Chỉ 30% học sinh biết bơi, khoảng 2.000 trẻ tử vong do đuối nước mỗi năm

10/06/2022 14:39 GMT+7

Bộ GD-ĐT phát động phong trào và khai mạc giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc tại Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng với 700 học sinh tham gia nhằm đẩy mạnh phong trào học bơi, phòng chống đuối nước.

Ngày 10.6, tại Trường Đại học Thể dục thể thao Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT tổ chức lễ phát động phong trào học bơi an toàn, phòng chống đuối nước và khai mạc giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022.

Tham dự buổi lễ có bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao (Bộ VH-TT-DL), đại diện Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cùng các cơ quan, ban ngành, đơn vị liên quan.

700 học sinh đến từ mọi miền đất nước tham gia tranh tài tại giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022

H.Đ

Theo Ban tổ chức, phong trào học bơi, phòng chống đuối nước và giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc được phát động nhằm đẩy mạnh phong trào tập luyện, thi đấu môn bơi nâng cao sức khỏe, bảo vệ bản thân phòng, chống tai nạn đuối nước; đồng thời phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn thể xã hội trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh.

Phong trào cũng tạo điều kiện cho các vận động viên, học sinh, cán bộ, nhà giáo có cơ hội giao lưu học tập, trao đổi kinh nghiệm về công tác an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em, học sinh.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết tai nạn đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em. Ở nước ta, mặc dù có xu hướng giảm nhưng trung bình mỗi năm vẫn có khoảng 2.000 trẻ em, học sinh tử vong do đuối nước, tỷ suất cao nhất so với khu vực Đông Nam Á và cao gấp 8 lần các nước phát triển.

Bà Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, phát động phong trào học bơi an toàn, phòng chống đuối nước và khai mạc giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022

H.Đ

Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng, nguyên nhân các vụ đuối nước bước đầu được xác định là các em thiếu sự giám sát, quản lý của gia đình, người lớn; tự ý rủ nhau đi chơi, đi bơi, đi tắm, chơi gần khu vực nguồn nước.

“Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng cần được đánh giá, phân tích cụ thể đó là: Nhiều trẻ em, học sinh bị đuối nước là do chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và kỹ năng bơi an toàn”, bà Minh nhấn mạnh.

Đối với giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ VĐV tham dự giải và giấy chứng nhận thành tích cho các cá nhân vận động viên xếp hạng nhất, nhì, ba

H.Đ

Giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022 diễn ra từ ngày 8 - 13.6 với sự tham gia của 700 vận động viên học sinh, 300 gia đình phụ huynh đến từ 26 tỉnh, thành phố trên cả nước, đăng ký dự thi bằng hình thức trực tuyến.

Đây được xem là một trong những điểm mới góp phần để giải đấu diễn ra công khai, minh bạch, giảm bớt các thủ tục cho các vận động viên tham gia dự thi. Đối tượng dự thi gồm các học sinh đang học tại các loại hình trường phổ thông: tiểu học, THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, trường phổ thông năng khiếu TDTT.

Mỗi đơn vị được phép đăng ký tối đa 2 vận động viên và 1 đội tiếp sức tham gia thi đấu ở từng nội dung thi. Mỗi vận động viên chỉ được đăng ký tối đa 2 nội dung thi cá nhân và 1 nội dung thi tiếp sức.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, phát biểu cảm ơn Bộ GD-ĐT đã tin tưởng chọn thành phố biển Đà Nẵng để tổ chức chương trình quan trọng

H.Đ

Giải bơi tổ chức theo thể thức thi đấu các cự ly cá nhân và tiếp sức theo các nhóm tuổi quy định, tính thời gian trực tiếp để xếp thứ hạng vận động viên đạt thành tích.

Bộ GD-ĐT sẽ cấp giấy chứng nhận cho toàn bộ VĐV tham dự giải và giấy chứng nhận thành tích cho các cá nhân vận động viên xếp hạng nhất, hạng nhì, hạng ba. Ban tổ chức còn trao huy chương và cờ cho các cá nhân, tập thể đoạt giải.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh (phải) trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia giải

H.Đ

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho hay năm 2022, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo hoàn thiện tài liệu hướng dẫn giáo dục phòng chống đuối nước và các tài liệu, video clip truyền thông, hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước cho học sinh.

Đồng thời, Bộ GD-ĐT tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng chống đuối nước, dạy bơi, cứu đuối an toàn cho 400 cán bộ, giáo viên cốt cán của 63 Sở GD-ĐT.

Tuy nhiên, việc tổ chức phổ cập bơi, phòng chống đuối nước cho học sinh hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, xây dựng bể bơi trong trường học, cơ chế kinh phí (để duy trì hoạt động hiệu quả của các bể bơi), sự chung tay phối hợp của chính quyền, các tổ chức đoàn thể ở địa phương và phụ huynh học sinh. Vì vậy, tỷ lệ học sinh biết bơi mới chỉ chiếm khoảng 30% học sinh phổ thông trên toàn quốc.

“Lễ phát động phong trào học bơi, phòng chống đuối nước và khai mạc giải bơi học sinh phổ thông toàn quốc năm 2022 được xem là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý giáo dục, nhà trường và cơ sở giáo dục. Cũng như tạo sự lan tỏa thu hút sự quan tâm, chung tay của xã hội đồng hành cùng ngành giáo dục trong công tác triển khai phong trào học bơi an toàn và các giải pháp can thiệp phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, học sinh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho thế hệ tương lai của đất nước”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Bà Minh cũng đề nghị các Sở GD-ĐT, cơ sở giáo dục đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống đuối nước và phong trào dạy bơi, thu hút được sự quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội về đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho các em.

“Mỗi em học sinh đều được trang bị những kiến thức, kỹ năng, tăng dần tỷ lệ học sinh được học bơi an toàn góp phần giảm thiểu các vụ tai nạn đuối nước thương tâm”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.