Chi 300 - 400 triệu đồng cho một chương trình kiểm định: Gánh nặng của nhiều trường?

28/08/2023 06:05 GMT+7

Trong 2 năm qua, số chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng tăng nhanh. Công tác kiểm định chất lượng chương trình đào tạo đang trở thành gánh nặng của nhiều trường, đặc biệt về nguồn lực tài chính khi mỗi chương trình cần chi tới hàng trăm triệu đồng.

Vấn đề này được đặt ra trong Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023 - 2024 khối giáo dục ĐH do Bộ GD-ĐT tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vào cuối tuần qua. Trong nhiều ý kiến góp ý tại hội nghị, đại diện các trường ĐH cho rằng nên xem xét lại việc kiểm định cấp chương trình đào tạo.

Gánh nặng của nhiều trường ?  - Ảnh 1.

Đại diện các cơ sở giáo dục ĐH phát biểu trong hội nghị tổng kết của Bộ GD-ĐT ngày 26.8

NHƯ QUỲNH

TRƯỜNG ĐH QUANH NĂM LO LÀM kiểm định

PGS-TS Lê Quang Sơn, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, bày tỏ mong muốn Bộ GD-ĐT cân nhắc việc kiểm định chất lượng chương trình đào tạo. Chúng ta tính bình quân mỗi trường có khoảng 25 chương trình đào tạo. Một trung tâm kiểm định một lần kiểm định 5 chương trình, vậy 25 chương trình sẽ cần 5 năm - đúng với chu kỳ kiểm định các chương trình của một trường (giấy chứng nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng có giá trị 5 năm - PV). "Như vậy, có thể nói một trường có 25 chương trình đào tạo và một trung tâm sẵn sàng làm việc này, thì cứ quanh năm suốt tháng làm kiểm định. Một chương trình trung bình khoảng 300 - 400 triệu đồng, nếu nhân lên sẽ thấy nguồn lực tài chính vô cùng lớn. Liệu lộ trình như chúng ta đang làm có cần thiết không, có phù hợp trong bối cảnh hiện nay không, cần cân nhắc", ông Sơn phân tích và đề nghị.

Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng nhận định: "Tôi đồng ý chúng ta cần thực hiện việc kiểm định chất lượng chương trình, nhưng việc chúng ta đặt ra lộ trình 100% chương trình đạt kiểm định thì suốt ngày chỉ làm kiểm định. Do đó, cần xây dựng lại lộ trình kiểm định cấp chương trình đào tạo".

Xử phạt do xác định chỉ tiêu, tổ chức tuyển sinh chưa đúng quy định

Ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT, cho biết năm học 2022 - 2023 đã tiến hành 6 cuộc thanh tra hành chính, 36 cuộc kiểm tra, 11 cuộc thanh tra chuyên ngành. Trong tổng số 80 cơ sở được thanh kiểm tra, thanh tra Bộ đã ban hành 94 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 94 lượt cơ sở giáo dục ĐH. Trong số các vi phạm, đáng chú ý là do xác định chỉ tiêu tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh các trình độ chưa đúng quy định; chưa đảm bảo các điều kiện mở ngành, duy trì ngành đào tạo; chưa đảm bảo chuẩn chương trình đào tạo; tổ chức quản lý đào tạo các trình độ, các phương thức đào tạo thiếu chặt chẽ, không đảm bảo khối lượng giảng dạy; hồ sơ quản lý văn bằng, chứng chỉ chưa đúng, chưa cập nhật đầy đủ thông tin và ký chứng chỉ sai thẩm quyền...

Giải đáp băn khoăn của các trường ĐH, ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng các trường ĐH nghiên cứu kỹ Quyết định 78 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có lộ trình thực hiện kiểm định. Nhà nước không bắt buộc vội vàng các trường ĐH phải thực hiện 100% kiểm định trong chu kỳ 5 năm.

Ông Chương cho biết một báo cáo cho thấy so với năm 2020, chương trình đào tạo được công nhận kiểm định chất lượng vượt lên tới 40 - 50%, riêng năm 2022 làm rất nhanh. "Có nghĩa trong hai năm 2022 và 2023, số chương trình đào tạo được kiểm định tăng nhanh, đặc biệt là chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức kiểm định quốc tế. Đến nay, có 399 chương trình đào tạo đã đạt chuẩn kiểm định quốc tế trong tổng số hơn 1.200 chương trình đào tạo đã được kiểm định tính đến hết tháng 7.2023", ông Chương thông tin thêm.

Riêng về xếp hạng, ông Chương nhấn mạnh việc này là hoàn toàn tự nguyện của các cơ sở giáo dục ĐH, theo luật. Các trường có đủ điều kiện thì tham gia nhưng theo quan điểm chung, xếp hạng là tích lũy của quá trình, theo lộ trình từ 5 - 10, thậm chí 20 năm. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ kiểm tra giám sát rất kỹ công tác này ở các trường, kể cả các trung tâm kiểm định. Cần làm có lộ trình để đảm bảo chất lượng bên trong và bên ngoài".

Gánh nặng của nhiều trường ?  - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, trao đổi với các trường

HÀ ÁNH

ĐỂ KIỂM ĐỊNH kHÔNG LÀ GÁNH NẶNG CỦA TRƯỜNG ĐH

Liên quan việc đảm bảo chất lượng, GS-TS Trần Diệp Tuấn, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược TP.HCM, cũng có ý kiến gợi mở vấn đề. "Từ nhiều năm trước khi tham dự hội nghị quốc tế, tôi có nghe nói rằng hai nhóm trường thích làm ranking (xếp hạng ĐH): nhóm đứng đầu và nhóm đứng cuối của hệ thống. Gần đây, tin tức các trường ĐH trên thế giới, mới đây vào tháng 7 thì 52 trường hàng đầu quốc gia của Hàn Quốc đã rút khỏi không tham gia vào chương trình xếp hạng của QS ranking nữa. Lý do là họ thấy cách sắp xếp trong xếp hạng không phù hợp và làm đảo lộn chất lượng thực sự các trường", ông Tuấn nói.

Cũng theo GS Tuấn, từ năm 2012 nhiều trường ĐH lớn đào tạo về y dược và luật của Mỹ đã không tham gia hệ thống xếp hạng. Dẫn lời tác giả một bài báo, ông Tuấn đặt câu hỏi: "Chúng ta nên làm gì để cuối cùng làm cho các trường ĐH được tự do thoát khỏi những xếp hạng mang tính chất thương mại?". Từ đó, ông Tuấn cho rằng cần suy nghĩ thêm về việc xếp hạng các trường ĐH hiện nay.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng có ý kiến về việc nâng cao bảo đảm chất lượng giáo dục. Theo ông Chính, bảo đảm chất lượng gồm có hai phần: bảo đảm bên trong và bảo đảm bên ngoài. Nhưng hiện nay các trường đang tập trung nhiều vào bảo đảm chất lượng bên ngoài, ví dụ như việc kiểm định. Các trường cần quan tâm hơn tới việc bảo đảm chất lượng từ bên trong.

Các trường ĐH của VN hiện vẫn chủ yếu dựa vào học phí

Chia sẻ tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết nguồn lực dành cho giáo dục ĐH còn rất hạn chế. Những năm qua, ngân sách chi cho giáo dục ĐH chỉ trên dưới 17.000 tỉ đồng, chiếm 0,27% GDP nhưng con số thực chi chưa đến 12.000 tỉ đồng. Tính theo số thực chi thì chưa đạt 0,18% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới. Các trường ĐH của VN hiện vẫn dựa vào học phí là chủ yếu.

Liên quan vấn đề này, ông Lê Quang Sơn, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhận định: "Nhìn vào xu hướng các trường hiện nay có thể thấy chúng ta đang mở rộng quy mô đào tạo để lấy kinh phí bù đắp cho các hoạt động của nhà trường. Như thế rất khó đảm bảo chất lượng. Chúng ta làm việc theo kiểu mở rộng chứ không phải đào sâu, đấy chẳng qua là cách "mình ăn thịt chính mình". Về lâu dài, tôi thấy rất nguy hiểm". Từ đó ông Sơn cho rằng cần có cơ chế tài chính cho giáo dục ĐH, vì không có đầu tư thích đáng không thể nâng cao chất lượng nhà trường.

Để làm việc này, ông Chính đề nghị tăng trách nhiệm giải trình của từng cơ sở giáo dục và kể cả Bộ GD-ĐT. "Thay vì tự đánh giá, nên chăng công khai số liệu thật cụ thể, như tỷ lệ đầu vào, các nguồn lực đào tạo, nghiên cứu, đầu ra bài báo khoa học… Hiện giờ có quy định 3 công khai nhưng cần đặt ra các chỉ số cốt lõi nhất trường ĐH phải công khai với xã hội, thông qua đó xã hội sẽ giám sát", ông Chính đặt vấn đề.

Về việc đảm bảo chất lượng bên ngoài, tiến sĩ Chính cũng cho rằng "kiểm định bây giờ trở thành gánh nặng của nhiều trường" và đề nghị cần xem xét lại cơ chế về kiểm định, trong đó kiểm định cơ sở giáo dục là bắt buộc. "Nhưng với chương trình thì nên chăng với những cơ sở giáo dục có hệ thống bảo đảm bên trong mạnh, hệ thống tự kiểm định các chương trình mạnh thì nên công nhận cơ chế tự kiểm định. Khi đó, thay vì phải 100% chương trình được kiểm định thì chỉ nên dừng lại ở 100% cơ sở giáo dục được kiểm định. Sau đó, công nhận cơ chế tự kiểm định cho một số cơ sở có hệ thống đảm bảo bên trong mạnh. Đây là cách làm được áp dụng trên thế giới, sẽ giảm tải cho các trường", ông Chính đề xuất. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.