, hiện có 10 bệnh viện và các cơ sở y tế TP chia nhau phụ trách các block trong KTX ĐH Quốc gia TP.HCM; trực 24/24 chăm sóc sức khỏe cho người cách ly. Mỗi kíp trực của các block nhà có ít nhất 2 BS và 8 điều dưỡng, nhân viên y tế.
“Về an ninh trật tự, KTX ĐH Quốc gia TP.HCM có một nửa thuộc sự quản lý của tỉnh Bình Dương. Hiện nay, lực lượng công an chỉ bảo vệ vòng ngoài, trong khi đó HCDC cần khoảng 2 công an túc trực để bảo vệ bên trong khu KTX”, BS Thành nói.

Nguồn: Tổng hợp

Đồ họa: Hồng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.