Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì?

23/09/2023 16:04 GMT+7

Phóng viên Báo Thanh Niên đặt vấn đề với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM về việc nhiều phụ huynh thắc mắc tại sao chèn nhiều môn 'tự nguyện' vào chính khóa, tại sao không sắp xếp vào cuối buổi chiều, để ai không có nhu cầu học sẽ đón con về?

Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì? - Ảnh 1.

Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì? - Ảnh 2.

Các thời khóa biểu của học sinh tiểu học TP.HCM, chèn môn "tự nguyện" như STEM, kỹ năng sống, các giờ tiếng Anh tự nguyện vào chính khóa

PHỤ HUYNH CUNG CẤP

Những ngày qua, nhiều phụ huynh học sinh bức xúc phản ánh với Báo Thanh Niên tình trạng chèn môn "tự nguyện" - trả tiền thêm mới được học - vào trong chính khóa.

Thay vì tổ chức sau 15 giờ chiều, các môn như kỹ năng sống, STEM, tiếng Anh với người bản ngữ, tin học quốc tế... được đưa vào xen kẽ với các môn chính khóa (môn bắt buộc học trong chương trình giáo dục), cả trong buổi sáng và buổi chiều. Điều này khiến cho phụ huynh khó mà không đăng ký, bởi không đăng ký thì giờ đó bé ở đâu, làm gì, chẳng lẽ các bạn học còn con mình ngồi không?

Ngày 21.9, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết quy định bậc tiểu học không quá 7 tiết mỗi ngày, tùy các đơn vị sắp xếp, tùy từng khối lớp, sẽ là hơn 20 hay 30 tiết một tuần. Theo ông Quốc, cần phân biệt các tiết chính khóa theo quy định chương trình GDPT 2018 là những tiết "cứng", còn "kia" (những nội dung môn học "tự nguyện" mà phóng viên nhắc tới) là những hoạt động bổ trợ, bổ sung cho nội dung theo các đề án, cần xem xét chúng độc lập với nhau.

"Ngoài các tiết chính khóa, nhà trường bổ sung một số hoạt động liên quan đến kỹ năng, liên quan đến các đề án như tin học hoặc ngoại ngữ. Tuy nhiên, việc sắp xếp rất là căng, giữa cái chung và cái ngoài, có những cái không thể tách biệt, độc lập được, tùy thực tế từng trường", ông Nguyễn Bảo Quốc nói.

Khi phóng viên nêu câu hỏi, có quy định nào về việc sắp xếp các tiết chính khóa bắt buộc và các tiết "tự nguyện" trong thời khóa biểu không, ông Quốc nói: "Bây giờ giao tự chủ của nhà trường. Nhà trường sẽ trên tinh thần sắp xếp, bởi không phải chỉ là số tiết, không phải chỉ nhấn vào số tiết là được. Mà còn là việc phân công giáo viên phù hợp, làm việc với các bên hỗ trợ, đủ thứ chuyện hết, nên từng đơn vị nhà trường sẽ có cách xử lý khác nhau. Nếu mà mình cứng quá, bắt buộc chỗ này phải buổi chiều hay như thế nào đó, vân vân… thì sẽ rất là khó".

Chèn môn 'tự nguyện' vào chính khóa: Sở GD-ĐT TP.HCM nói gì? - Ảnh 3.

Phụ huynh V.Đ (trái) phản ánh thực tế chèn môn "tự nguyện" vào chính khóa ở trường con mình đang học

THÚY HẰNG

Phóng viên cũng nêu vấn đề là nhiều phụ huynh phản ánh, nếu đan xen các môn "tự nguyện" với các môn chính khóa, nếu con em họ không học thì đi đâu…, ông Quốc nói: "Khi làm việc thì cần trên tinh thần là ý phụ huynh và ý nhà trường phải đồng thuận. Chứ không phải nhà trường tôi có dự kiến tổ chức A, B, C, D, E nào đó, phụ huynh không đồng ý thì cũng rất khó cho nhà trường. Quan trọng nhất là phải đạt sự đồng thuận của hai bên. Sự đồng thuận đó sẽ giúp cho việc tổ chức đều, xuyên suốt…".

Ông Quốc cũng cho biết, Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ trả lời cụ thể, đầy đủ hơn vấn đề trên bằng văn bản.

Tại văn bản số 4457 về kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM có nêu về việc thực hiện chương trình GDPT. Đối với lớp 1, 2, 3 và 4 thực hiện chương trình GDPT 2018, Sở GD-ĐT TP.HCM yêu cầu:

  • Thực hiện dạy học các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, các môn học tự chọn theo quy định của chương trình GDPT 2018; tổ chức các hoạt động củng cố để học sinh tự hoàn thành nội dung học tập, các hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu, sở thích, năng khiếu của học sinh; các hoạt động tìm hiểu tự nhiên, xã hội, văn hóa, lịch sử, truyền thống của địa phương;
  • Tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học thực hiện chương trình GDPT, mỗi tiết 35 phút, không bắt buộc phải thực hiện sáng 4 tiết, chiều 3 tiết; tối thiểu là 9 buổi/tuần với 32 tiết/tuần;
  • Kế hoạch giáo dục đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt của chương trình; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện ở tiểu học;
  • Hiệu trưởng chủ động xây dựng kế hoạch nhà trường, sắp xếp thời khóa biểu một cách khoa học, đảm bảo tỷ lệ hợp lý giữa các nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học và tuần học phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đồng thời phù hợp với việc điều động, bố trí giáo viên giảng dạy (đối với các môn chuyên, các hoạt động giáo dục khác)…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.