Chỉ đến văn phòng làm việc 3 ngày một tuần, được không?

30/06/2022 12:24 GMT+7

Cho phép nhân viên khối văn phòng đến công ty 3 ngày một tuần, giảm 40% nhu cầu đi lại, hội nghị được tổ chức trực tuyến, giảm chuyến bay, một công ty cho thấy có thể giảm phát thải carbon từ cách làm việc linh hoạt.

"Đến văn phòng làm việc 3 ngày 1 tuần", giải pháp được bà Holly Bostock (phải) chia sẻ. Trong ảnh, bà Holly Bostock trao đổi cùng ông Koji Fukuda (giữa) và Naomichi Murooka

THÚY HẰNG

Sáng nay, 30.6, Hội thảo “Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng 0” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Bà Holly Bostock, Giám đốc ngoại vụ cấp cao, công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam, khuấy động không khí buổi sáng ở TP.HCM bằng những chia sẻ rất gần gũi, thực tế trong việc làm sao để doanh nghiệp nơi bà làm việc đã và đang hướng tới mục tiêu giảm khí thải nhà kính, đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. “Tại Việt Nam chúng tôi đặt mục tiêu 2025 đạt phát thải ròng bằng 0 trong nhóm sản xuất và trung tính carbon trong chuỗi giá trị đến năm 2040”, bà Holly Bostock nói.

Một số những giải pháp được bà Holly Bostock đưa ra như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo trong quá trình sản xuất. Trong năm 2021, trong sản xuất, doanh nghiệp đang dùng 52% là nhiên liệu tái tạo. Mục tiêu là sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2022-2025 từ điện mặt trời, nhiệt năng biomass, nhiệt năng biogas.

Về bao bì, đẩy mạnh bao bì tái chế, tái chế các lon nhôm, thu hồi tái sử dụng các chai thủy tinh. 98% két nhựa được dùng nhiều lần, trong từ 5 tới 10 năm. Về kho vận cũng có nhiều sáng tạo tối ưu, thay đổi hành vi lái xe, tối ưu hệ thống. Đồng thời, công ty sử dụng các tủ lạnh xanh, sạch với môi trường và một phần khá quan trọng là giảm phát thải carbon từ chính việc đi lại của nhân viên.

Bà Holly Bostock đưa tới những thông tin thú vị tại sự kiện

THÚY HẰNG

“Chúng tôi thử nghiệm với việc đi lại của nhân viên, bộ phận làm việc ở văn phòng thì chỉ 3 ngày trong 1 tuần phải đến văn phòng thôi. Hay chuyển đổi sang họp trực tuyến, giúp giảm chuyến bay, nhờ vậy giảm phát thải carbon. Giai đoạn 2023-2025, chúng tôi chuyển sang dùng xe điện, tiếp tục duy trì họp trực tuyến, làm việc linh hoạt cho nhân viên”, bà Holly Bostock chia sẻ.

“Doanh nghiệp dù nhỏ hay lớn đều muốn phát triển, chúng ta hiểu rằng cứ phát triển là phải phát thải, vậy làm sao để phát thải ròng bằng 0? Chúng ta phải tính toán lại, cùng nhau hội thoại, thảo luận với nhau, cam kết thực hiện điều khoản của Chính phủ chặt chẽ hơn, cùng xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi. Làm thế nào để có thể tăng cường nhận thức các thành viên trong chuỗi giá trị, tôi luôn tin rằng nếu chung tầm nhìn có thể tạo ra sự khác biệt”, bà Holly Bostock tin tưởng.

Người trẻ nắm giữ vai trò quan trọng

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng dự án JICA SPI-NDC, cho hay người trẻ nắm giữ vai trò rất quan trọng trong công tác giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam. Bởi lộ trình này, mục tiêu này không chỉ hướng tới đích năm 2050 mà còn dài hạn hơn, hướng tới cuối thế kỷ 21. Do đó ông hy vọng thanh niên cần đóng góp nhiều tiếng nói hơn, để cùng xây dựng chính sách, thực hiện những giải pháp hiệu quả.

Sự kiện quy tụ đông đảo chuyên gia từ các cơ quan, đơn vị

THÚY HẰNG

Đặc biệt, theo ông Koji Fukuda, hiện nay ngày càng có nhiều doanh nghiệp trẻ, các nhà khởi nghiệp trẻ tham gia trong các lĩnh vực - họ đang rất quan tâm tới vấn đề phát triển bền vững. Đây là một xu hướng rất tích cực, mọi người đang chứng kiến các nhà khởi nghiệp mới, đang có bước chuyển mình trong kinh doanh nói riêng, đóng giảm phát thải CO2 nói chung.

Phát triển bền vững là lợi thế cạnh tranh

Hội thảo“ Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và mục tiêu phát thải ròng bằng 0" do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Cục biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Liên đoàn thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Hơn 100 đại biểu tham dự hội thảo và thảo luận, tập trung vào vai trò của khu vực tư nhân trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu của Việt Nam, bao gồm NDC đến năm 2030, và định hướng dài hạn về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 vừa được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại COP26 Glasgow.

Ông Nguyễn Tuấn Quang

Ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho hay hội thảo là minh chứng tiêu biểu cho quan hệ hợp tác chính phủ - doanh nghiệp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ liên quan và VCCI thông qua dự án SPI-NDC của JICA trong việc tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia thực hiện NDC cũng như các nhiệm vụ khác liên quan.

Trong buổi đối thoại, các doanh nghiệp khẳng định sự phát triển bền vững và hành động phòng chống biến đổi khí hậu là các phương tiện nhằm nâng cao giá trị doanh nghiệp và lợi thế cạnh tranh.

Ông Murooka Naomichi, Phó trưởng đại diện văn phòng JICA Việt Nam, khẳng định, thông qua dự án SPI-NDC, JICA sẽ tiếp tục tạo cơ hội nâng cao năng lực và đối thoại giữa các bên liên quan chủ chốt để củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.