Người miền Trung thường có thói quen để dành thức ăn cho mùa đông, bởi mùa đông thường là mùa của mưa giông, bão tố, mùa của sự khan hiếm mọi thứ từ rau quả đến thịt cá. Đấy cũng là lý do những hũ mắm ruốc được ra đời.
Thương lắm những hũ mắm được chắt chiu từ đôi bàn tay tỉ mẩn của mẹ. Mẹ vẫn thường nhắc về ngoại mỗi dịp ủ mắm. Mẹ bảo gia tài lớn nhất mà mẹ được thừa hưởng từ ngoại đó là cách làm ra những hũ mắm thơm ngon, đậm vị. Cha yêu mẹ cũng bởi đôi bàn tay khéo léo ấy. Mẹ lúc đương thì con gái có nhiều mối dạm ngõ nhưng mẹ cứ lắc đầu không chịu cho đến hôm gặp cha ở bến cá ngoài biển. Cha là ngư dân, mẹ tình cờ quen cha vào năm ruốc trúng mùa, khi mẹ theo ngoại ra chợ để tìm mua mẻ ruốc ngon về ủ mắm. Mẹ hay xa xăm kể như vậy vào mỗi mùa ruốc về.
Tôi quen thuộc với từng hũ mắm ruốc từ khi còn nhỏ xíu. Tôi thích được ngồi bên góc bếp để xem mẹ làm mắm. Lòng luôn nhớ hình ảnh mẹ trộn ruốc với muối giữa cái nắng chang chang như đổ lửa, đôi tay gầy guộc của mẹ vẫn miệt mài, mặc cho những giọt mồ hôi ướt đẫm trên vầng trán hằn in dấu thời gian. Mùa ruốc ở quê tôi thường kéo dài từ đầu hè và kết thúc vào cuối thu. Khi ấy mẹ sẽ tranh thủ ra chợ chọn mua những con ruốc tươi ngon nhất để khéo léo, vun vén và chế biến nên hũ mắm đậm đà. Mẹ bảo muốn mắm ruốc không bị trở, để được lâu cần xào khô ruốc với ít muối hột trước khi dàn ruốc lên trên nia để phơi. Ruốc sau khi đã phơi ráo, mẹ mang vào ướp với muối theo tỉ lệ phù hợp. Cứ thế mẹ dùng cối đá giã nát ruốc trước khi cho vào hũ sành.
Tôi vẫn thường nhớ đến câu nói của mẹ, muốn thưởng thức mắm ngon thì cần có sự đợi chờ và kiên nhẫn. Phải rồi, thời gian để mắm được chín đâu có ngắn, ủ những 6 tháng mới được mở ra cơ mà. Đôi khi tôi mường tượng ra hành trình để con người ta đi đến sự trưởng thành. Giống như mẹ đã từng nói, muốn làm ra những hũ mắm ngon đâu chỉ ở nguyên liệu mà đằng sau ấy là cả một quá trình đòi hỏi sự khéo léo và bền bỉ. Nhìn chén mắm ruốc thơm lừng hương vị mặn mòi của biển, tôi thầm biết ơn mẹ. Điều kỳ diệu tạo nên hương vị đặc biệt của món mắm mẹ làm, phải chăng đến từ chính tình mẫu tử thiêng liêng của mẹ hòa với đất trời, biển cả nơi miền Trung bạt ngàn sóng gió? Và đó có phải là lý do cho mỗi lần xa quê, dù được thưởng thức nhiều món mắm khác nhau ở mọi miền Tổ quốc, nhưng sao lòng cứ nhớ mãi gọi tên mỗi một món mắm nghe thôi đã quá đỗi thân thương và nghĩa tình. Mắm ruốc mang trong mình hồn cốt của quê hương xứ sở.
Về với mẹ vào đúng giữa mùa mưa, khi ngọn gió đông từ phía biển tràn về se sắt, cũng là lúc mẹ giở trong hũ sành bưng ra một chén mắm ruốc thơm ngon, hấp dẫn. Mẹ biết tôi thích ăn cà chấm với mắm ruốc nên chiều lòng con gái, mẹ pha chế chén mắm ruốc đủ đầy hương vị chua, cay, mặn, ngọt. Chẳng hiểu sao tôi ăn mắm hoài nhưng chẳng bao giờ thấy ngán, xem ra độ đưa cơm của mắm quả là tuyệt vời. Chỉ với chén mắm ruốc dân giã, nực mùi vị của quê hương biển cả, mẹ đem chế biến ra nhiều món ăn đủ làm nao lòng tôi những lúc đi xa.
Tôi mang một hũ mắm ruốc làm quà quê gửi tặng bạn ở xa. Bạn thật thà kể với tôi rằng lúc mới mở ra bạn thấy hũ mắm hơi… hôi, nhưng thử ăn lại thành ghiền, và cảm động nhắn lời cảm ơn đến mẹ. Bạn làm tôi nhớ thuở ấu thơ, tôi từng vùng vằng không chịu ăn cơm vào những ngày chật vật, bữa cơm chỉ có chén mắm ruốc với rau cà đạm bạc. Sau này lớn lên, những mùa mưa xa nhà, tôi nhận ra không gì ngon bằng chén mắm ruốc quê mình.
Tôi lại nhớ quay quắt cái chén mắm ruốc màu tím sậm và nhớ thứ mùi vị xa xăm, khó tả toát lên từ trong làn khói bếp len cay. Thứ cảm giác đó, mùi vị đó hình như lúc nào cũng có sẵn trong góc hồn của những người con xa quê. Người miền Trung quê tôi thích ăn mặn, mỗi loại mắm đậm đà là cả một gia tài của truyền thống, kinh nghiệm, tấm lòng được truyền qua bao thế hệ. Vị mặn mòi ấy như vị của nước mắt, thắt ruột mà nhớ chén mắm ruốc như nhớ những con người miền Trung lớn lên trong triền miên bão lụt.
Chiều bên mâm cơm có chén mắm ruốc đại gia đình chấm chung, tôi nghe sóng mắt mình cay cay. Ngoài kia những cơn gió cứ ràn rạt thổi qua mang theo một mùi hương quen thuộc…
|
Bình luận (0)