Chị em Thúy Kiều “hồi hương”

27/06/2012 03:00 GMT+7

Bức tranh sơn mài vẽ chị em Thúy Kiều - Thúy Vân được cho là của họa sĩ Trần Dzụ Hồng sau hơn 50 năm lưu lạc, vừa được một gia đình ở Quy Nhơn (Bình Định) mua lại và đem về Việt Nam.

Đoạn đường chìm nổi

Chị Trần Thị Mỹ Hoa (42 tuổi) - chủ nhân bức tranh cho biết chị được một người bạn trong giới nghệ thuật kể, đây là bức tranh mà ông Ngô Đình Diệm đặt hàng để Trần Dzụ Hồng vẽ tặng cho một nguyên thủ quốc gia thời bấy giờ.

Theo bút tích để lại, bức tranh được thực hiện từ năm 1960-1961. Tuy nhiên, đến năm 1963 thì chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ. Bức tranh Kiều được một sĩ quan Mỹ mua đem về nước. Sau đó, một Việt kiều ở Mỹ biết được tung tích và mua lại.

Chị em Thúy Kiều “hồi hương” 
Bức tranh Thúy Kiều - Thúy Vân - Ảnh: T.T.D

“Năm 1997, tôi được nghe kể và xem hình chụp về bức tranh. Thời ấy, nếu có tiền cũng chưa chắc mua được tác phẩm này”, chị Hoa tâm sự. Hơn 10 năm trong nghề sưu tập và buôn bán đồ cổ, vợ chồng chị thừa biết, với những món hàng thuộc dạng hiếm, có giá trị còn phải chờ cơ duyên mới có thể có được. Nhưng chị quyết không bỏ cuộc. Hành trình đeo đuổi tranh Kiều của vợ chồng chị Hoa kéo dài suốt 15 năm. Chỉ đến khi chủ nhân bức tranh muốn “chị em Thúy Kiều” được trở về VN, ông mới gật đầu đồng ý bán cho chị.  

 

Theo lời họa sĩ Phạm Cung, năm nay đã 78 tuổi, từng là học trò gần gũi, gắn bó với họa sĩ Trần Dzụ Hồng, thì Trần Dzụ Hồng là một họa sĩ vẽ đa dạng, vẽ gì cũng đẹp: sơn dầu, sơn mài..., và là người rất kỹ lưỡng, thận trọng. Ông cho biết: “Thời Ngô Đình Diệm, Trần Dzụ Hồng được chính ông Diệm ngỏ lời mời vẽ nhiều bức tranh về Kiều, về văn hóa dân tộc để chính quyền tặng cho các chính khách nước ngoài. Trong thời gian làm học trò Trần Dzụ Hồng, khoảng năm 1959-1960 tại Sài Gòn, tôi chỉ được ráp sơn mài cho thầy những bức tranh bình thường, nên chưa biết bức tranh này có phải chính xác là tranh của thầy làm hay không, dù tôi có khả năng nhận ra bút pháp, đường nét trong tranh của thầy. Sau 1975, tôi có gặp lại thầy một vài lần ở nhà riêng của thầy trên đường Tô Hiến Thành, Q.10, TP.HCM. Thầy đã mất cách đây khoảng 10 năm”.

P.C.Tùng (ghi)

Tranh thật hay phiên bản?

Tranh được thực hiện bằng chất liệu sơn mài trên gỗ tốt có khảm xà cừ, vàng tấm. Chiều ngang 1,5 m, dài 2,25 m. Đặc biệt trong hình dạng ở chỗ phần trên bức tranh có dạng vòm. Theo kể lại, đây là quà tặng cho nguyên thủ một nước Hồi giáo nên được thiết kế phù hợp với lối kiến trúc của nước đó. Tuy nhiên, nội dung tranh thì đậm nét văn hóa Việt Nam. Xem tranh có thể đoán được người ngồi ôm đàn là Thúy Vân với gương mặt tròn trịa, phúc hậu, dáng người mềm mại. Còn người đang múa, có lẽ là Thúy Kiều được vẽ với bút pháp của hội họa hiện đại, đặc biệt ở thân hình sắc nét như chạm khắc, mạnh mẽ, sinh động và thu hút ngay lập tức ánh nhìn của người xem... Sau lưng hai nàng Kiều là Khuê Văn Các, tương phản với mọi nét chuyển động phía trước, làm nền cho bức tranh, tạo cảm giác ổn định, bền vững.

Theo họa sĩ Nguyễn Lâm (hội viên Hội Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam), Trần Dzụ Hồng là một nghệ sĩ tài hoa. Ông vẽ rất ít vì bận đi dạy. Ông từng dạy ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Gia Định từ năm 1958-1975. “Qua phiên bản tôi thấy được, thì bức tranh Kiều là thể loại tranh trang trí trong nội thất. Về nghệ thuật, đây đúng là phong cách của Trần Dzụ Hồng. Về độ khó trong cách thể hiện bức tranh thì cũng chỉ tầm cỡ Dzụ Hồng trở lên mới có thể làm được. Chỉ có điều, cần xác minh lại đây là tác phẩm do ông trực tiếp cùng một số thợ làm hay là phác thảo của ông rồi người khác thực hiện”.

Họa sĩ Trần Dzụ Hồng sinh năm 1922 tại Hà Đông, sau vào Đà Lạt sinh sống. Tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hiện có trưng bày bức tranh bút chì Thiếu nữ (thập niên 1950) của ông.

Trần Thị Duyên

>> Triển lãm tranh in đá của cố họa sĩ Vũ Cao Đàm
>> Sách mới của lão họa sĩ Lê Thanh Trừ
>> “Du lịch” Hungary qua tranh của họa sĩ Lê Thương
>> Cách “xả stress” của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.