Chị cả - Truyện ngắn dự thi của Thu Huyền

Thu Huyền
Hà Nội
25/10/2024 10:00 GMT+7

Mình là chị cả, mình cố không khóc mà nước mắt cứ ầng ậc chực trào ra khi hôn mẹ tạm biệt. Nếu biết hôm đó là lần cuối mình đã hôn mẹ lâu hơn và nói mình yêu mẹ hơn thảy vạn vật trên thế gian này.

Miệng hầm xe chung cư ngoác ra như con cá mập, gió từ đó thốc lên kêu u u hút mạnh chiếc xe máy vô tình chạy ngang. Cả người mình run lên vì sợ. Mình cũng từng giống vậy nhưng cái xe bị nuốt tuột vào trong còn mình thì bị hút ngược ra ngoài. Lâu lắm rồi mà mình vẫn thấy đau. Cái đau thốn từ đỉnh đầu xuống tới dây rốn rồi lan khắp cơ thể khiến mình chẳng thở nổi, tới bây giờ nghĩ lại vẫn thấy hai bên thái dương buốt lạnh. Mình đành phải vòng một con đường khác để đi theo mẹ. A! Mẹ kia rồi! Mẹ lọt thỏm trong cái áo khoác đen thùng thình, chỉ nhìn thấy bàn tay trắng xanh đặt lên tay ga. Hai hôm trước gió đông bắc ùa vào thành phố, mình sợ mẹ lạnh. Nên lúc qua cầu mình đã giúp mẹ chắn một cơn gió, lúc cái xe đi ẩu ép mẹ vào vỉa hè, mình đã đỡ xe mẹ khỏi bị nghiêng. Mình biết mẹ đang vội lắm. Chú Nhật, dì Nguyệt đang chờ, cả em mình cũng đang chờ.

Chú Nhật đợi mẹ ở quán cà phê nằm cuối con ngõ nhỏ. Hai tuần không gặp mà chú gầy đi nhiều quá. Mẹ bảo chú đi sang Lào để tìm thông tin của mẹ em Bin. Mẹ em Bin là người Lào, thảo nào mắt em to đẹp thế. Có tìm được không em? Có chị. Mẹ mừng cuống "thế họ có đồng ý sang bên này làm thủ tục để xin Bin ra không?". Chú Nhật nhìn mẹ muốn nói mà không nỡ. Tới mình còn hiểu ánh mắt đó là gì. Vai mẹ sụp xuống. Thất vọng.

Em Bin không ở nhà với mẹ. Ở nhà có em Bông, em Mít, em Bơ. Em Gà được vợ chồng chú Nhật đón sang chăm sóc hai tháng nay. Em Bún, em Đậu… đang ở nhà các dì khác. Em Tuti vẫn đang trong bệnh viện. Trước đây em Bin ở với mình trong một trại bảo trợ xã hội với cả trăm bạn nhỏ khác. Cứ cách tuần mẹ lặn lội bốn chục cây số lên thăm. Lần nào em Bin cũng khóc. Em quấn mẹ như con gà con. Mình là chị cả, mình cố không khóc mà nước mắt cứ ầng ậc chực trào ra khi hôn mẹ tạm biệt. Nếu biết hôm đó là lần cuối mình đã hôn mẹ lâu hơn và nói mình yêu mẹ hơn thảy vạn vật trên thế gian này.

Lúc nào mẹ cũng thấy có lỗi. "Khi đó mẹ chưa có kinh nghiệm, mẹ cứ nghĩ đón được rồi thì hai con đã là con của mẹ, được sống cùng mẹ. Lúc người ta đưa hai đứa đi mẹ cứ như kẻ mất hồn". Mình xót lắm. Lúc ấy mẹ chỉ có một mình. Nhiều người không hiểu mẹ. Họ bảo mẹ bị hâm. Ai đời lại tự bỏ tiền túi và công sức ra làm công việc vốn bị xã hội coi là kỳ dị. Mẹ bảo không sao, mẹ hiểu lòng mình. Rồi sẽ có người hiểu mẹ. Xa bọn mình rồi mẹ vẫn lặng lẽ, cần mẫn đi đón các em. Những đêm một mình ngồi chầu chực ở các nhà khám tư cả chục tiếng đồng hồ chắc mẹ cũng sợ lắm. Bố bảo mẹ nhát gan, nghe tiếng con mèo kêu trong đêm còn sợ. Nhưng tình thương tụi mình còn lớn hơn nỗi sợ. Mẹ vẫn chắt chiu hạnh phúc cho các em từng ngày. Mẹ từng bị mấy người ở phòng khám mắng chửi thẳng mặt, hất nước vào người lúc cố gắng lân la, móc nối, dò hỏi thông tin của các em. Có lần mẹ bị đưa lên công an vì nghi ngờ buôn bán trẻ sơ sinh. Các chú hỏi mẹ đón được các em ở đâu mà mẹ không dám nói, nói rồi thì còn ai dám giúp và tuồn thông tin cho mẹ nữa. Mẹ buộc phải im lặng để các em được bình an. Ôi mẹ vĩ đại của mình!

Chị cả - Truyện ngắn dự thi của Thu Huyền- Ảnh 1.

ẢNH: Đ.N.T

Rồi bố đến. Bố là luật sư. Bố hỗ trợ tư vấn cho mẹ về thủ tục pháp lý. Bây giờ ngoài cố gắng đón được các em về, bố mẹ sẽ thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt không kém là tìm thông tin của những người đã đưa các em đến với cuộc đời. Có được giấy xác nhận ADN rồi mới có thể đơn giản hóa được các thủ tục nhận nuôi. Nhưng mẹ khẳng định đó chỉ là phương án hai, bao giờ mẹ cũng cố gắng khuyên nhủ, hỗ trợ để các em được sống trong tình yêu thương máu mủ. Nhưng lòng người khó dò, số gia đình đồng ý nhận lại các em chỉ đếm trên đầu ngón tay, đã bao lần mẹ ôm bố rơi nước mắt trong đêm vì bất lực.

Dì Nguyệt của mình cũng thế. Thi thoảng mình vẫn tới thăm dì. Dì ở trọ một mình trong căn nhà ở đầu đường Láng, từ cửa sổ nhìn ra là một cây hoa sữa đơm hoa ngào ngạt mỗi lúc thu về. Bố mẹ dì mất sớm vì ung thư nên ước mơ lớn nhất của dì là trở thành bác sĩ. Ra trường dì làm hộ lý ở một phòng khám tư. Mới tháng đầu mà dì khóc hơn thảy hai mấy năm sống trên đời cộng lại. "Cứ nhắm mắt là em lại nhìn thấy con bé. Bé ba hai tuần rồi, tóc dày và đen lắm, lúc bị ép đưa ra khỏi cơ thể mẹ vẫn ọ ọe cất tiếng khóc chào đời. Em nên sớm nhận ra mới phải, rằng sao chỗ này lại trữ nhiều túi nylon đen tới thế. Lẽ ra em nên giằng bé lại rồi chạy ra cửa sau, nếu em dám, có lẽ con bé sẽ sống được". Dì khóc như muốn ngất đi trong vòng tay mẹ. Đấy là lần đầu tiên mẹ gặp dì, trong một buổi chiều lộng gió ở đồi Thúng nơi rất nhiều các em mình đang say ngủ. Thay vì nghỉ việc, dì quyết tâm nán lại để giúp mẹ đón các em. Cũng để khoảnh đồi đông đúc của bọn mình không rộng nhanh thêm nữa.

Mẹ và chú Nhật đã mòn mỏi chờ ba tiếng. Chốc chốc mẹ lại hướng mắt lên cửa sổ cao trên tầng ba căn nhà đối diện. Hôm qua dì Nguyệt đã nhắn tin đúng tám giờ phải đến đón em. Bây giờ đã quá giờ rồi. Lòng mẹ nóng như lửa đốt. Hay chị em mình chạy lên xem thế nào? Chú Nhật lắc đầu, mình đợi thêm chút chị ạ, có lẽ ca này kéo dài hơn dự kiến, vào lúc này Nguyệt bị lộ ngay. Gương mặt chú bình tĩnh mà sao giọng nói cứ khẽ run. Tự nhiên người mình lại nóng lên hầm hập. Hay dì Nguyệt của mình bị sao rồi? Mình lo chết mất thôi. Mình phải thay mẹ lên coi sao mới được. Cửa trước mình chẳng thể vào, ở đó có lá bùa độc lắm. Nó sẽ đốt mình thành tro. Cửa hông đã bị lão già độc ác kia vít lại sau cái lần ông ta phát hiện dì Nguyệt cẩn thận cắt dây rốn, lấy chỉ buộc lại cầm máu rồi mới vờ đặt em trong túi nylon đem bỏ dưới chân thùng rác gần cửa sau. Chỉ còn cách trèo lên cây sấu già rồi đu cành qua lan can vào tầng ba.

Lúc bò được vào phòng mắt mình đã chẳng nhìn rõ nữa. Mùi thuốc kích sản, mùi máu tanh, cái lạnh lẽo của khay inox xoắn bện vào nhau thành từng cơn co bóp vô hình nghiền ép cơ thể mình. Mình đau quá! Mẹ ơi! Con đau quá! Toàn thân mình như bị xé ra thành trăm mảnh. Một trong các em mình từng bị hủy hoại ngay trong bụng mẹ. Đau đớn lắm phải không em? Em gật đầu rồi lại lắc. Em bảo nước mắt mẹ đã xoa dịu những vết thương, tình yêu của mẹ đã nối lành thân thể, giờ em không thấy đau chút nào. Em dũng cảm quá. Mình là chị cả, mình cũng phải gắng lên. Mình cố mở to mắt để tìm dì Nguyệt. Kia rồi! Dì đang cố gắng hô hấp cho em. Mình không thấy lão già độc ác đâu, chắc dì lừa được lão lên tầng rồi. Chao ôi em yếu quá! Da em tái xám, nhỏ xíu chỉ như chai nước Lavie. Thời gian sơ cứu của dì phải dài thêm nữa. Nhưng mà mình đang nghe thấy tiếng gì kia, tiếng dép lê loẹt quẹt từ tầng trên đi xuống. Sao lão già lại thình lình trở xuống rồi? Dì Nguyệt hoảng hốt nhìn ra cửa. Mình chẳng kịp nghĩ gì vội vàng chạy ra hành lang. Mình không biết làm gì để ngăn lão lại. Lão xuống gần lắm rồi. Mình đu cả người lên bức tranh gỗ trên tường hành lang, gồng hết sức giật mạnh. Bức tranh bung ra đổ uỳnh chắn ngang lối xuống. Lão già tru tréo hét lên rồi chạy ngược lại tầng bốn để băng bó cho cái tay đang tóe máu. Vừa lúc ấy thì dì Nguyệt bế em ra trao cho mẹ cũng đang tất tưởi chạy vào.

"Bé đáp ứng điều trị tốt và qua cơn nguy kịch rồi". Nghe bác sĩ Kiên nói, mẹ với chú Nhật thở phào ngồi thụp xuống như trút bỏ gánh nặng. Trên tay mẹ còn cầm nguyên bóp bóng, treo trên người chú Nhật là cả bịch khăn lau. Suốt dọc đường mẹ và chú thay nhau giữ nhiệt, ấn ngực giúp em hô hấp, hà hơi, đẩy dịch ở mũi miệng, còn búng khẽ vào lòng bàn chân để cho em khóc. Những phương pháp này chính bác sĩ Kiên đã hướng dẫn lại cho cả nhóm. Hồi đầu mình thấy bác sĩ Kiên chẳng dễ thương chút nào, bác cứ vặn vẹo sao mấy người này vài hôm lại mang những thai nhi đỏ hỏn vào bệnh viện cấp cứu. Mẹ đành nói dối là nhặt được ở ngoài đường. Tới lần "nhặt" được thứ hai mươi, em Tũn ấy, em yếu lắm, phải thở máy, chăm sóc đặc biệt hết hơn hai trăm triệu. Bác sĩ Kiên kêu gọi bạn bè hỗ trợ em một phần ba viện phí. Lúc này mẹ mới dám nói thật. Còn bây giờ mình yêu bác sĩ Kiên như yêu dì Nguyệt vậy.

Em út của mình được mẹ đặt tên là Minh Châu. Em là chiến binh kiên cường nhất mà mình từng thấy. Chai Lavie nhỏ bé chỉ tầm một kilogram giờ đã tăng cân nặng gấp đôi và cứng cáp lên nhiều. Ngày đón em ra viện nhà mình tưng bừng như trẩy hội. Em Thỏ, em Ngân, em Nhím… bao nhiêu gương mặt thân thương đều được bố mẹ nuôi đưa trở về chung vui. Các em ùa vào lòng ríu rít gọi: "Mẹ Sao ơi". Mẹ ôm hôn, cưng nựng từng em một. Em nào cũng khỏe mạnh, gương mặt sáng bừng niềm vui. Mà lạ thật đấy, sao mình thấy em nào cũng có nét giống bố mẹ nuôi. Có phải tình yêu thương đã làm thay đổi hình hài khiến người ta giống nhau tới kỳ lạ.

Trong đám đông rộn ràng, vẫn có hai người rụt rè khép nép. Bà và mẹ em Minh Châu đấy. Mình không gọi được là "dì", đành gọi "chị". Dì Nguyệt đã lấy được thông tin của chị ấy từ phòng khám. Nhà họ ở xa lắm, tít trên vùng núi cao ơi là cao. Lần đầu đi về bố ốm to một trận. Lần hai rồi lần ba, lần nào quay về nhà mặt bố cũng buồn rười rượi. Có một gia đình tha thiết muốn nhận nuôi em rồi mà không hiểu sao lòng mẹ chưa yên, vẫn chần chừ chưa đồng ý. Rồi bỗng một ngày mẹ nhận được cuộc điện thoại ngỏ lời "giờ các chị có đồng ý cho em đón con không". Mẹ và các dì đã chuẩn bị cho em biết bao là sữa, tã bỉm và quần áo. Số tiền mẹ kêu gọi trên Facebook để chi trả viện phí cho em còn dư lại hơn năm mươi triệu, mẹ đã đăng tin sẽ lần lượt gửi lại để giúp đỡ các em khác những lần sau cũng được thống nhất trao cho mẹ em Minh Châu để hỗ trợ kinh tế. Ấp ủ em trong lồng ngực, mẹ của em cứ khóc nói cảm ơn mãi. Nhìn chị ấy vậy mình không nỡ giận. Như mình cũng không nỡ giận mẹ ruột của mình. Mình đã gặp người ấy trong chùa. Cuộc hạnh ngộ là kết quả của năm năm mẹ Sao miệt mài tìm kiếm. Người ấy đã khóc và quỳ xuống cầu xin mình tha lỗi. Sư thầy hỏi mình có đồng ý không, mình đã gật đầu. Mình từng buồn, từng hận nhưng giờ lòng mình bình yên lắm. Vậy mà trước lúc bước vào vòng luân hồi chuyển kiếp mình lại không đành. Sư thầy không trách mình, thầy bảo mình cứ thực hiện hết tâm nguyện ở kiếp này cho trọn vẹn.

Cuối tháng này mình sẽ cùng bố mẹ sang Lào để gặp bố mẹ ruột em Bin. Bố mẹ nuôi của em cũng đi cùng gia đình mình nữa. Đó là hai người bạn thân của bố, đón được em rồi cô chú sẽ đưa em ra nước ngoài thăm khám tai để em có thể nghe thấy ngàn lời yêu thương đang chờ đợi.

Trước khi tạm biệt mình muốn hôn bố mẹ thật lâu.

Mình muốn đặt tay dì Nguyệt dịu dàng của mình vào tay bác sĩ Kiên trong lễ cưới.

Mình muốn tới tận nhà thăm, ôm từng em trai, em gái của mình và nói rằng "rồi chúng ta sẽ gặp lại nhau, các em đừng quên chị nhé, chị sẽ dõi theo các em từ bất kỳ nơi đâu và nguyện cầu cho các em một đời an yên hạnh phúc".

Thời gian còn lại của mình không nhiều mà có biết bao việc muốn làm.

Nhưng mình sẽ hoàn thành được thôi. Mẹ bảo tất cả chị em mình đều là những chiến binh dũng cảm. Mà mình còn là chị cả, mình sẽ làm gương cho các em để xứng đáng là chiến binh đầu tiên tái sinh nhờ tình yêu của mẹ.

Chị cả - Truyện ngắn dự thi của Thu Huyền- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.