"Cheo leo" nghề săn én

18/03/2013 08:53 GMT+7

Người dân bản Khoáng (xã Mường Bang, H.Phù Yên, Sơn La) lâu nay vẫn leo lên những vách đá cao hàng trăm mét để săn én, dơi về ăn.

khoảng 16 giờ, sau khi vượt đoạn đường hơn 20 km, chúng tôi vào hang Khoáng (bản Khoáng, xã Mường Bang, H.Phù Yên, Sơn La). Trời chiều vừa tắt nắng, 5 đứa trẻ chừng 15-16 tuổi gầy gò, cởi trần, chân đất, đeo túi vải đựng tấm lưới sau lưng đang chuẩn bị leo lên vách đá để bẫy én. Theo một triền đá chênh vênh, chúng trèo lên vách đá cao đến hơn 100 m rồi mất hút ở cửa hang.

 
Thợ săn én leo lên vách đá để vào hang - Ảnh: N.Tuấn

Ngoài lối mòn này, còn một đường khác có thể leo thẳng vào hang theo những dây mây được kết chặt vào nhau bám sát vách đá theo chiều thẳng đứng mà “các cụ” để lại. Đích đến của chúng là những hốc đá cheo leo trên vách hang dựng đứng, có chỗ được gia cố bằng mấy tấm gỗ treo vào đá.

Dụng cụ bắt én chỉ gồm 2 sào nứa dài khoảng 5 sải và một bộ lưới đánh cá. Sau khi leo lên vách đá, người bẫy cần xòe 2 sào nứa, giăng lưới theo hình chiếc quạt hứng trước cửa hang. Số lượng én bẫy được nhiều, ít tùy từng ngày, có khi từ chiều đến tối chỉ được 1-2 con nhưng có buổi được vài trăm con.

“Khi chim én sa bẫy thì phải khép 2 cánh lưới lại cho khỏi bay. Chim sẽ bị vặt cổ rồi bỏ vào túi vải đeo sau lưng”, Bùi Văn Anh, một thợ săn én lành nghề tuổi 16 ở bản Khoáng kể.

 
Ngồi đợi hàng giờ trên vách hang đợi én - Ảnh: N.Tuấn

Ông Bùi Văn Điền, một người dân bản Khoáng (46 tuổi), cho biết: én về hang nhiều nhất là vào buổi chiều, có khi hàng nghìn con nên thợ săn trong bản thường leo lên vách đá, vào hang đặt lưới từ lúc 16 giờ, khi trời sẩm tối thì xuống.

Theo ông Điền, mấy năm gần đây, lượng chim én về giảm hẳn bởi vì số người săn ngày càng nhiều. Cả bản có hơn 40 hộ, nhà nào cũng có người săn. Trẻ con 9-10 tuổi đã theo người lớn đi săn. Loài én cũng khôn hơn khi rủ nhau bay lên trú ngụ tận hang Úp trên đỉnh núi.

Ngoài én, người bản Khoáng còn săn dơi. Dụng cụ săn dơi cũng giống như đồ săn chim én, chỉ thêm một chiếc đèn pin đeo trước trán để soi đường vì việc săn dơi diễn ra trong đêm, từ lúc 0 giờ đến khoảng 5-6 giờ sáng hôm sau.

“Săn dơi đêm chỉ cần nghe tiếng vỗ cánh, tiếng kêu là biết chúng sa bẫy. Ngồi đợi lúc nào thấy nhiều thì giật lưới một lần”, một thợ săn dơi bản Khoáng cho biết. Họ ưa săn dơi đêm hơn vì ban đêm trời tối, không thấy gì nữa nên không còn thấy sợ.

Có mặt ở bản Khoáng, chúng tôi thấy người dân mang những con dơi, én vặt lông tại nền nhà rồi rửa qua nước lã, chặt khúc rồi xào chín để uống rượu.

“Thịt dơi ăn thơm, dai và ngọt hơn thịt én, nếu đem nướng thì ăn được cả lông”, ông Bùi Văn Diều (50 tuổi), người dân bản Khoáng cho biết.

“Nhiều người bảo dơi cắn độc, nhưng ở đây ai đi săn cũng bị dơi cắn suốt ngày mà chả thấy phát bệnh gì, nên không ai sợ”, một thợ săn én vô tư nói.

Bản Khoáng là xóm nghèo ở xã Mường Bang, người dân quanh năm sống bằng nghề trồng ngô trên nương đá. Việc săn dơi, én giúp họ có thêm đồ ăn hoặc nhắm rượu. Nếu bẫy được nhiều thì đem bán cho các hộ khác ở bản Ấm, Đồng Nghê… với giá 4.000 - 5.000 đồng/con.

Được biết, tại hang Khoáng đã có 2 người bỏ mạng vì săn én, dơi. Năm 1980, anh Bùi Văn Hóa mới 19 tuổi thiệt mạng vì buồn ngủ và rơi đập đầu vào đá. Trước đó, một thợ săn én trượt chân và chết thảm.

Nguyễn Tuấn

>> Thợ săn thiên thạch
>> Săn lùng… mối chúa
>> Nghề thử thuốc
>> Làm giàu từ nghề nông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.