Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định dự thảo quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 10/2020 của Thủ tướng quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thống kê. Dự thảo này do Bộ KH-ĐT chủ trì soạn thảo.
Thành lập Thanh tra Tổng cục Thống kê
Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo, đó là Bộ KH-ĐT đề xuất thành lập Thanh tra Tổng cục Thống kê trên cơ sở đổi tên Vụ Pháp chế và Thanh tra thống kê (Tổng cục Thống kê).
Lý giải cho nội dung này, Bộ KH-ĐT cho biết, hàng năm, Tổng cục Thống kê phải thực hiện nhiều cuộc thanh tra trong toàn ngành, đối tượng thanh tra có phạm vi rộng. Bên cạnh công tác thanh tra, Tổng cục Thống kê còn thực hiện công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Khối lượng công việc lớn như vậy nhưng số công chức làm công tác thanh tra ít, nghiệp vụ, kỹ năng còn hạn chế. Công chức làm công tác thanh tra phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác như thống kê tuyên truyền, pháp chế… nên bị hạn chế trong việc xử lý các tình huống như khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân hay xử phạt vi phạm hành chính.
Những nhược điểm trên khiến lực lượng thanh tra thống kê chưa đề xuất được nhiều giải pháp cải tiến mang tính toàn diện. Hoạt động thanh tra mới chỉ thực hiện trong nội bộ ngành, chưa mở rộng đối với các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức ngoài ngành.
Vì thế, Bộ KH-ĐT cho rằng việc thành lập Thanh tra Tổng cục Thống kê là hết sức cần thiết, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thống kê, đồng thời phù hợp quy định của luật Thanh tra năm 2022.
Với đề xuất này, nhiệm vụ pháp chế của Vụ Pháp chế và Thanh tra thống kê hiện hành sẽ được chuyển về Vụ Phương pháp chế độ và Quản lý chất lượng thống kê (Tổng cục Thống kê); nhiệm vụ tuyên truyền chuyển về Văn phòng Tổng cục Thống kê. Việc thành lập Thanh tra Tổng cục Thống kê sẽ không làm tăng số lượng đầu mối trực thuộc và biên chế của Tổng cục Thống kê.
Chi cục thống kê sẽ trở lại thành phòng thống kê?
Vẫn theo dự thảo, Bộ KH-ĐT còn đề xuất tổ chức lại chi cục thống kê cấp huyện, chi cục thống kê khu vực thành phòng thống kê cấp huyện, tức là mỗi huyện có một phòng thống kê.
Cơ quan soạn thảo cho hay, thời gian qua, việc chuyển đổi mô hình từ phòng thống kê cấp huyện sang chi cục thống kê cấp huyện phát sinh nhiều vấn đề.
Số lượng công chức không thay đổi, thậm chí tiếp tục giảm đi do tinh giản biên chế dẫn tới thiếu con người, nhất là không có công chức làm công tác văn thư, kế toán. Việc sáp nhập chi cục thống kê của 2 huyện trở lên thành chi cục thống kê khu vực khiến khối lượng và mức độ phức tạp công việc tăng nhiều lần, do địa bàn rộng, đặc thù khác nhau.
Đặc biệt, chi cục trưởng phải tham gia rất nhiều cuộc họp trên địa bàn 2 - 3 huyện, thậm chí trùng nhau về thời gian tổ chức họp. Chỉ tính riêng việc tham dự các cuộc họp ngoài ngành tại các huyện đã chiếm rất nhiều thời gian, không còn thời gian để kiểm tra, đánh giá nghiệp vụ…; chưa kể khoảng cách giữa các huyện khá xa, đi lại vất vả, tốn kém.
Bộ KH-ĐT lấy ví dụ, có thời điểm 2 - 3 huyện cùng mời họp vào một thời gian và đều mời đích danh chi cục trưởng (không đồng ý cử cấp phó đi thay); việc lựa chọn tham gia cuộc họp tại huyện nào cũng là vấn đề khó khăn.
"Đôi khi, lãnh đạo huyện tổ chức họp theo ca, mời thống kê tham dự ca sau, chi cục trưởng đi từ huyện này sang huyện kia để chờ họp nhưng quá giờ họp lại nhận được thông báo của chánh văn phòng, do nội dung ca họp trước chưa thể kết thúc nên ca sau sẽ chuyển họp buổi khác", Bộ KH-ĐT dẫn chứng.
Từ thực tiễn đã nêu, Bộ KH-ĐT đề xuất quay lại mô hình phòng thống kê như đã thực hiện trong giai đoạn trước năm 2010. Việc này bảo đảm không tăng số lượng biên chế, vì khi thành lập phòng sẽ áp dụng tiêu chí về số lượng biên chế thành lập các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Bình luận (0)