Chết vì... quy định bằng cấp!

25/01/2019 07:52 GMT+7

Quy định về bằng cấp khi nắm giữ chức vụ đang trở thành 'sợi dây' trói rất nhiều người và thậm chí đã có những bi kịch xảy ra chỉ vì tấm bằng.

Lao đao vì phải có bằng cấp theo quy định

Vụ việc gần đây nhất liên quan đến câu chuyện bằng cấp là trường hợp ông Trần Quang Nam, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM (HUFLIT).

Ông Nam là cựu học sinh của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, học ĐH HUFLIT, ra trường công tác tại Trường ĐH Sài Gòn. Xong thạc sĩ, ông Nam xin được học bổng tiến sĩ toàn phần tại Barcelona. Nhưng vì sự động viên của gia đình, đang học dở ông lại xin học bổng chương trình 300 của TP.HCM để sang học Trường Business School Lausanne (BSL), Thụy Sĩ. Đây là một trong các trường trong danh sách do UBND TP.HCM đưa ra để ông lựa chọn.
Tuy nhiên, giờ đây ông Nam gặp khó vì tấm bằng tiến sĩ này. Khi có việc, trường yêu cầu ông Nam phải làm thủ tục để Bộ GD-ĐT công nhận bằng cấp đào tạo ở nước ngoài thì phát sinh vấn đề. Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, bằng tiến sĩ của ông Nam từ trường không thuộc hệ thống giáo dục của Thụy Sĩ. Đến nay, UBND TP.HCM quyết định miễn nhiệm chức vụ hiệu trưởng của ông Nam.
Vì quy định hiệu trưởng trường ĐH phải có bằng tiến sĩ nên trong thực tế nhiều trường hợp bằng mọi cách phải đạt được điều này nên dẫn đến những hệ lụy.

Bất cập công nhận văn bằng

Câu chuyện của ông Trần Quang Nam cũng liên quan đến quy định bắt buộc phải công nhận bằng cấp đối với những người nhận bằng tại nước ngoài. Quy định này có nhiều điều bất cập mà Báo Thanh Niên đã từng đề cập trước đây.
Gần đây nhất, vào đầu tháng 1.2019, một số cán bộ từng học tập, nghiên cứu tại Trường ĐH Tổng hợp Quốc gia Odessa, trước thuộc Liên Xô, nay thuộc Ukraine, cho biết chờ đợi quá lâu để được công nhận bằng cấp. Những người này được cấp bằng chính quy năm 1991, và trường Odessa cũng được xác định nằm trong danh sách cơ sở ĐH được cho phép đào tạo, cấp bằng. Tuy nhiên, hiện tại hàng loạt người học tại trường này vẫn “dài cổ” chờ xác nhận.
Trong khi đó, theo hiệp định về việc công nhận và tương đương giữa các văn bằng về giáo dục và học vị khoa học giữa Chính phủ VN và Chính phủ Liên bang Nga, bằng cấp của các trường thuộc Liên bang Nga sẽ mặc nhiên được công nhận.
Tuy nhiên tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cũng cho rằng việc công nhận bằng cấp này thật ra không quá cần thiết. Có thể quy định trường ĐH nào được xếp hạng trong top 1.000 của thế giới thì không cần làm thủ tục công nhận. Vì ở VN hiện tại chỉ có 2 trường lọt vào top 1.000. Nhưng bằng tiến sĩ tại VN thì lại đương nhiên được công nhận và sử dụng.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN) cũng cho rằng không cần công nhận văn bằng mà chỉ cần duy trì danh mục những trường đã được kiểm định. Trong từng ngành lại có những quy định riêng. Ví dụ các ngành kỹ sư, bác sĩ, luật sư, sư phạm, điều dưỡng... thì buộc phải thi chứng chỉ nghề (để kiểm tra tay nghề).
Có lẽ vì những bất cập này mà từ đầu năm 2018, Thông tư 34/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB-XH đã bãi bỏ quy định làm thủ tục công nhận văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục nước ngoài. Theo thông tư này, bằng và chứng chỉ được công nhận tại VN khi được cấp bởi cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động hợp pháp ở nước ngoài mà các chương trình đào tạo đã được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về giáo dục của nước đó cho phép thành lập và được phép cấp bằng, chứng chỉ.
 
Doanh nghiệp không quan trọng bằng cấp
Ở các doanh nghiệp, bằng cấp chỉ là một giá trị tham khảo.
Ông Nguyễn Khoa Hồng Thành, đồng sáng lập Công ty Isobar Vietnam, cho biết tại công ty có người đến 9 năm sau khi đi làm mới lấy được bằng. Có một số trường hợp hiện nay vẫn còn đang nợ bằng, chưa nhận bằng ở trường ĐH. Tuy nhiên, khi phỏng vấn tuyển dụng, công ty chưa bao giờ hỏi đến bằng của ứng viên xin việc. Quan trọng là khả năng cũng như sự phù hợp về yêu cầu công việc của công ty đối với ứng viên.
Bùi Hoàng Diệp, Giám đốc điều hành Công ty Lion Bui Agency, cũng khẳng định: “Với vai trò nhà tuyển dụng, tôi đánh giá nhân sự tuyển vào có thực sự phù hợp với công việc mình đang tuyển hay không, về trình độ, kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, thái độ... Đánh giá con người không qua một hành vi nào đó, góc nhìn sự việc mà phải là cả một quá trình”.
Anh Trần Việt Quân, Giám đốc Công ty CP ứng dụng Công nghệ xanh, cho biết cách tuyển dụng của công ty lâu nay không quan tâm nhiều đến bằng cấp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.