'Chỉ cần kết nối một cây cầu là có thể giúp trên 1.000 hộ giảm nghèo rồi'

14/06/2022 21:11 GMT+7

“Như khi chúng tôi đi giám sát ở H.Bình Chánh, chỉ cần chúng ta kết nối một cây cầu thôi thì có thể giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giúp cả khu vực trên 1.000 hộ giảm nghèo rồi”, ông Nguyễn Minh Nhựt nói.

Chiều 14.6, HĐND TP.HCM tổ chức buổi giám sát đối với UBND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM đề nghị cần rà soát lại các dự án, các công trình mang tính chất đầu tư công, đặc biệt các công trình giao thông trọng điểm.

Qua đó, có thể đầu tư phát triển cả vùng hoặc liên vùng nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM

phạm thu ngân

“Như khi chúng tôi đi giám sát ở H.Bình Chánh, chỉ cần chúng ta kết nối một cây cầu thôi thì có thể giúp địa phương phát triển kinh tế - xã hội, giúp cả khu vực trên 1.000 hộ giảm nghèo rồi. Đường đi dễ hơn, hàng hóa do bà con sản xuất ra đến thị trường nhanh hơn, đỡ tốn kém chi phí”, ông Nhựt nói.

Liên quan vấn đề này, ông Cao Thanh Bình, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM cũng lưu ý, hiện nay, TP.HCM vẫn đang thực hiện hai chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững chứ không nhập chung với nhau.

Tuy nhiên, hai chương trình có nhiều tiêu chí liên quan như tạo điều kiện về hạ tầng, cơ sở để liên kết vùng để phát triển, hoặc có những công trình mà trong quá trình thực hiện thì tác động rất lớn đến hiệu quả giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy, ông Bình đề nghị hai đơn vị phụ trách chính là Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn TP.HCM và Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cần ngồi lại với nhau để triển khai hiệu quả.

Tổng nguồn vốn bố trí giảm nghèo chưa đạt kế hoạch

Điều đáng lưu ý, theo ông Cao Thanh Bình, qua giám sát ở các địa phương, nhận thấy thực trạng rằng rất nhiều hồ sơ của hộ nghèo, hộ cận nghèo chất chồng nhưng không được giải quyết được (chưa có nguồn vốn bố trí giải ngân – PV). Trong khi đó, nhu cầu tiếp cận vốn để phát triển kinh tế của hộ nghèo, hộ cận nghèo là rất lớn. Nếu người dân không tiếp cận kịp thời thì rất dễ rơi vào bẫy tín dụng đen.

Ông Bình bức xúc: “Bao nhiêu tỉnh thành làm được, mà mình không làm được? Hai năm kéo dài rồi, hồ sơ tồn đọng không giải quyết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nếu kỳ họp giữa năm nay vẫn không giải quyết được thì các hộ nghèo “đứng hình” khi tiếp cận nguồn vốn”.

Buổi giám sát của HĐND TP.HCM đối với UBND TP.HCM về tình hình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững TP.HCM giai đoạn 2021-2025

phạm thu ngân

Liên quan vấn đề này, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho hay: “Tôi cũng bức xúc. Tôi đã tốn rất nhiều cuộc họp rồi, cũng đi nhờ tham khảo kinh nghiệm của các tỉnh. Chắc chắn chúng ta sẽ tìm ra hướng giải quyết cho xong, không để tiếp tục như vậy nữa”.

Năm 2021, tổng nguồn vốn TP.HCM đã bố trí để thực hiện chương trình giảm nghèo là hơn 5.905 tỉ đồng, đạt 84% kế hoạch. Đơn cử, đầu tư cho vay tín dụng ưu đãi đạt 89%, kinh phí hỗ trợ chính sách không hoàn lại mới đạt hơn 28%, kinh phí thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững các cấp đạt 55%.

Còn 3 tháng đầu năm 2022, TP.HCM mới chỉ bố trí hơn 6.032 tỉ đồng, đạt 70% kế hoạch.

Bám sát các chiều thiếu hụt

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, đầu giai đoạn 2021-2025, TP.HCM có 58.019 hộ nghèo, cận nghèo với 227.743 nhân khẩu (chiếm 2,29% tổng số hộ dân TP.HCM). Tuy nhiên, kết quả rà soát vào cuối tháng 12.2021, TP.HCM đã giảm chỉ còn 56.226 hộ nghèo, cận nghèo với 220.212 nhân khẩu.

Theo bà Trương Lê Mỹ Ngọc, Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, phần mềm xử lý dữ liệu và quản lý hộ nghèo, cận nghèo của TP.HCM thời gian qua cho thấy tính hiệu quả, nhất là quản lý thông qua mã số hộ nghèo.

“Tuy nhiên, trong thời gian qua, với việc triển khai của ngành y tế, mã BHYT không còn nhận diện được hộ nghèo, hộ cận nghèo nữa. Chúng ta phát sinh thêm thủ tục là giấy xác nhận khi người nghèo đi khám bệnh. Chưa kể một số dịch vụ xã hội khác như miễn học phí”, bà Ngọc dẫn chứng.

Chính vì vậy, theo bà Ngọc, cần có hướng xử lý tổng hợp, trích xuất dữ liệu để ứng dụng kết nối cung cấp dịch vụ cho người nghèo. Bởi nếu không kết nối các dữ liệu đó, phát sinh thêm những thành phần, hồ sơ, giấy tờ, vô tình gây trở ngại cho người nghèo thụ hưởng các chính sách.

Bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM cũng phát biểu: “Qua theo dõi, giám sát các đơn vị, hệ thống chính quyền đều tập trung công tác chăm lo những hộ nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, chỉ chăm lo theo kiểu có gì cho đó, chăm lo rất nhiều nhưng ở góc độ chuyên môn, rà soát đối chiếu với từng chiều thiếu hụt thì chưa đạt, tức chưa bám chặt vào các chiều thiếu hụt để thực hiện công tác”.

Qua dẫn chứng chỉ số thiếu hụt về BHYT, nhà ở, bà Quân đề nghị các cơ quan chức năng TP.HCM tập trung bám sát các chỉ số thiếu hụt để chăm lo, đảm bảo tiêu chí giảm nghèo bền vững.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.