Ước mơ nhà hát, cụm công trình, du lịch và kinh tế đêm
Bộ trưởng VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng cho biết bên hành lang Quốc hội về việc bộ này đang làm việc để hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao là xây dựng đề án sớm hình thành nhà hát quốc gia Nhà hát Các dân tộc Việt Nam. "Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Bộ đã làm việc và báo cáo tập thể Ban cán sự Đảng để chọn phương án, trước mắt là xác định địa điểm. Qua rà soát thì thấy nhà hát phải gắn liền với địa điểm, tạo giá trị dấu ấn, và kết nối tạo ra một quần thể. Chính vì vậy, Bộ nghiên cứu xây dựng phương án phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội là một quần thể", Bộ trưởng Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, dù Bộ VH-TT-DL nghiên cứu phương án như vậy song phương án này phải được sự đồng thuận của nhiều ngành, nhiều cấp ở Hà Nội. "Nếu làm được việc này thì nó là một quần thể Nhà hát - Bảo tàng lịch sử - Bảo tàng Cách mạng… kết nối phía trước là hồ Hoàn Kiếm và không gian đi bộ. Quần thể vừa kết nối vừa tạo ra được dấu ấn văn hóa riêng, thu hút được khách du lịch. Khách đến có chỗ để thưởng ngoạn, giao lưu. Kinh tế đêm Hà Nội cũng phát triển và kết nối. Tất nhiên còn các phương án pháp lý khác đang nghiên cứu. Chúng tôi mới đang lập dự án tiền khả thi", ông Hùng nói.
Ý kiến của ông Hùng có điểm tương đồng với người tiền nhiệm là nguyên Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện. Ông Thiện từng rất hào hứng với việc xây dựng một quần thể để tham quan; xây dựng một tour tham quan các công trình Pháp gồm Nhà hát Lớn - Bảo tàng Lịch sử quốc gia - Bắc bộ phủ - Ngân hàng Nhà nước… Một sản phẩm du lịch đã được hình thành, các đơn vị như Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Nhà hát Lớn đã có bài thuyết minh, có cán bộ có thể thuyết minh.
Mặc dù vậy, hiện trạng tour tham quan này đang không được như kỳ vọng. Chỉ có phần tour bên Bảo tàng Lịch sử quốc gia giới thiệu kiến trúc Pháp được duy trì. Phía Nhà hát Lớn không còn tour tham quan kiến trúc này nữa. Bà Nguyễn Thị Thu Hoan, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, cho biết đơn vị vẫn chạy một tour giới thiệu kiến trúc của bảo tàng. "Chúng tôi cho hướng dẫn viên hướng dẫn từ bên ngoài. Chúng tôi kết nối với Nhà hát Lớn và Bắc bộ phủ liên quan đến hiện vật của bảo tàng là ấn triều Nguyễn, mũ triều Nguyễn. Có nghĩa là kết thúc triều Nguyễn bằng Cách mạng Tháng 8, diễn ra ở Nhà hát Lớn và Bắc bộ phủ. Nhưng chúng tôi cũng không thể vào bên trong Nhà hát Lớn được", bà Hoan cho biết.
Như vậy, có thể thấy trước khi có thể có một "quần thể" văn hóa mới cho du lịch và kinh tế đêm, Bộ VH-TT-DL cần xử lý việc kết nối hiện tại vốn đang rất lỏng lẻo.
Phản quy hoạch
TS-KTS Vũ Hoài Đức, Khoa Các khoa học liên ngành (ĐH Quốc gia Hà Nội), không đánh giá cao tính khả thi của việc "nhồi" một nhà hát mới vào sau lưng Nhà hát Lớn Hà Nội.
Cụ thể, ông Đức cho biết tại khu vực phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội muốn xây dựng cũng không thể động đến phần diện tích liên quan khách sạn Hilton. Ở khu vực đường Phạm Ngũ Lão thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng và không thể xây dựng. Cũng ở phía sau còn có Bảo tàng Lịch sử quốc gia vốn là di tích quốc gia rồi. "Vậy thì chỉ có thể lấy khu sau lưng có Nhà hát kịch Việt Nam ở ngõ rất bé là ngõ số 1 Tràng Tiền. Chỗ đấy phá nhà hát đó đi để lấy mặt bằng xây chen vào thì quá bé. Nó là phần đất kẹt giữa Cục Hóa chất công nghiệp Việt Nam và Tổng cục Địa chất khoáng sản", ông Đức phân tích.
Cũng theo ông Đức, nếu muốn có đủ diện tích xây dựng một nhà hát nhỏ thì buộc phải giải phóng "khu vực" 2 cơ quan nói trên. Nhưng khi đó lại có cái khó là trong khu vực đó cũng đã có những công trình di sản. "Việc cấy ghép một khối đằng sau vừa xứng tầm quốc gia vừa có tương quan với các công trình còn lại rất khó. Việc tổ chức không gian giao thông, can thiệp vào không gian cũng có tính di sản đằng sau Nhà hát Lớn cũng có phần vô lý", TS Đức nói.
TS Đức cho rằng: "Hà Nội có đô thị định hướng xác định phát triển tây hồ Tây, bắc sông Hồng. Hoàn toàn có thể làm được ở các hướng đó, cứ gì phải đưa vào Nhà hát Lớn. Phải đưa nhà hát mới vào không gian mới đủ để công trình trở thành một hạt nhân có sức hút".
TS Đức cũng đặt vấn đề nếu Bộ VH-TT-DL có ý định tốt về tạo quần thể thì sao không di dời các không gian đằng sau, thậm chí cả Nhà hát kịch, để giảm mật độ và cũng tạo nên một không gian công cộng bao quanh Nhà hát Lớn. Không nên can thiệp vào đó theo cách xây nhà hát mới như vậy. "Quan điểm của tôi là giảm mật độ, kết nối Bảo tàng Lịch sử quốc gia với Nhà hát Lớn. Nếu di dời được Nhà hát kịch Việt Nam đi rồi thì sẽ có thể kết nối thông qua bằng một lối đi bộ. Người ta tham quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia, kết thúc ở khoảng sân rộng rồi đi bộ sang một không gian thông thoáng mới ở Nhà hát Lớn", ông Đức nói.
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, nói ngắn gọn: "Đằng sau làm gì có đất đâu, chỉ có nhà hát của ông Khôi (NSND Trọng Khôi - NV) ngày xưa. Thế thôi chứ làm gì còn chỗ nào đâu. Mà chả ai làm nhà hát đằng trước nhà hát đằng sau cả".
Bình luận (0)