Chí Linh nơi hun đúc hào khí Lam Sơn

16/02/2024 07:05 GMT+7

Núi Chí Linh từng 3 lần che chở cho Bình Định Vương Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn trong buổi đầu khởi nghĩa. Đây là cứ địa trọng yếu của nghĩa quân, được Nguyễn Trãi ví như đất Cối Kê nơi Câu Tiễn "nằm gai nếm mật", hay như núi Mang Đãng nơi Lưu Bang ẩn náu thuở khởi binh.

Cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn

Chí Linh sơn còn có tên là Pù Rinh (hay Bù Rinh) thuộc châu Lang Chánh xưa (nay nằm ở các xã Trí Nang, Giao An, Yên Khương, huyện Lang Chánh và các xã Xuân Khao, Yên Nhân, Bát Mọt, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa). Sách Thanh Hóa tỉnh chí của Nhữ Bá Sĩ chép: "Núi Chí Linh ở phía tây nam Lam Kinh. Lúc nhà Lê mới khởi nghĩa, cùng với bọn tướng nhà Minh là Mã Kỳ, Lý Bân đánh nhau không thắng lợi, phải thu quân ẩn nấp trong núi ấy đến vài năm. Trong bài Bình Ngô đại cáo nói rằng: "Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần" chính là ở chỗ ấy. Các văn thần Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn, Nguyễn Mộng Tuân có làm các bài phú Linh Sơn cũng đều lấy đất Cối Kê của nước Việt và núi Mang Đãng của nhà Hán ví với núi Chí Linh ta. Vì núi này chính là nơi vua Lê Thái Tổ dựa vào chỗ hiểm để làm căn cứ vậy".

Chí Linh nơi hun đúc hào khí Lam Sơn- Ảnh 1.

Rừng núi Chí Linh - cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn (khu vực thuộc bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh, Thanh Hóa)

Ái Châu

Sau hội thề Lũng Nhai năm Bính Thân (1416), Lê Lợi và 18 vị hào kiệt nhanh chóng chuẩn bị lực lượng để đến mùa xuân năm Mậu Tuất (1418) thì chính thức dựng cờ khởi nghĩa chống lại ách đô hộ của nhà Minh ở vùng đất Khả Lam (nay là huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa). Sử cũ chép tháng giêng năm Mậu Tuất, nhà Minh tập trung khoảng 4 vạn quân cùng hàng trăm voi ngựa tìm diệt, vây đánh nghĩa quân Lam Sơn ở Mường Mọt (ngày nay là vùng Bát Mọt, huyện Thường Xuân, Thanh Hóa, gần với Lũng Mi nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai và tiếp giáp với núi Chí Linh). Chủ soái Lê Lợi chạy thoát lên Trịnh Cao đóng quân ở Mường Cốc, núi Linh Sơn. Giặc Minh bủa vây, khiến nghĩa quân lâm vào cảnh tuyệt đường thoát thân, quân lính đói rét phải đào củ mài, tìm mật ong để cầm cự qua ngày.

Nơi Lê Lai liều mình cứu chúa

Theo sách Lam Sơn thực lục, trước tình hình nguy nan, Lê Lai khảng khái cải trang thành "Chúa Lam Sơn" lĩnh 500 quân và 2 thớt voi chiến từ cứ địa Chí Linh xông ra tập kích quân Minh. Trong cuộc chiến không cân sức ấy, Lê Lai đã bị giặc Minh bắt rồi xử tử. Giết được Lê Lai, giặc Minh an tâm tưởng đã tiêu diệt được Lê Lợi nên rút quân về Tây Đô, cứ địa Chí Linh được giải vây, giúp nghĩa quân qua cơn nước lửa.

Chí Linh nơi hun đúc hào khí Lam Sơn- Ảnh 2.

Thác Ma Hao - nơi được Lê Lợi đặt tên

Theo các nhà nghiên cứu, ngoài lần nói trên, nghĩa quân Lam Sơn còn thêm 2 lần rút lên núi Chí Linh, trong đó, lần thứ hai diễn ra cùng năm Mậu Tuất. Vào ngày 16 tháng 4 năm Mậu Tuất (1418), Lê Ái dẫn đường cho quân Minh đánh úp sau lưng nghĩa quân, bắt gia quyến của chủ soái Lê Lợi và vợ con binh sĩ, khiến binh lính mất tinh thần chiến đấu, Lê Lợi cùng các tướng Đinh Lễ, Phạm Vấn, Đỗ Bí, Nguyễn Xí, Lê Đạp phải rút lực lượng lên Linh Sơn hơn 3 tháng trời... Tiếp đó, vào cuối tháng 12 năm Nhâm Dần (1422) sau khi nghĩa quân chém đầu tham tướng nhà Minh là Phùng Quý ở Khôi Sách thì lại rút lên núi Chí Linh để bảo toàn lực lượng. Từ cứ địa Chí Linh, nghĩa quân Lam Sơn đã phát triển lực lượng, mở rộng địa bàn hoạt động rộng khắp vùng tây Thanh Hóa rồi vào Nghệ An..., để rồi sau 10 năm gian khổ, Lê Lợi đã lãnh đạo thành công cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đuổi sạch giặc Minh, giành lại giang sơn Đại Việt.

Rượu hòa nước suối đồng lòng tướng sĩ

Trở lại vùng linh địa Chí Linh sơn lần này, tôi được ông Hà Văn Liên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lang Chánh, hướng dẫn đi thăm những nơi từng lưu dấu tích nghĩa quân Lam Sơn hơn 600 năm trước. Theo lời ông Liên, ở 6 xã bao quanh núi Chí Linh còn lưu giữ nhiều truyền thuyết, sự tích về cuộc khởi nghĩa, nhất là giai đoạn nghĩa quân lánh nạn trên núi Chí Linh. Từng tên bản, tên làng, từng dòng sông, khe suối… nơi đây đều gắn chặt với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Chí Linh nơi hun đúc hào khí Lam Sơn- Ảnh 3.

Ông Hà Văn Liên giới thiệu với tác giả về nơi nghĩa quân Lam Sơn nấu cơm trên đường tránh giặc

Ngay cái bản Năng Cát (xã Trí Nang, huyện Lang Chánh), nơi tổ tiên ông Hà Văn Liên dựng bản lập làng, cũng là do Lê Lợi đặt tên. Truyền thuyết kể rằng trong lần vua Lê và binh sĩ bị giặc truy đuổi, đến tối mới tìm được nơi dựng trại ngay con suối đầu bản Năng Cát. Vì gấp gáp nên quân lính phải múc cả nước đục dưới suối để nấu cơm. Khi cơm chín, chủ tướng và quân lính cùng ăn mới phát hiện trong nồi lẫn rất nhiều cát. Lê Lợi vừa ăn cơm vừa trỏ vào cái nồi (tiếng Thái gọi cái nồi là năng), nói rằng đây đâu phải là năng cơm mà là năng cát. Rồi ngài đặt tên cho vùng đất này là Năng Cát, để ghi nhớ những lúc gian lao trong sự nghiệp kháng Minh.

Ở bản Năng Cát có dòng thác Ma Hao hết sức hùng vĩ. Đây là nguồn chính của các khe suối chảy ra từ núi Chí Linh. Chuyện kể rằng khi bị giặc truy đuổi, nghĩa quân Lam Sơn mang theo một con chó săn chạy lên đỉnh Pù Rinh thì gặp phải dòng thác lớn. Lê Lợi và quân lính liều mình vượt qua nhưng con chó kiệt sức, không thể nhảy qua thác và cứ đứng bên bờ nhìn theo nghĩa quân, ngáp dài mệt mỏi. Khi giặc Minh đuổi đến, con chó đã quay lại cắn xé, cản đàn chó săn của giặc cho đến khi rơi xuống dòng thác dữ. Quân giặc rút đi, Lê Lợi sai quân lính tìm xác con chó mang đi chôn cất, rồi đặt tên là thác Chó Ngáp (tiếng Thái là Ma Háo, lâu dần đọc chệch thành Ma Hao).

Chí Linh nơi hun đúc hào khí Lam Sơn- Ảnh 4.

Miếu thờ nghĩa quân Lam Sơn trên núi Chí Linh (thuộc khu vực thác Ma Hao)

Giới thiệu với tôi về suối Vớ (suối Lá chảy), suối Láu (suối Rượu) ở xã Giao An (huyện Lang Chánh), ông Liên bảo đây chính là những địa danh nổi tiếng, gắn với các sự tích về nghĩa quân Lam Sơn và được Nguyễn Trãi ghi trong Bình Ngô đại cáo. Ban đầu, nghĩa quân gặp vô vàn gian khó, binh thưa, tướng ít, thế giặc lại bạo cuồng…, Nguyễn Trãi đã dùng mật viết chữ lên lá để cho kiến ăn theo vết mật làm rách lá, hiện lên các chữ Lê Lợi vi vương, Lê Lai vi tướng, Nguyễn Trãi vi thần, rồi sai lính thả những chiếc lá có chữ của "thần linh" xuống suối Vớ. Những chiếc lá mang "ý trời" ấy theo khe suối trôi xuống sông Cảy, sông Chu... như những lời hiệu triệu, thu phục lòng dân, quy tụ lực lượng cho nghĩa quân.

Dòng suối Láu chính là nơi diễn ra tích truyện để Nguyễn Trãi viết câu "Tướng sĩ một lòng phụ tử/Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào" trong Bình Ngô đại cáo lừng danh. Tại nơi đây, trong buổi gian khó ấy, chủ soái Lê Lợi đổ vò rượu duy nhất xuống suối rồi cùng quân sĩ múc nước suối uống thay rượu… Theo nhiều nhà nghiên cứu, sau sự kiện Lê Lai hy sinh, lòng quân bất an, Lê Lợi cùng với tướng sĩ tổ chức hội thề (gọi là hội thề núi Chí Linh) để củng cố lòng quân. Việc đổ vò rượu hòa với nước suối diễn ra trong hội thề này mang tính biểu tượng cao đẹp, thể hiện hùng tâm tráng chí của chủ soái Lê Lợi, củng cố lời thề đồng cam cộng khổ, quyết tâm đánh đuổi giặc Minh...

Cùng với Lam Sơn, Chí Linh sơn chính là vùng đất căn cơ của nghĩa quân Lam Sơn và vương triều Lê. Nếu Lam Sơn là đất tổ, là nơi Lê Lợi dấy nghiệp, thì cứ địa Chí Linh sơn là nơi nuôi dưỡng, hun đúc hào khí quật cường của người dân Đại Việt hơn 600 năm trước...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.