Đó là câu chuyện được kể tại hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định thương mại tự do tổ chức ngày 2.8, tại TP.HCM do Văn phòng SPS Việt Nam (Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức.
TS Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng SPS, cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2024, số lượng thông báo và cảnh báo của EU tăng gần 20% đối với tất cả các thị trường. Cụ thể, EU đã phát tổng cộng 2.708 cảnh báo cho tất cả các thị trường, riêng Việt Nam nhận được 57 cảnh báo, chiếm tỷ lệ 2,1%. Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ năm trước thì số cảnh báo mà Việt Nam nhận được tăng hơn 80%; còn cả năm 2023, Việt Nam nhận 67 cảnh báo. Trong số này, TP.HCM là địa phương nhận được nhiều nhất, với 23 cảnh báo.
"Có nhiều trường hợp, chúng ta nhận được cảnh báo rất đau lòng. Cụ thể, một lô hàng ớt xuất khẩu vào EU chỉ 38 kg nhưng bị phát hiện không đạt yêu cầu nhưng lại góp phần khiến toàn bộ mặt hàng ớt của Việt Nam bị EU áp dụng biện pháp kiểm tra biên giới tới 50%. Hay chỉ 7 lô hàng thanh long, tương đương 400 - 1.800 kg thanh long bị phát hiện không đạt yêu cầu thì sản phẩm này cũng bị áp dụng giám sát tại biên giới tăng từ 20% lên 30%. Ngoài ra, đậu bắp cũng bị áp dụng biện pháp kiểm soát biên giới 50% có kèm theo chứng thư, sầu riêng 10%... Những câu chuyện này cho thấy, nếu chúng ta không đáp ứng tốt yêu cầu thì nguy cơ EU sẽ gia tăng các biện pháp kiểm soát tại biên giới, thậm chí bị cấm xuất khẩu. Đây là điều mà lãnh đạo bộ cũng đang rất quan tâm và yêu cầu phối hợp trong việc tăng cường tổ chức sản xuất, giám sát thực hiện để đảm bảo các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường", ông Nam khuyến cáo.
Ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam đánh giá: Thực tế thời gian qua, nhiều nông dân và doanh nghiệp Việt Nam không ngừng phấn đấu để sản xuất hàng hóa theo hướng nâng cao chất lượng, độ an toàn ngày càng cao. Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp đôi lúc nhận thức còn chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu. Vì thế thời gian tới đề nghị các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu quan tâm, tìm hiểu thông tin liên quan đến các vấn đề SPS, đồng thời kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn tới cơ quan quản lý. Tiếp tục nâng cao chất lượng và an toàn sản phẩm để đáp ứng một cách tốt nhất các quy định trong các hiệp định thương mại tự thế hệ mới, cũng như hoạt động xuất khẩu nông lâm thủy sản nói chung.
Bình luận (0)