Chỉ mới giải quyết phần ngọn

19/05/2020 06:07 GMT+7

Giữa năm 2019, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM ban hành Chỉ thị 23 để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về trật tự xây dựng trên địa bàn TP, báo cáo kết quả ban đầu cho thấy số vụ vi phạm giảm hẳn.

Tháng 10.2019, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kiểm tra công trình không phép của Phó chủ tịch HĐND Q.Thủ Đức và người thân sau khi Báo Thanh Niên phản ánh. Trước buổi kiểm tra ngày 17.5 vừa qua, một số cơ quan báo chí cũng phản ánh tình trạng xây dựng không phép rầm rộ ở H.Bình Chánh.
Chuyện khó tin nhưng diễn ra tại xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh khi địa phương này còn hơn 4.000 công trình không phép chưa được xử lý, biến nơi đây thành “thủ phủ” của nhà không phép. Chủ tịch xã giải thích do địa bàn rộng, cán bộ ít nên không thể quản lý hết. Địa bàn rộng, nhân sự ít cũng là lý do được nhiều lãnh đạo địa phương biện minh cho thất bại trong quản lý địa bàn.
Tại H.Bình Chánh, hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, mất chức, thậm chí bị khởi tố vì sai phạm liên quan đến quản lý đất đai, xây dựng nhưng nhiều người vẫn tiếp tục “hỗ trợ thủ tục” xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Kỷ luật cán bộ dường như chỉ giải quyết được phần ngọn trong quản lý đất đai, xây dựng, nhất là ở các địa bàn có tốc độ đô thị hóa chóng mặt, như: Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè. Cái gốc của tình trạng “dân mất tiền, nhà nước mất cán bộ” nằm ở chỗ công tác quy hoạch sử dụng đất quá chậm. Nghịch lý đất bỏ hoang trong khi người dân phải sống trong những căn nhà xập xệ kéo dài từ năm này đến năm khác như thách thức sự kiên nhẫn của người dân.
Dân nhập cư đổ dồn về tăng qua các năm giúp TP duy trì dân số vàng, là tiền đề phát triển kinh tế nhưng chính sách về nhà ở cho nhóm lao động này chưa được quan tâm đúng mức. Nhu cầu này của người dân bị lãng quên khiến nhiều người làm liều dồn tiền mua nhà không phép. Nhà nước kỷ luật cán bộ nhưng khó có thể giúp dân lấy lại được khoản tiền dành dụm cả đời người.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.