Theo quy định của Bộ GD-ĐT, trẻ mẫu giáo học toán, chữ như thế nào?
Nội dung dạy cho trẻ độ tuổi mẫu giáo (3-6 tuổi) được quy định trong chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT. Chương trình này được ghi rõ trong Thông tư số 28 của Bộ GD-ĐT năm 2016 (có hiệu lực thi hành từ 15.2.2017) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chương trình giáo dục mầm non ban hành kèm theo Thông tư số 17 năm 2009.
Theo đó, trẻ mẫu giáo có riêng một phần là "làm quen với những khái niệm sơ đẳng về toán".
Việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với việc đọc, viết nằm trong mục "Giáo dục phát triển ngôn ngữ" cho trẻ mẫu giáo.
Nhưng thực tế, trẻ đi học thêm viết chữ, học toán bên ngoài rất nhiều
Cô giáo một trường mầm non tại Q.5, TP.HCM cho biết ở giai đoạn này trẻ được học các kỹ năng để có thể sẵn sàng vào học ở môi trường mới, biết ngồi sao cho đúng tư thế, cầm bút thế nào cho đúng, học kỹ năng tự phục vụ, biết tự cầm khay lấy đồ ăn. Giai đoạn này trẻ lớp lá cũng được tham gia ngày hội em là học sinh tiểu học, giới thiệu về trường tiểu học để trẻ thêm hiểu về ngôi trường mình sẽ học.
Ở 5-6 tuổi (lớp lá), trẻ được làm quen số, chữ, học cách đồ chữ, học nhận biết mặt số, chữ, học đếm trong phạm vi 10, nhận biết khối cầu khối vuông, xác định vị trí của đồ vật… nhưng không yêu cầu đọc thông viết thạo.
Dù nói với phụ huynh rằng đừng nôn nóng, chỉ cần nắm vững chương trình trên để vào lớp 1 nhưng cô giáo này thừa nhận thực tế trước khi vào lớp 1, phụ huynh đưa con đi học thêm chữ, học thêm toán bên ngoài rất nhiều.
Người quản lý một trường mầm non tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM cũng cho biết 5-6 tuổi, trẻ ở trường được làm quen với chữ cái và số theo đúng hướng dẫn về chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT.
Thế nhưng, người quản lý này cũng chia sẻ một thực tế là sau khi kết thúc thời gian học ở trường thì đa số phụ huynh cho con sắp vào lớp 1 đi học thêm chữ, học toán ở bên ngoài để làm bước đệm cho con. "Phụ huynh cũng khổ, học sinh cũng khổ", người này cho biết.
Vì sách giáo khoa lớp 1 nặng hay sĩ số trường công lập quá cao?
Vì đâu nên nỗi người người nhà nhà phải cho con đi học thêm trước khi vào lớp 1? Nếu chỉ học trong trường mẫu giáo thì học tốt ở lớp 1 được không?
Quản lý trường mầm non ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM đưa ra những ý kiến: "Nói chung, việc học trước lớp 1 thì không được chuyên gia khuyến khích. Tuy nhiên, theo tâm lý lứa tuổi thì lớp chồi (4-5 tuổi), trẻ đã rất thích đọc chữ và học số. Giáo dục mầm non theo phương pháp Montessori có cách dạy rất hay từ cách luyện tay viết chữ đến đếm số, trẻ mẫu giáo đã học đếm đến số hàng trăm và trẻ em rất hứng thú. Do đó, quan trọng là trẻ đang được học cái gì và chúng được dạy như thế nào trước khi vào lớp 1".
Quản lý trường mầm non cũng quan sát và nhận thấy áp lực của học sinh lớp 1 hiện nay khá lớn, nên giảm tải chương trình lớp 1 cho các trẻ. Vấn đề trẻ phải học trước lớp 1, học sinh phải học thì gốc rễ cũng là sức ép đồng trang lứa. Khi phụ huynh và giáo viên còn xem trọng điểm số để đánh giá học sinh, thì ngay cả các phụ huynh đã xác định không cho con học trước cũng thấy bị áp lực.
Bên cạnh đó, hiện nay sĩ số ở các trường công lập đang rất đông, thầy cô bị quá tải, một lớp 1 có tới gần 50 cháu thì cô giáo khó có thể sâu sát với tất cả học sinh. Trong khi bé lớp 1 cần được chú ý, theo kèm đặc biệt. Vì vậy, các cô giáo tiểu học đều mong các trẻ em biết trước chữ, toán trước khi vào lớp 1 để việc dạy học đỡ vất vả hơn.
"Nên trong câu chuyện trẻ phải đi học thêm trước khi vào lớp 1, chúng ta có thể nhìn nhận ở nhiều yếu tố: sức ép đồng trang lứa; áp lực của hệ thống đánh giá; quá tải của sĩ số, trường lớp được xây mới không kịp với vấn đề tăng dân số cơ học ở thành phố lớn; chương trình tiểu học nặng nề. Chỉ khi có được giải pháp cho các yếu tố trên, thì bài toán bao giờ hết học thêm, học trước lớp 1 mới có lời giải", quản lý trường mầm non ở Q.Bình Thạnh, TP.HCM chia sẻ.
Bình luận (0)