Chị Hưng đến nhà Giang chưa lâu, nhưng thật lạ, giữa họ có những sợi dây tương liên đặc biệt. Người đàn bà năm mươi tư tuổi, không chồng, mắt lúc nào cũng rượi buồn, luôn đoan trang, ý tứ, dù chị chưa học hết lớp ba. Mỗi lần nhìn chị, Giang luôn có cảm giác thương xót rất đàn bà. Thực ra, chị đã có chồng, nhưng là gã chồng hờ thường xuyên say khướt, cờ bạc và gái gú. Chị lấy gã theo lời mai mối của bà chủ mà chị giúp việc cho ở Sài Gòn. Gã đàn ông ấy có năm đứa con gái nanh nọc với người vợ cả quá cố. Gã lấy chị vì thiếu vắng bóng dáng người phụ nữ trong căn nhà cấp bốn tồi tàn, lạnh toát miền sơn cước. Lũ con gã coi chị như một mụ hầu không hơn. Chúng cảm thấy thật "rảnh nợ" với người cha nát như tương mà chúng không nỡ từ mặt sau khi mẹ chúng thảnh thơi về cùng tiên tổ.
Không thể có con, lại thêm cay đắng phận mình, một đêm mùa đông mưa gió thét gào, chị đã xách ba lô chạy trốn khỏi địa ngục trần gian sau chín tháng làm nô lệ. Sợ hắn lùng sục kiếm tìm, chị trốn chạy bằng cách đi làm ô sin cho nhà này nhà khác.
Chị đã tới nhà Giang theo lời giới thiệu của bà hàng nước già tốt bụng một cách rất tình cờ - khi Giang về quê mẹ, tìm một người phụ nữ lớn tuổi đến dọn dẹp cửa nhà cho cha cô, khi mẹ Giang qua đời một năm trước đó. Nhìn người phụ nữ rụt rè trước mắt mình, Giang tin cha cô sẽ không xua đuổi.
Cha Giang là một nhà giáo về hưu, ông tỉ mỉ, tinh tế và đầy khe khắt. Trước đó, Giang cũng đã có ý nhờ một vài người trong làng, song ông đều từ chối. Ông muốn mình tự tay lo hương khói cho người phụ nữ cùng ông đầu gối tay ấp suốt năm mươi năm qua. Biết vậy, nhưng Giang không thể yên tâm khi thấy cha ngày một héo mòn. Ông trầm mặc, chối từ những cuộc hội họp, dù ông từng là một giáo viên mẫn cán.
Ngày đầu tiên chị đến nhà Giang, cha cô im lặng. Giang biết, vì cha thương cô. Chị cơm nước gọn ghẽ tinh tươm, cửa nhà sân vườn luôn sạch sẽ. Chị phát những bụi cây hoang dại, cuốc đất, trồng rau đủ các loại để chị em Giang mỗi lần về có rau sạch mang đi. Chị còn nuôi một đàn gà ở góc vườn, hàng ngày dọn chuồng cho bầy chim câu. Mỗi lần Giang về quê, chị lại sắm nắm, ngắt cho cô từng loại rau mà cô thích. Song, điều Giang quan tâm nhất là cha cô đã mở lòng. Ông không còn trầm lặng như trước nữa.
Tiếc rằng, khoảng thời gian đó chẳng được lâu. Hai tháng sau, cha Giang đổ bệnh. Ông chính thức coi bệnh viện là nhà. Khi đa khoa, lao phổi, Bạch Mai, khi phòng khám đông y ngoài Hà Nội... Những ngày này, chị em Giang thay nhau chăm cha. Chị Hưng thiết tha xin được ra chăm ông ngoài viện, nhưng Giang chỉ gật đầu khi cha cho phép.
Bốn tháng sau, cha Giang từ viện trở về. Ông gầy rộc, nhưng vẫn gượng đi lại, không muốn phiền ai.
Một bữa, Giang bưng cơm mời cha ăn trước, còn chị Hưng vẫn lúi húi lau dọn dưới bếp. Ông nói: "Con cũng ăn luôn đi, gọi cả chị vào cùng ăn, bố không có thói quen ăn trước, nhất là với người giúp việc". Ông chỉ nói có thế mà Giang giật mình. Quý mến chị thật, nhưng xưa nay, Giang vẫn chỉ coi chị là ô sin, không hơn. Giang không nghĩ lối sống của cha mấy mươi năm về trước đến nay chẳng có gì thay đổi. Dù đói, không bao giờ ông dùng bữa trước vợ con. Nay với chị, ông vẫn rất tôn trọng và không hề nghĩ mình là bệnh nhân, hay là ông chủ.
***
Bệnh cha chuyển nặng khiến Giang rối như vò. Công việc bề bộn vì trường cô chuẩn bị đón kỷ niệm sáu mươi năm thành lập. Cô là hiệu trưởng nên đầu óc lúc nào cũng căng như dây đàn. Nửa đêm, đọc bản tin người giúp việc mở két lấy trộm tiền; người giúp việc giả vờ thảo mai, khuya khoắt vu vạ cho ông chủ; rồi kinh hãi hơn là vụ người giúp việc bắt cóc tống tiền… Giang rùng mình, sợ hãi. Cô bật dậy, hoảng hốt, cảm giác như ai đó sắp bức hại cha mình. Cô toát mồ hôi, dù gió bấc rít gào ngoài khung cửa.
Đầu giờ sáng hôm sau, Giang đã có mặt ở nhà. Chị Hưng đi chợ, cha cô vừa dùng xong bữa sáng. Giang đến bên giường, hỏi cha đêm qua có ngủ được không. Ông khó nhọc cất tiếng ho, cố bật cục đờm chặn đầy cổ họng: "Bố ngủ được, con cứ yên tâm".
Hai cha con rủ rỉ chuyện trò, rồi mệt quá, ông nhắm mắt. Giang im lặng, tay nhịp đều đặn vào lưng bố. Tấm lưng gầy guộc rặt những xương khiến Giang buốt nhói. Cô lại mơ hồ nghĩ đến chuyện đêm qua.
***
- Chị Hưng! Chị có thấy tờ năm trăm nghìn đồng của em không? Em để ở túi áo khoác, mà giờ không thấy. Không biết nó rơi ở đâu…!
Chị Hưng mặt biến sắc:
- Chết thật, mà nãy giờ cô ngồi chỗ nào, để tôi kiếm xem sao.
- Em chỉ loanh quanh trong nhà, ngoài sân thôi chị - Giang cố ý nói nhỏ để không kinh động giấc ngủ của cha.
Chị Hưng buông rổ rau đang nhặt dở, lật đật chạy vào trong nhà. Giang đưa mắt nhìn theo dò xét. Đâu chừng mươi phút sau, chị Hưng từ trong buồng đi ra. Chị nói nhỏ ý chừng chỉ để hai chị em nghe tiếng:
- Đây rồi, nãy chắc cô ngồi với ông, nó rơi ra á. Cái giống polyme này trơn. May rơi ở nhà, chớ trên đường đi là mất tiêu rồi!
Giang đưa tay cầm lại tờ tiền, cô mỉm cười cảm ơn.
***
Trời sâm sẩm tối, Giang nắm lấy bàn tay bầm tím vết tiêm truyền của cha. Cô bớt lo, nhưng lòng vẫn miên man nghĩ. Chị Hưng tiễn cô ra cổng, không quên dặn cô đi bình tĩnh, chớ nghĩ ngợi lung tung, đường xe đông đúc. Giang thấy ấm lòng, dù bao cảm xúc đan xen.
Hôm sau, Giang lại lục tục thu xếp để về khi nhận tin chị Hưng từ năm giờ sáng: "Ông khó ngủ. Cả đêm cứ nghe tiếng thở dài, rồi ho sòng sọc. Nhưng cô cứ yên tâm lo việc, đã có chị chăm ông rồi, cô không phải về chi cho cực". Vừa về đến cửa, Giang đã nghe tiếng cha cô thều thào: "Giang về rồi hả? Vào đây con!". Chị Hưng biết ý lùi ra ngoài, xách làn đi chợ. Giang lại bên giường, nắm lấy tay cha. Ông cụ nghe mệt, đôi mắt trũng sâu, buồn bã. Ông kể, chị Hưng đã tỉ mỉ chăm sóc ông từng bữa ăn, miếng nước thế nào. Rồi ông nhắm mắt, thiếp đi.
Giang giật mình. Cô biết, ông đã đọc được ý nghĩ của con gái, ông biết Giang đã thử lòng chị mà dàn dựng chuyện hôm qua. Thực tình, sáng nay Giang về còn vì muốn nói với chị Hưng chuyện đó. Cô cũng có một đêm không ngủ.
***
Giang chìa điện thoại cho chị Hưng xem:
- Chị đọc đi, chị còn dối em sao được: "Mẹ, con đi sớm, mẹ chưa dậy, con xin mẹ tờ 500 nghìn, con lấy trong túi áo khoác của mẹ nha!".
Chị Hưng bối rối: "Tại… tại chị sợ ông lại nghĩ ngợi cô à! Chị xin lỗi cô". Giang cười, nhẹ nhàng vòng tay ôm lấy chị: "Em mới phải là người xin lỗi chị, chị gái!".
***
Giang bận việc trường, cô em gái lấy chồng trên thành phố, thi thoảng mới tạt về. Chị Hưng vẫn ráng lo mọi việc. Chị bảo Giang yên tâm, vì chị vừa chăm bố đẻ tám sáu tuổi bị ung thư phổi nên chị biết cần phải làm gì. Nhưng rồi, khi Giang bớt bận hơn thì cha Giang cũng lặng lẽ bỏ lại thế gian mà về bên mẹ. Giang không khóc được. Cô mạnh mẽ lo hậu sự cho cha. Suốt những ngày đó, chị Hưng cũng tất tả lo mọi việc, chị xin được để tang ông.
Nhưng những ngày ngủ lại nhà, Giang thấm nỗi buồn đau mất mát ấy hơn cả. Giường cha trống trơn, mà mọi ảnh hình về cha đầy ắp. Cô không ngủ được. Chị Hưng vòng tay ôm lấy cô, kéo chăn vỗ khẽ. Năm giờ sáng, Giang choàng tỉnh, sờ tay sang bên không thấy chị đâu. Thì ra, chị đã dậy từ sớm quét tước sân vườn. Trời thẫm tối. Giang nằm im, nghe ngóng. Tiếng chổi loẹt quẹt vang lên nhè nhẹ, Giang biết, chị đang quét ở cuối vườn - nơi những viên gạch xếp tạm - lá nhãn, xà cừ giắt đầy sau đêm gió bấc.
Một lát, chị đi vào. Tiếng dép nhỏ nhẹ, ý chừng sợ Giang thức giấc. Giang vẫn quay mặt nhìn ra, giả đò say ngủ. Chị Hưng cắm nước như mọi ngày. Rồi chị pha mật ong với nước ấm. Giang cứ nghĩ chị pha để uống, ai ngờ chị bước tới, đặt lên bàn thờ cha. Chị thắp nén hương, lầm rầm khấn vái. Xong đâu đó, chị đi lấy cơm, bóc quả trứng, lấy muối, gừng bày ra đĩa. Tất cả xếp gọn ghẽ vào chiếc khay lớn, kính cẩn bày lên ban.
Giang ứa nước mắt…
Tháng sau, nhận được tiền tuất của cha, Giang nghẹn lại. Cô gọi chị Hưng và em gái đến trước hương linh cha mà nói: "Đây là những đồng tiền cuối cùng của cha, chị Hưng chăm sóc cha như con gái nên số tiền này sẽ chia đều cho ba chị em!". Chị Hưng ngùi ngùi, lúc đầu chị từ chối, nhưng nghe Giang nói chị đã nhận để ông vui.
Từ ngày cha mất, Giang đi đi lại lại giữa hai nhà. Công việc nhiều, cô không thể bỏ mà về quê cho được. Chị Hưng lo cơm cúng hàng ngày đủ ba bữa cho cha. Chị vẫn đảm đang dọn dẹp sân vườn, chăm sóc từ con chim câu mới nở đến con chó, con gà. Giang hiểu, hình như chị đang níu kéo giúp Giang những ngày còn cha ở đó. Hình như, chị muốn Giang mỗi lần về không hụt hẫng, thấy ngôi nhà vẫn ấm áp, và cha cô, như chỉ đi đâu đó dạo chơi.
Nhưng trong đáy lòng, cô vẫn thấy mình thiếu sót. Giang thương chị. Cô nghĩ đến cảm giác của chị Hưng khi cha mất vừa tròn trăm ngày thì chị phải vội vã khăn áo đến nhà Giang. Cô nghĩ đến cảm giác của chị một mình trơ vơ giữa ba gian nhà hoang lạnh, nghi ngút khói hương khi cha cô đã đi rồi. Cô nghĩ đến những đêm mùa đông gió bấc rít rung cả căn nhà, rồi mưa lắc thắc. Mưa như chiếc que cời tàn bạo, khơi lên bao tàn tro trong lòng người cô phụ.
Qua trăm ngày cha, Giang vẫn muốn nhờ chị trông coi cửa nhà. Một chiều mùa đông, Giang về lại nhà mình vì chị Hưng xin phép về quê giỗ cha một ngày rồi lại lên ngay. Cô ngồi ngoài hiên, ngóng màn mưa đặc dày buông thánh thót từng dòng xuống chiếc sân gạch cũ. Mưa giăng kín lối, nhòe nhoẹt. Giang như thấy mình rơi tõm xuống tận cùng vực thẳm của nỗi buồn. Cô cầm điện thoại lên nhắn tin: "Chị cứ ở nhà giỗ bác ít hôm cho ấm áp. Hôm nào chị lên cũng được. Em sẽ tranh thủ đi về, chị cứ yên tâm".
Ngày chị Hưng trở lại, cũng là một ngày mưa dội vào lòng. Đêm đó, Giang vòng tay ôm lấy tấm thân mảnh dẻ của chị: "Chị không phải trông nhà cho em nữa, em hiểu cảm giác một mình thế nào khi chị về quê giỗ bác. Nghe em, chị hãy đi tìm niềm vui của đời mình. Em sẽ biếu chị ít tiền mỗi tháng. Khi nào khó khăn, bệnh tật, nhớ liên hệ với em. Em là em gái, nên chị đừng khách khí".
Đến lượt chị Hưng thở dài, chị chảy nước mắt, quay người lại ôm lấy Giang.
Một tháng sau, chị thu xếp để về. Chị ra chợ mua lấy sáu chiếc bát mới, sáu đôi đũa đặt lên bàn thờ cha Giang, rồi thắp hương lầm rầm từ biệt.
Giang đã chuẩn bị cho chị bao nhiêu là thứ, cả những chiếc áo khoác mới mặc tết, chiếc khăn len thật đẹp, máy sấy tóc và chiếc phong bì chục triệu để chị tiêu tết nữa. Nhưng chị nhận mọi thứ, trừ chiếc phong bì. Chị nói, vì kính ông như cha, thương Giang như em mà chị ở lại tới hôm nay.
Rồi họ ôm nhau từ biệt.
***
Tám năm sau, một chiều mùa đông, Giang nhận được tin từ chị: "Tháng sau giỗ ông rồi, chị sẽ lên trước một tuần dọn dẹp. Em đau chân thì về ngồi yên đó, để chị lo cho".
Giang đưa tay xuống xoa xoa khớp gối mổ từ ba tháng trước. Khớp vẫn còn đau, nhưng Giang thực sự thấy ấm lòng. Cô nhìn vào chiếc ba lô đã sắp đầy, không biết còn thiếu gì không, không biết chị còn thích gì không nhỉ. Giang cứ nghĩ thế, mà lòng háo hức, cô mỉm cười, tưởng tượng ít ngày nữa thôi sẽ được gặp lại người chị gái mến thương.
Thể lệ
Sống đẹp với tổng giải thưởng lên đến 448 triệu đồng
Với chủ đề Trái tim yêu, bàn tay ấm, cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 là sân chơi hấp dẫn cho các nhà sáng tạo nội dung trẻ. Bằng việc đóng góp những tác phẩm thể hiện thông qua các loại hình như bài viết, ảnh, video... có nội dung tích cực, nhiều cảm xúc cùng cách trình bày hấp dẫn, sinh động phù hợp với các nền tảng khác nhau của Báo Thanh Niên.
Thời gian nhận bài: từ 21.4 - 31.10.2023. Ngoài hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, truyện ngắn, năm nay còn mở rộng thêm hạng mục dự thi gồm ảnh và video trên YouTube.
Cuộc thi Sống đẹp lần thứ 3 của Báo Thanh Niên đề cao các dự án cộng đồng, hành trình thiện nguyện, việc làm tốt của các cá nhân, doanh nhân, tập thể, công ty, doanh nghiệp trong xã hội và đặc biệt là đối tượng các bạn trẻ ở thế hệ gen Z hiện nay nên có riêng một hạng mục dự thi do ActionCOACH Việt Nam tài trợ. Sự xuất hiện của các khách mời đang sở hữu tác phẩm nghệ thuật, văn chương, nghệ sĩ trẻ được người trẻ yêu mến cũng giúp cho chủ đề của cuộc thi lan tỏa một cách mạnh mẽ, tạo sự đồng cảm của giới trẻ.
Về bài viết dự thi: Các tác giả có thể tham gia theo hình thức ký sự, phóng sự, ghi chép, phản ánh câu chuyện người thật, việc thật và bắt buộc phải có hình ảnh nhân vật kèm theo. Bài viết thể hiện nội dung về một nhân vật/tập thể đã có những hành động đẹp, thiết thực giúp đỡ cá nhân/cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện ấm áp, nhân văn, tinh thần sống lạc quan, tích cực. Riêng truyện ngắn dự thi, nội dung có thể sáng tác từ câu chuyện, nhân vật, sự việc… sống đẹp có thật, hoặc hư cấu. Bài viết dự thi được viết bằng tiếng Việt (hoặc tiếng Anh đối với người nước ngoài, ban tổ chức đảm nhận việc chuyển ngữ) không quá 1.600 chữ (riêng truyện ngắn không quá 2.500 chữ).
Về giải thưởng: Cuộc thi có tổng giá trị giải thưởng gần 450 triệu đồng.
Trong đó, ở hạng mục bài viết ký sự, phóng sự, ghi chép có: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 2 giải nhì: mỗi giải trị giá 15.000.000 đồng; 3 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 5 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 3.000.000 đồng.
1 giải bài viết được bạn đọc yêu thích (bao gồm lượt xem và lượt like trên Thanh Niên Online): trị giá 5.000.000 đồng.
Với thể loại truyện ngắn: Giải thưởng dành cho tác giả có truyện ngắn dự thi: 1 giải nhất: trị giá 30.000.000 đồng; 1 giải nhì: trị giá 20.000.000 đồng; 2 giải ba: mỗi giải trị giá 10.000.000 đồng; 4 giải khuyến khích: mỗi giải trị giá 5.000.000 đồng.
Ban tổ chức còn trao 1 giải thưởng dành cho tác giả có bài viết về doanh nhân sống đẹp: trị giá 10.000.000 đồng và 1 giải thưởng dành cho tác giả viết về 1 dự án thiện nguyện nổi bật của nhóm/tập thể/doanh nghiệp: trị giá 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, ban tổ chức sẽ chọn ra 5 nhân vật được vinh danh do ban tổ chức bình chọn: trao tặng 30.000.000 đồng/trường hợp; cùng rất nhiều giải thưởng khác.
Bài, ảnh và video tham gia dự thi, bạn đọc gửi về địa chỉ: [email protected] hoặc qua đường bưu điện (Chỉ áp dụng cho hạng mục dự thi Bài viết và Truyện ngắn): Tòa soạn Báo Thanh Niên: 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM (ngoài bì thư ghi rõ: Tác phẩm tham dự cuộc thi SỐNG ĐẸP lần 3 - 2023). Thông tin và Thể lệ chi tiết được đăng trên chuyên trang Sống đẹp của Báo Thanh Niên.
Bình luận (0)