Chi hàng tỉ USD nhập thịt có đáng lo?

15/11/2024 06:46 GMT+7

10 tháng năm 2024, VN nhập khẩu thịt lên đến hơn 1,4 tỉ USD. Là nước nông nghiệp, liệu điều này có đáng lo với VN?

Người Việt chi 3.300 tỉ đồng mua thịt ngoại mỗi tháng

Theo Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2024, VN đã chi tới gần 1,4 tỉ USD nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ở chiều ngược lại, VN chỉ xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt đạt 133 triệu USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn con số trên có thể thấy, người Việt ngày càng sử dụng thịt nhập nhiều hơn. Khảo sát của Thanh Niên ở các siêu thị cũng cho thấy, thịt nhập được bày bán rất nhiều, đa dạng. Đặc biệt, giá thịt heo đông lạnh nhập khẩu chỉ bằng khoảng 60 - 65% các sản phẩm nội địa cùng loại. Cụ thể, ba rọi rút sườn chỉ 75.000 - 80.000 đồng/kg; nạc đùi, nạc vai từ 70.000 - 75.000 đồng/kg; khoanh bắp giò chỉ 55.000 đồng/kg; tim heo giá 40.000 đồng/kg; các sản phẩm xương lưng, xương ống heo chỉ 19.000 - 20.000 đồng/kg. Cao nhất là nầm heo (vú heo) 150.000 đồng/kg… Nguồn gốc sản phẩm chủ yếu từ các nước châu Âu, Brazil, Canada và Úc.

Chi hàng tỉ USD nhập thịt có đáng lo?- Ảnh 1.

Thịt ngoại tràn ngập thị trường VN

ẢNH: CHÍ NHÂN

Chị Dương Gia Hân, ngụ Q.Gò Vấp (TP.HCM), thường chọn mua thực phẩm, đặc biệt là thịt ở các siêu thị với lòng tin là sản phẩm ở đây có thêm một lớp kiểm tra, hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Chị Hân nhận xét, những năm gần đây ở các siêu thị, bên cạnh thịt nóng nội địa thì các sản phẩm đông lạnh cũng xuất hiện ngày càng nhiều, từ thịt gà đến heo, bò... "Ban đầu tôi gần như không sử dụng sản phẩm đông lạnh vì thói quen chỉ thích sản phẩm tươi sống. Tuy nhiên, thời gian gần đây do dòng sản phẩm đông lạnh xuất hiện ngày càng nhiều, giá rất cạnh tranh và có nhiều phân khúc để lựa chọn, lại thêm mẫu mã bắt mắt nên thỉnh thoảng tôi cũng dùng thử", chị Hân nói về sự chuyển gu của mình và nhận xét: "Với các món kho, hầm, nấu nước dùng… thì thịt đông lạnh vẫn đảm bảo yêu cầu, trong khi giá thấp hơn 30 - 40% so với thịt nóng cùng loại. Có lẽ vì giá cả rất cạnh tranh nên sản phẩm đông lạnh ngày càng xuất hiện rộng rãi".

Ở góc độ người chăn nuôi, việc nhập khẩu thịt tăng là áp lực lớn cho sự phát triển của ngành. Nhưng ngược lại ở góc độ thị trường thì việc này cũng có lợi cho người tiêu dùng. Chúng ta phải chấp nhận quy luật thị trường này để nâng cao tính cạnh tranh của ngành chăn nuôi VN. Tuy nhiên, vấn đề là nhà nước cần phải tăng cường kiểm soát, giám sát về chủng loại, chất lượng thịt nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Anh Lê Đức Dinh, ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), lý giải về sự xâm lấn ngày càng sâu rộng của thịt nhập: Khi vào một nhà hàng sang trọng thì bạn sẽ được phục vụ bò Úc, bò Mỹ, thậm chí là bò Nhật hay heo Tây Ban Nha. Còn vào các quán bình dân với nồi lẩu to 3 - 4 người ăn no bụng chỉ với giá 150.000 - 200.000 đồng thì sẽ được phục vụ thịt đông lạnh giá rẻ. Đây vốn đã trở thành điều bình thường nhiều năm qua và thịt ngoại đã tràn ngập khắp nơi ở tất cả phân khúc trên thị trường. Việc phân biệt thịt nóng hay lạnh chỉ còn lại ở một số ít bà nội trợ. Chưa kể những năm gần đây, kinh tế khó khăn nên phần đông người dân vẫn ưu tiên cho những sản phẩm giá rẻ.

Ở góc độ quản lý ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, cung cấp thêm thông tin: Tổng đàn heo của thành phố chỉ có 150.000 con, trong khi nhu cầu tiêu thụ lên đến 3 triệu con mỗi năm. Nguồn cung thiếu hụt được bù đắp thông qua con đường phát triển thương mại giữa thành phố và các địa phương cũng như từ nguồn nhập khẩu.

Chi hàng tỉ USD nhập thịt có đáng lo?- Ảnh 2.

ẢNH: CHÍ NHÂN

Thịt nhập rẻ, có đảm bảo chất lượng ?

Đó là câu hỏi của nhiều người sử dụng thịt nhập nhưng vẫn có đôi chút e dè hiện nay. Anh Nguyễn Văn Hưng, một đầu mối nhập khẩu thịt ở TP.HCM, lý giải: Do giá thành chăn nuôi ở các nước phát triển thấp nên chênh lệch giá giữa thịt ngoại nhập và thịt nội khá cao. Hiện nay tình hình kinh tế vẫn khó khăn, sức mua nhìn chung vẫn yếu và kinh doanh gặp khó khăn, nên người tiêu dùng vẫn ưu tiên cho sản phẩm giá rẻ, nhưng họ cũng ý thức về sức khỏe nên chỉ mua các sản phẩm thịt nhập có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Bên cạnh đó, so với những năm trước, hiện nay các cơ quan chức năng VN đã siết lại việc nhập khẩu thịt, đặc biệt là về chất lượng và hạn sử dụng sản phẩm.

"Trước đây, nhập cái gì về bán cũng được, kể cả phế phụ phẩm, gà thải loại… thì hiện nay chỉ những sản phẩm có chất lượng mới tiêu thụ được. Dù kinh doanh khó khăn hơn, nhưng tôi nghĩ rằng điều này cũng tốt cho cả người bán và người tiêu dùng", anh Nguyễn Văn Hưng nói.

Nhìn lại thị trường nội địa, từ đầu năm 2024, giá heo hơi trên thị trường tăng mạnh và phổ biến trên mốc 60.000 đồng/kg, một số thời điểm lên tới 67.000 - 68.000 đồng/kg, cao hơn nhiều nước trong khu vực bình quân từ 5.000 - 7.000 đồng/kg và cao hơn các nước có nền chăn nuôi phát triển hơn 10.000 đồng/kg. Đây là nguyên nhân khiến thịt ngoại ào ạt nhập về VN.

Là một người gắn bó lâu năm với ngành chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, xâu chuỗi: Năm 2023, ngành chăn nuôi VN và thế giới rơi vào khủng hoảng thừa khiến giá heo hơi VN phổ biến chỉ từ 50.000 - 55.000 đồng/kg. Một giai đoạn dài giá heo hơi ở mức dưới giá thành, khiến người chăn nuôi lỗ nặng và "treo chuồng" hàng loạt. Điều này khiến nguồn cung thiếu hụt và giá tăng ngay từ đầu năm 2024. Đến thời điểm tháng 9 - 10.2024, đàn heo mới phục hồi thì gặp liên tiếp những cơn bão đổ bộ miền Bắc và miền Trung, kéo dài sự thiếu hụt thịt heo trên thị trường. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh cũng xuất hiện phổ biến ở nhiều địa phương. Chính phủ cũng liên tục chỉ đạo các địa phương kiểm soát tốt các tuyến biên giới ngăn heo, bò, gà lậu từ các nước lân cận tràn vào VN. Việc này nhằm mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước và ngăn ngừa lây lan dịch bệnh. Những yếu tố trên khiến nguồn cung thịt heo nội địa ở mức thấp hơn cầu và giá duy trì ở mức cao. Đây cũng là cơ hội cho thịt nhập khẩu theo đường chính ngạch tăng.

"Châu Âu và các nước có nền chăn nuôi phát triển có giá thành chăn nuôi thấp hơn đáng kể so với VN. Ở góc độ người chăn nuôi, việc nhập khẩu thịt tăng là áp lực lớn cho sự phát triển của ngành. Nhưng ngược lại ở góc độ thị trường thì việc này cũng có lợi cho người tiêu dùng. Là người hoạt động trong ngành chăn nuôi, tôi cho rằng chúng ta phải chấp nhận quy luật thị trường này để nâng cao tính cạnh tranh của ngành chăn nuôi VN. Tuy nhiên, vấn đề là nhà nước cần phải tăng cường kiểm soát, giám sát về chủng loại, chất lượng thịt nhập khẩu. Cần cấm nhập các sản phẩm thải loại, phế phụ phẩm kém chất lượng… Điều này rất quan trọng vì nó vừa bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng VN cũng như bảo vệ ngành chăn nuôi về lâu dài", ông Công nêu ý kiến.

Thời gian gần đây ở VN, chăn nuôi nông hộ đã giảm mạnh và chuyển sang trang trại lớn. Tuy nhiên ở khâu chế biến thức ăn chăn nuôi thì doanh nghiệp VN vẫn chưa cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài. Đây là nguyên nhân khiến chi phí chăn nuôi và giá thành của chúng ta vẫn còn cao so với khu vực và thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.