Chết do chữa chó cắn bằng thuốc nam

05/07/2017 08:34 GMT+7

Trong 6 tháng qua, cả nước có 35 người chết vì bệnh dại thì có tới 32 nạn nhân sống tại các tỉnh miền Bắc. Điều đáng nói, nhiều trường hợp tử vong vì bệnh nguy hiểm này do tự chữa bằng thuốc nam.

Số liệu trên do Văn phòng dự án khống chế và loại trừ bệnh dại, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cung cấp. Theo Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, chỉ trong tháng 6 vừa qua đã ghi nhận 5 trường hợp tử vong vì bệnh dại. Trong đó, có nạn nhân mới 19 tuổi, quê ở xã Phong Vân (H.Lục Ngạn, Bắc Giang), bị chó ốm cắn vào mu bàn tay nhưng tự điều trị bằng thuốc nam nên phát bệnh và tử vong.
Gần đây nhất, ngày 26.6, một người đàn ông ở thôn Đông Danh (xã Đông Ngũ, H.Tiên Yên, Quảng Ninh) chết do bị vi rút dại xâm nhập vào cơ thể từ vết xước ở tay trong lúc giết mổ chó.
Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y, Bộ NN - PTNT) cho biết, bây giờ đang là mùa hè, thời tiết nắng nóng, số chó phát bệnh dại gia tăng trong khi ý thức phòng bệnh của người dân ở nhiều nơi chưa cao. Qua điều tra, chỉ có 30 - 40% trong tổng đàn chó tại các địa phương được tiêm vắc xin ngừa bệnh dại nên nguy cơ xảy ra các ổ dịch là rất cao.
Nguyên nhân, theo ông Tiến, là do cán bộ thú y chỉ có thể vận động, không có quyền cưỡng chế người dân tiêm phòng cho vật nuôi trong khi chính quyền nhiều địa phương lại lơ là trong việc tổ chức tiêm phòng vắc xin bệnh dại cho đàn chó trên địa bàn. Thực tế cho thấy, số người tử vong vì bệnh dại chủ yếu sống ở khu vực vùng sâu vùng xa, là những nơi tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh dại của đàn chó rất thấp, trong khi người dân vẫn có thói quen thả rông chó.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư) cảnh báo, qua theo dõi trong nhiều năm, điểm đáng lưu ý là 15 - 20% ca bệnh tử vong do nạn nhân tự ý điều trị bằng thuốc nam, chỉ đến khi phát bệnh mới đưa đến cơ sở y tế nên không thể cứu chữa. Người dân không được chủ quan khi bị chó, mèo cắn hoặc có vết xước, rách da khi chơi đùa, tiếp xúc với các loài động vật này.
“Cách chủ động phòng ngừa bệnh dịch tốt nhất là tiêm vắc xin cho vật nuôi và bất luận trong trường hợp nào, dù bị chó, mèo cắn hay bị trầy xước, rách da khi chơi đùa với những loài động vật có nguy cơ mang mầm bệnh dại thì phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị phòng ngừa bệnh dại, tuyệt đối không được tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam”, bác sĩ Hương khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.