Chỉ có 1 giấy đi đường, nhân viên logistics phải ‘phân thân’ 4 nơi trong ngày

29/08/2021 15:49 GMT+7

Đến cuối ngày 28.8, theo phản ánh của các công ty logistics , giấy đi đường cho nhân viên các công ty cơ bản đã được Sở Công thương TP.HCM cấp, nhưng mỗi công ty chỉ được cấp 1-2 tờ.

Trong khi hồ sơ xin cấp giấy đi đường của các công ty đa số là 3-4 nhân viên mới hoạt động hiệu quả được. Thế nên, tiến độ công việc của công ty vẫn chậm, thậm chí loay hoay, tiếp tục kéo dài thời gian giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng.

Cấp "nhỏ giọt"

Công ty logistics M. (Q.1, TP.HCM) cho hay, ban đầu theo nhu cầu tối thiểu, phải xin giấy đi đường cho 4 nhân viên, nhưng sau nghe các bạn trong công ty bảo xin nhiều, nguy cơ cao là bị từ chối, phải làm lại rất mất thời gian, nên quyết định xin cho 2 nhân viên để có giấy nhanh. Bắt đầu khai báo nộp hồ sơ qua email từ tối chủ nhật (22.8), sau nhiều lần thay đổi đơn vị cấp, phải làm lại hồ sơ, đến sáng 27.8, công ty mới nhận được 1 giấy đi đường do Sở Công thương cấp. Bà N.T.T.Anh, đại diện Công ty M. nói : “Với 1 giấy đi đường, một nhân viên làm thay việc cho 4 nhân viên ở bên ngoài gồm đi lấy chứng từ gốc từ doanh nghiệp, ra cảng làm thủ tục với cơ quan hải quan, kiểm hóa, nhận hàng, giao hàng… Chỉ cần vài ba khách hàng trong ngày là không thể chạy kịp từ nơi này sang nơi khác”.
Nhưng nào đã xong. Sau khi nhận giấy, điền tên nhân viên, đóng dấu treo xong thì sáng sớm thứ bảy (28.8), hẻm nơi nhân viên này đang ở vừa bị phong tỏa, không ra ngoài đi làm việc được. Bà T.Anh ngao ngán: “Hiện công ty phải làm thủ tục gửi Sở Công thương xin đổi tên bạn khác đi làm thay, nhưng bạn nhà đang bị phong tỏa lại chưa xin được giấy thông báo phong tỏa từ phường để chuyển cho công ty gửi cho Sở Công thương như là... "bằng chứng" để đổi người. Chúng tôi vẫn email trình bày hoàn cảnh, để Sở xem xét thế nào, khó khăn thế nào tính tiếp. Quả thật để có một tờ giấy đi đường trong bối cảnh mọi thứ đang siết thế này, loay hoay cả tuần vẫn chưa xong việc”.
Tương tự, Công ty giao nhận vận tải T.A.M (Q.Bình Thạnh) thông tin, công ty cũng chỉ được duyệt 1 giấy đi đường, trong khi hơn chục khách hàng cần làm thủ tục tại cơ quan hải quan nhập hàng. Mỗi nhân viên, trong 1 ngày chỉ giải quyết tối đa 2 khách hàng, với tình hình này, nhân viên được ra đường phải “phân thân” thành 4 người mới làm hết việc. Hơn nữa, trong giấy đi đường ghi rõ nơi đến và nơi đi, nên văn phòng công ty tại Q.Bình Thạnh, nhân viên ra cảng Cát Lái làm thủ tục, hôm qua (28.8) có trường hợp phải lấy chứng từ gốc từ Đồng Nai, nhờ qua nhiều “ải” mới có bộ hồ sơ để làm thủ tục vào đầu tuần tới.
“Quan trọng là doanh nghiệp nhập khẩu nào cũng cần ưu tiên làm sớm, bởi họ không có nguyên liệu sản xuất, dừng hoạt động cả tuần này rồi. Trong khi đó, phí lưu bãi cảng thu không thiếu 1 đồng nào. Giấy đi đường đang tạo áp lực quá lớn cho doanh nghiệp dịch vụ, sản xuất cung ứng hàng hóa. Chúng tôi đang xin thêm giấy đi đường, chưa thấy mail Sở trả lời đồng ý hay không là không”, đại diện Công ty T.A.M cho biết.

Áp lực phí lưu kho bãi quá lớn

Trong khi đó, một số doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, giấy đi đường được đưa về xin tại phòng kinh tế quận, huyện đến nay chưa được hồi âm. Chiều 28.8, công ty sản xuất xuất khẩu tại Q.Tân Phú xác nhận đã gửi mail, điện thoại đến Phòng Kinh tế quận từ 2 hôm nay, nhưng chưa thấy hồi âm.
Rất nhiều doanh nghiệp than trời vì giấy đi đường được cấp chậm, chưa có, hoặc ít quá khiến hàng nhập về lưu tại cảng lâu ngày, phải đóng phí cảng và đóng phạt quá lớn. Thậm chí có doanh nghiệp nhập hàng về cảng từ ngày 15.8, đến nay vẫn chưa vào làm thủ tục được, trong khi liên lạc phía cảng được trả lời phí lưu bãi không giảm.
Theo quy định, hàng đã về cảng, nếu container còn lưu tại cảng sang ngày thứ 4 sẽ bị tính phí lưu bãi hơn 700.000 đồng/container 40 feet. Sau 1 tuần, phí lưu bãi tăng hơn 1,2 triệu đồng, đến ngày thứ 9 lên gần 1,7 triệu đồng/container, từ ngày thứ 10 trở đi là gần 2,2 triệu đồng/container. Chị Mai Nguyên (Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho biết, hàng nhập từ Trung Quốc về cảng Cát Lái từ ngày 15.8, doanh nghiệp làm thủ tục mở tờ khai và nộp thuế. Trước đây, hàng phân luồng đỏ, công ty có thể xin kéo container về Hải quan Sóng Thần để kiểm hóa. Thế nhưng, đơn vị làm dịch vụ thủ tục lại không có giấy đi đường để thực hiện, các dịch vụ chuyển phát nhanh đều tạm ngưng nhận thư về TP.HCM, nên phía Trung Quốc cũng không có cách nào gửi chứng từ gốc và giấy xuất xứ về cho công ty được. Trong khi, bước sang này thứ 16 kể từ ngày hàng cập cảng, riêng phí lưu bãi đã hơn 2,2 triệu đồng/container. Hiện tại công ty có 2 lô hàng, 1 lô đã mở tờ khai đang vướng nửa tháng qua, 1 lô không dám mở tờ khai nữa vì sợ hết hạn.

Có giấy đi đường "nhỏ giọt", doanh nghiệp vẫn đối diện nỗi lo bị phạt phí lưu bãi

Ảnh: Ng.Nga

Như vậy, 2 lô hàng 16 containers phải trả thêm 35 triệu đồng tiền phạt, chỉ riêng “tội” nhận hàng chậm.
Trước đó, trong Công văn 4812 của Bộ Công thương đã kêu gọi các đơn vị giảm phí lưu container, phí lưu kho, bãi hàng hóa ở cảng biển và trung tâm logistics… cho doanh nghiệp do tác động Covid-19.
Thế nhưng phản ánh với Báo Thanh Niên, các doanh nghiệp logistics và xuất nhập khẩu cho hay, phí lưu container cho những doanh nghiệp đang bị giãn cách nâng cao theo Chỉ thị 16 đều không được giảm, vẫn đang phải đóng "đủ không thiếu một đồng". Ngoài ra, quy định lấy hàng chậm vẫn bị phạt nặng như thường, như khi không có dịch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.