Chi gần 10.000 tỉ, rạch Xuyên Tâm ô nhiễm bậc nhất TP.HCM hồi sinh?

24/10/2023 12:51 GMT+7

Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm, đoạn qua Q.Gò Vấp (TP.HCM) dự kiến khởi công vào tháng 8.2024 và hoàn thành vào tháng 4.2025, nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước.

Thông tin trên được ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, trao đổi với báo chí về tiến độ thực hiện dự án rạch Xuyên Tâm vào sáng 24.10.

Cải tạo rạch Xuyên Tâm

Rạch Xuyên Tâm là một trong những tuyến rạch ô nhiễm nặng nề nhất TP.HCM trong hơn 20 năm qua. Năm 2002, TP.HCM từng có quyết định phê duyệt dự án nhưng chưa thể thực hiện vì nhiều lý do khách quan.

Đầu tháng 10.2023, UBND TP.HCM phê duyệt dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) qua 2 quận Bình Thạnh và Gò Vấp.

Tổng mức đầu tư dự án lên đến 9.664 tỉ đồng, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng chiếm 6.339 tỉ đồng, còn lại là chi phí xây dựng và chi phí khác.

TP.HCM cải tạo tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất vào tháng 8.2024 - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sẽ khởi công tháng 8.2024

SỸ ĐÔNG

Dự án có tổng chiều dài gần 9 km, gồm tuyến rạch Xuyên Tâm dài hơn 6,6 km và 3 tuyến nhánh (rạch Cầu Sơn, rạch Bình Lợi, rạch Bình Triệu) dài hơn 2,2 km. Toàn bộ tuyến kè được bảo vệ bằng cừ bê tông dự ứng lực, lòng rạch được nạo vét sâu 3,5 m, rộng 20 - 30 m. Hai bên rạch xây dựng đường giao thông quy mô 2 làn xe mỗi bên cùng công viên, mảng xanh, đèn chiếu sáng.

Ông Dũng cho biết, dự án đoạn qua Q.Gò Vấp sẽ khởi công vào tháng 8.2024 và hoàn thành tháng 4.2025 nhân dịp 50 năm thống nhất đất nước, còn đoạn Q.Bình Thạnh khởi công tháng 4.2025 và hoàn thành vào tháng 4.2028.

Phương án bồi thường rạch Xuyên Tâm ra sao?

Tại buổi họp báo, vấn đề bồi thường, tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng được báo chí quan tâm và đặt nhiều câu hỏi về quỹ nhà tái định cư, đơn giá bồi thường, chính sách hỗ trợ, ranh mốc dự án…

Gần 20 năm mỏi mòn chờ rạch Xuyên Tâm - con kênh bẩn nhất Sài Gòn - hồi sinh

Chủ đầu tư cho biết, dự án ảnh hưởng đến 1.865 hộ dân và 15 tổ chức, trong đó Q.Gò Vấp có 84 trường hợp và Q.Bình Thạnh có 1.796 trường hợp. Hiện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Bình Thạnh và Q.Gò Vấp đang thu thập hồ sơ pháp lý, đo vẽ hiện trạng, kiểm kê nhà đất của các hộ dân.

Về phương án tái định cư, Q.Gò Vấp dự kiến bố trí tái định cư cho 35 trường hợp giải tỏa toàn phần tại chung cư Khang Gia (P.14, Q.Gò Vấp). Q.Bình Thạnh có 1.107 trường hợp phải tái định cư qua khảo sát mới có 300 nền đất và căn hộ, còn thiếu 807 căn.

Để chuẩn bị tái định cư cho dự án, TP.HCM lên kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội tại số 4 Phan Chu Trinh (P.12, Q.Bình Thạnh) quy mô 850 căn hộ, dự kiến trình HĐND TP.HCM thông qua tại kỳ họp cuối năm 2023.

'Hồi sinh' tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất TP.HCM từ tháng 8.2024 - Ảnh 2.

Phối cảnh dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm

T.N

Ông Dũng cho hay, với tiến độ hiện nay, dự án nhà ở xã hội sẽ không kịp hoàn thành để bố trí tái định cư cho người dân ở Q.Bình Thạnh, thay vào đó người dân sẽ được tạm cư trong ngắn hạn.

Hiện UBND TP.HCM đang trình HĐND TP.HCM cơ chế chi phí tạm cư cho các dự án chưa chuẩn bị quỹ nhà đất tái định cư kịp. Trong trường hợp HĐND TP.HCM chưa thông qua, Sở Tài chính sẽ có hướng dẫn mức chi cụ thể về chi phí tạm cư để địa phương thực hiện. Chi phí tạm cư nằm trong tổng mức đầu tư dự án.

"Các địa phương đang xây dựng phương án bồi thường, cố gắng ở mức cao nhất để người dân có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ", ông Dũng nói. Đối với các trường hợp không đủ điều kiện tái định cư, TP.HCM có chính sách mua, thuê mua nhà tái định cư, nhà ở xã hội.

'Hồi sinh' tuyến rạch ô nhiễm bậc nhất TP.HCM từ tháng 8.2024 - Ảnh 3.

Sơ đồ dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm

T.N

Xem nhanh 20h: 20 năm chờ đổi màu dòng kênh đen

Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên liệu tuyến rạch có trong xanh trở lại khi dự án hoàn thành, ông Dũng cho biết dự án có hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt riêng, nước mưa riêng. Theo đó, nước mưa được đổ trực tiếp ra rạch, còn nước thải được chuyển về nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP.Thủ Đức) và nhà máy Tham Lương - Bến Cát (Q.12).

"Để tuyến rạch Xuyên Tâm sớm trong xanh trở lại cần sự đồng hành của người dân, đó là không quăng rác thải xuống rạch", ông Dũng nói thêm và cho biết dự án giải quyết bài toán tiêu thoát nước cho lưu vực khoảng 620 ha.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.