20 triệu đồng/tháng cho lệ phí học trường quốc tế của thú cưng
Là chủ của 6 con chó, 3 chú mèo, Lý Tường Vi (26 tuổi), sống tại Q.Tây Hồ, TP.Hà Nội, xem tất cả thú cưng như con mình. Mỗi tháng, Vi chi 5 triệu đồng mua thịt, dầu cá, canxi… bổ sung dinh dưỡng cho thú cưng. "Ngoài hạt ra thì mỗi con còn có thêm thức ăn riêng. Chẳng hạn như giống mèo Maine Coon sẽ ăn thịt sống để đẹp lông. Còn giống chó Berger và Doberman to lớn nên ăn rất nhiều thịt", Vi chia sẻ.

Vi đưa thú cưng du lịch
ẢNH: NVCC
Vi còn đầu tư thêm lồng sấy và máy đi vệ sinh cho mèo, mỗi máy trị giá khoảng 10 triệu đồng. Đều đặn 2 tuần 1 lần, Vi cho chó, mèo sử dụng các dịch vụ tắm, vệ sinh và cắt tỉa lông. Khoản này tiêu tốn khoảng 10 triệu đồng/tháng.
"Mình có cho 2 chú chó đi học. 1 con đang học trường quốc tế, học phí 20 triệu đồng/tháng, còn lại học nghiệp vụ tốn 15 triệu đồng 1 khóa", Vi nói. Theo Vi, tổng chi phí chăm sóc cho "đàn con" trong 1 năm vào khoảng 200 triệu đồng, chưa tính phát sinh lúc chúng bị bệnh.
"Nuôi thú cưng tốn nhất là khi bị bệnh. Gần đây, mèo Maine Coon bị lây bệnh giảm bạch cầu nên phải điều trị hơn 1 tuần. Lúc trị khỏi bệnh, tổng chi phí khoảng hơn 10 triệu đồng", Vi tâm sự.
Đầu năm 2023, Nguyễn Bích Hà (23 tuổi), sống tại Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội, nhận nuôi một con mèo giống Sphynx có đặc điểm không lông. Hà cho biết mỗi ngày cô đều phải đưa mèo đi tắm và bổ sung vitamin để tăng sức đề kháng.
"Khi trời nóng, mèo dễ bị đổ mồ hôi và viêm da, chi phí chữa trị rất tốn kém. Mình phải bật quạt hoặc điều hòa suốt cả ngày để duy trì nhiệt độ phòng ở mức 27 độ C để da của mèo khỏe. Tiền điện tăng nhiều từ khi nuôi mèo Sphynx", Hà chia sẻ.
Hà cho biết thường xuyên đi công tác nên phải gửi mèo vào khách sạn thú cưng, với giá khoảng 400.000 đồng/ngày. Mỗi lần như vậy, Hà phải gửi danh sách chi tiết về thức ăn, giờ giấc sinh hoạt… để nhân viên chăm sóc mèo đúng cách. Nếu làm trái thói quen, mèo sẽ bị căng thẳng dẫn đến sụt cân.
Việc chăm sóc một con mèo không lông đã trở thành thử thách lớn nhưng Hà vẫn kiên trì thực hiện những công việc cần thiết để đảm bảo sức khỏe và sự thoải mái cho thú cưng. Mỗi tháng, tiền mua đồ ăn, cho mèo đi làm đẹp da, ngủ khách sạn, điều hòa… tốn của Hà hơn 11 triệu đồng. Trường hợp mèo bị bệnh, con số này còn tăng.

Con mèo giống Maine Coon của chị Diệp
ẢNH: NVCC
Sở hữu hơn 30 con mèo dòng Maine Coon, chị Dương Nghi Diệp (30 tuổi), sống tại Q.Hoàng Mai, TP.Hà Nội, mỗi tháng chi khoảng 60 - 90 triệu đồng cho nhu cầu ăn uống, vui chơi và sức khỏe của mèo.
"Mình thường mua hạt, patê, các loại thịt để cân bằng dinh dưỡng. Ngoài ra, mình còn đầu tư thêm dầu cá, các sản phẩm chăm sóc lông cho mèo", chị Diệp chia sẻ.
Bên cạnh chăm sóc cho nhu cầu ăn uống, chị Diệp còn quan tâm đến vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần của mèo. Chị chi tiền cho mèo tiêm phòng đầy đủ và mua số lượng lớn các loại đồ chơi. Mỗi dịp lễ, tết, người phụ nữ này còn chuẩn bị thêm trang phục, phụ kiện để làm đẹp cho "đàn con". Chị cho rằng đây đều là những khoản chi xứng đáng.
Ngoài ra, chị Diệp thường xuyên đầu tư chi phí cho mèo tham gia các cuộc thi dành cho thú cưng. Gần đây nhất, chị đã đưa một chú mèo Maine Coon có giá hơn 500 triệu đồng đến cuộc thi "Hoa hậu mèo" WCF World Show tại TP.HCM. Tổng chi phí để chị đưa mèo đi thi hết 20 triệu đồng.
Đàn mèo của chị Diệp đều là giống thuần chủng nhập khẩu, giá mỗi con dao động từ 200 - 500 triệu đồng.

Vi mua nhiều đồ ăn đắt tiền cho thú cưng
ẢNH: NVCC

Con mèo giống Sphynx của Hà
ẢNH: NVCC
Thu nhập ít, vẫn chi sang cho thú cưng
Nguyễn Võ Thúy An (19 tuổi), sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), tự nhận là người "cuồng mèo". "Nhà mình đang nuôi 3 con mèo. Tất cả đều là mèo hoang được mình nhặt về nuôi từ tháng 10", An kể. An dành toàn bộ thu nhập từ công việc làm thêm tại quán cà phê để mua thức ăn, tiêm ngừa và chữa bệnh cho mèo cưng.
"Việc khám bệnh và tiêm phòng tiêu tốn nhiều tiền nhất. Vì mèo còn nhỏ nên cần tiêm một số loại vắc xin phòng bệnh như: giảm bạch cầu FPV, bệnh hô hấp, viêm phổi và viêm kết mạc ở mắt… Hiện tại, chi phí mỗi lần tiêm phòng, xét nghiệm cho 3 con mèo rơi vào khoảng 1 triệu đồng mỗi tháng, thỉnh thoảng phải chi thêm tiền thuốc. Việc tiêm ngừa phải được duy trì trong suốt 3 tháng, bắt đầu từ tháng 10", An nói.
Ngoài ra, chi phí mà An cho mèo ăn uống rơi vào khoảng 2 triệu đồng/tháng với đầy đủ hạt, patê, sữa và các loại thịt tươi. An còn chi thêm tiền cho việc đặt may đồ thiết kế riêng cho thú cưng. Tháng nào tiền làm thêm không chi đủ, An sẵn sàng bù sinh hoạt phí được gia đình trợ cấp để chăm sóc cho mèo.

An đưa mèo cưng đi khám bệnh
ẢNH: AN MIÊN

Dù không giàu có, một số người trẻ vẫn sẵn sàng chi tiền để thú cưng được sống sung sướng
ẢNH: NGUYỄN ĐIỀN
Nguyễn Ngọc Bình (21 tuổi), sống tại Q.Tân Phú, TP.HCM, nhận nuôi chú chó Pug vào đầu năm 2023. Chú chó được Bình đặt tên là Max. Max được Bình chăm sóc đặc biệt từ chế độ ăn uống, đến các món đồ chơi giúp phát triển thể chất và trí tuệ.
Bình dành phần nhiều thu nhập từ công việc làm tiếp thị tại siêu thị để chăm sóc Max. Hằng tuần, Bình mua cho Max các loại thức ăn tươi, bổ dưỡng như thịt gà, cá hồi... và đồ đóng hộp cao cấp. Bình còn mua thêm các loại đồ chơi thông minh giúp Max phát triển kỹ năng và giữ tinh thần thoải mái.
Ngoài ra, Bình còn chi tiền cho các phụ kiện chăm sóc lông, bể tắm và những đồ vật thiết yếu khác để Max luôn sạch sẽ, khỏe mạnh. Trong khi đó, Bình thường ăn uống rất tiết kiệm. Có hôm, vì lỡ mua quá nhiều đồ ăn cho chó cưng mà bữa ăn của Bình chỉ đơn giản là cơm với trứng chiên hoặc mì gói. "Mình hạnh phúc khi thấy Max khỏe mạnh và vui vẻ. Dù có hơi vất vả, thiếu thốn nhưng mình không cảm thấy tiếc nuối", Bình chia sẻ.
Thạc sĩ, bác sĩ Dương Thị Huyền, công tác tại Bệnh viện thú y AniPet TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết: "Khi mới nuôi thú cưng rất tốn kém, ít nhất là khoảng 20% chi phí sinh hoạt của một người. Người trẻ phải ổn định về mặt kinh tế mới đảm bảo chăm sóc tốt cho thú cưng". Theo bác sĩ Huyền, khi nuôi thú cưng cần đảm bảo môi trường sống, dụng cụ sinh hoạt sạch sẽ. Quan trọng nhất là người nuôi cần phải chú ý lịch trình tiêm phòng, tẩy giun, ve, rận cho thú cưng. Nếu có điều kiện, nên đưa thú cưng đến bệnh viện xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần. "Nếu người nuôi không chăm sóc tốt cho thú cưng ngay từ đầu, thì chi phí khám chữa bệnh về sau sẽ rất tốn kém. Người nuôi cần theo dõi sát sao vấn đề sức khỏe của thú cưng từ khi bắt đầu nhận nuôi. Nếu phát hiện thú cưng bị bệnh ở thời điểm khởi phát thì chi phí điều trị sẽ thấp hơn rất nhiều", bác sĩ Huyền chia sẻ.
Bình luận (0)