Chỉ có 2 doanh nghiệp xuất khẩu lao động được xếp hạng 6 sao

24/04/2018 18:36 GMT+7

Sau 5 lần tổ chức đánh giá xếp hạng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động , lần đầu tiên có 2 doanh nghiệp được xếp hạng cao nhất (6 sao).

Đó là Công ty cổ phần phát triển nguồn nhân lực (LOD) và Công ty cổ phần xuất khẩu lao động, thương mại và du lịch (TTLC).
Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam (VAMAS) vừa công bố thông tin trên tại Hội nghị đánh giá, xếp hạng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lao động theo Bộ Quy tắc ứng xử (COC-VN) ngày 24.4.
Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch VAMAS, cho hay có 106 DN được giám sát và đánh giá quá trình thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử năm thứ 5 (từ 1.1.2016 - 31.12.2017). Ngoài 2 DN xếp hạng 6 sao, có 53 DN xếp hạng 5 sao, 46 DN xếp hạng 4 sao, 5 DN xếp hạng 3 sao và không có DN nào xếp hạng 2 sao, 1 sao.
Mặc dù số DN tham gia COC-VN năm 2017 chỉ chiếm 34% số DN được cấp phép đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhưng số lao động do các DN này đưa đi chiếm tới gần 70% tổng số lao động xuất cảnh.
Tại hội nghị, VAMAS cũng đã đưa ra phiên bản cập nhật của Bộ Quy tắc ứng xử áp dụng từ năm 2018, nhằm nâng cao trách nhiệm, đạo đức tuyển dụng và bảo vệ tốt hơn người lao động.
Theo đó, Bộ Quy tắc sẽ tập trung nhiều hơn vào việc giảm phí cho người lao động; công bố các chi phí trong các quảng cáo, tuyển dụng hợp đồng; giải quyết những thách thức mà người lao động, đặc biệt là nữ lao động giúp việc gia đình, thường gặp phải…
Một điểm mới nữa của Bộ Quy tắc là bên cạnh các thành viên giám sát đến từ Hiệp hội VAMAS, quá trình giám sát và đánh giá của Bộ Quy tắc còn bao gồm: đại diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH) và người lao động.
TS Chang-Hee Lee, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động thế giới tại Việt Nam, nhìn nhận việc xây dựng các bộ quy tắc ứng xử và công cụ giám sát của chính bản thân các DN là phương tiện quan trọng để thông qua đó, cải thiện hoạt động kinh doanh, khuyến khích chia sẻ thông tin tin cậy cho người lao động dự định đi làm việc ở nước ngoài và hỗ trợ lao động tốt hơn tại nước tiếp nhận.
“Hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp tuyển chọn là mắt xích quan trọng trong việc bảo vệ người lao động khỏi bị lạm dụng”, TS Chang-Hee Lee nói.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện có khoảng 540.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài, chủ yếu ở Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia. Phần lớn trong số họ là lao động tay nghề thấp, xuất thân từ nông thôn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.