Chỉ đạo và hành động

15/03/2019 04:24 GMT+7

Dù cơ quan chức năng, từ Bộ NN-PTNT đến các địa phương luôn khẳng định đã “kịp thời” “vào cuộc quyết liệt”, nhưng dịch tả lợn châu Phi cũng “quyết liệt” lan rộng, đến nay đã xuất hiện ở 17 tỉnh, thành với 221 xã có dịch.

Cũng như mọi khi, so với nỗ lực chống dịch, thì dịch xem ra đã “quyết liệt” hơn, dù Thủ tướng cũng đã yêu cầu phải “chống dịch như chống giặc”.
Xác định nguyên nhân dịch lây lan, chiều 14.3, đại diện Cục Thú y vẫn lại cho biết do “một số người chưa nhận thức được tính chất nguy hiểm của dịch, cũng như vì lợi ích kinh tế trước mắt, nên khi có lợn bệnh, lợn chết đã mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ... dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, ở phạm vi rộng”.
Vẫn cứ là một nguyên nhân “xưa như lịch sử chống dịch”, như nguyên nhân của bất cứ sự trục trặc nào của xã hội (tai nạn giao thông, tắc đường chẳng hạn), đổ thẳng cho “ý thức của một bộ phận nhân dân” là nhanh nhất.
Nguyên nhân (được xác định) không mới, nên không thể nói là cơ quan chức năng thiếu thời gian để nghĩ cách khắc phục. Thế nhưng, ở các địa phương, vẫn chẳng khó để thấy thịt lợn không được đóng dấu kiểm dịch lưu thông trên đường, qua hàng chục trạm để đến nơi tiêu thụ. Rồi lần nào có dịch, các địa phương cũng kiến nghị tăng hỗ trợ để triệt tiêu nguy cơ “kinh tế” của vấn đề - tức là người dân bán “chạy”, giấu dịch, nhưng cũng chẳng được phúc đáp.
Vào tháng 1 vừa qua, khi dịch tả lợn châu Phi còn chưa xuất hiện, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Hà Nội hỗ trợ các hộ chăn nuôi bị dịch bằng 100% giá thị trường, tạo động lực cho chính người dân phát hiện dịch sớm. Tuy vậy, đến nay, khi đã xuất hiện 5 ổ dịch, thì Hà Nội lại quyết định chỉ hỗ trợ như cũ với lý do đây là hỗ trợ chứ không phải đền bù, và để tránh người dân lợi dụng.
Chỉ lấn bấn có khái niệm và cách làm, mà Hà Nội thà chấp nhận rủi ro người dân giấu dịch. Quả là một quyết định không mấy dễ hiểu của “cơ quan chức năng”. Ngân sách thiếu gì tiền hỗ trợ thêm dăm nghìn đồng một cân thịt lợn cho người chăn nuôi, nếu cách làm đó trong tình huống khẩn cấp này có thể cứu được đàn lợn 2 triệu con của Hà Nội?
Tiếc tiền không phải lối cũng đành một nhẽ, lại còn chuyện xác định nguyên nhân trật đường tàu, khi cũng trong chiều 14.3, ít nhất lãnh đạo 2 địa phương là Thanh Hóa và Bắc Kạn đề nghị Bộ NN-PTNT xem lại, vì có những địa phương heo hút, ít giao thương cũng xuất hiện dịch.
Thế là Bộ trưởng NN-PTNT lại chỉ đạo Cục về xem lại nguyên nhân, và trong lúc Cục xem lại, dịch chắc cũng không tạm dừng lại. Những ngày tới, cả nước vẫn thấp thỏm chưa biết dịch sẽ lan ra bao nhiêu địa phương, bởi vì theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng, vẫn có khả năng các địa phương khác có dịch mà chưa phát hiện, do cán bộ thú y cơ sở còn yếu hoặc thiếu (hoặc do cả người dân còn giấu).
Quyết tâm chỉ đạo thì có mà quyết tâm hành động lại chưa, “chống giặc” như thế này thì hẳn là còn lo lắng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.