'Chỉ nhìn nhau' có thể lây đau mắt đỏ?

25/09/2023 18:04 GMT+7

Nhiều người lo ngại bị lây đau mắt đỏ nếu vô ý nhìn vào mắt người bệnh. Bác sĩ nhãn khoa đã giải thích về tình huống 'chỉ nhìn nhau' này và một số nguy cơ lây bệnh.

Theo Bộ Y tế, bệnh đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) gần đây có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.

 'Chỉ nhìn nhau' có thể lây nhiễm đau mắt đỏ ? - Ảnh 1.

Nếu chỉ nhìn thì không dễ lây bệnh đau mắt đỏ

THÚY ANH

Các địa phương, trong cộng đồng cần chú trọng các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, trong các nhà máy, khu vực công cộng…

Qua thực tế khám, điều trị, bác sĩ Đặng Xuân Nguyên (Hội Nhãn khoa Việt Nam), nhận định: Năm nay dịch xảy ra đúng mùa tựu trường, là điều kiện thuận lợi cho dịch lây lan mạnh. Các trường học nên tổ chức vệ sinh không gian học tập vui chơi bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

Nên đeo kính, khẩu trang khi đau mắt đỏ 

Bác sĩ Nguyên cũng cho biết, một số người lo lắng hoặc cho rằng "vì vô tình nhìn vào mắt người đau mắt đỏ nên lây bệnh". Tuy nhiên, về đường lây nhiễm bệnh, mọi người cần hiểu đầy đủ hơn để phòng bệnh hiệu quả.

Đau mắt đỏ năm nay chủ yếu do các Adenovirus, Coxsakievirus và Enterovirus với tỷ lệ khác nhau tùy theo vùng dịch tễ.

"Bệnh lây do tiếp xúc trực tiếp qua giọt bắn của nước bọt, hoặc bắt tay, dùng chung khăn, chậu... Bệnh cũng lây gián tiếp qua các tiếp xúc trung gian như tay nắm cửa, nút bấm thang máy, nước bể bơi… Do đó, nếu chỉ nhìn nhau thôi thì không lây bệnh", bác sĩ Nguyên chia sẻ.

Tuy nhiên, bác sĩ Nguyên lưu ý: "Dù không lây bệnh nếu chỉ nhìn nhau, nhưng người đau mắt đỏ nên đeo kính để bảo vệ cho mắt khỏi gió bụi và các yếu tố kích thích". Còn người không bị đau mắt, nếu đeo kính, khi tiếp xúc với người mang mầm bệnh sẽ tránh được các giọt bắn có chứa virus sang mắt của mình, nhờ đó giảm nguy cơ lây bệnh. 

Đau mắt đỏ có thể gây ra những triệu chứng nặng như xuất hiện giả mạc, trợt loét giác mạc. Mắt sưng nề hơn và cộm chói nhiều, khó mở mắt, chảy nước mắt màu hồng vì có lẫn máu, khi lật mi lên thấy xuất hiện lớp màng dày trắng ở mặt trong. Lớp màng này nếu để lâu sẽ dày cứng, cọ xát vào giác mạc (tròng đen), làm giác mạc bị trầy xước hoặc trợt rộng, có thể dẫn đến viêm loét giác mạc.

Thường từ 5 - 7 ngày sau khi có triệu chứng đau mắt đỏ, có thể xuất hiện các biến chứng viêm ở trên giác mạc do độc tố của virus, thường kéo dài, hay tái phát, cần được theo dõi và điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt.

Bác sĩ Đặng Xuân Nguyên

Lý giải về nguyên nhân khiến nhiều thành viên trong gia đình dễ bị lây bệnh đau mắt đỏ, bác sĩ nhãn khoa cho hay: "Trong gia đình thường có tiếp xúc gần nên dễ lây nhiễm, do virus có trong nước bọt, làm lây sang các thành viên khác qua giọt bắn; do môi trường không khí có virus khiến người khác dễ nhiễm phải".

Do đó, người bị đau mắt đỏ cần tăng cường ý thức để tránh lây nhiễm cho người khác bằng các cách như rửa tay trước và sau khi tra thuốc hay vệ sinh mắt, hạn chế sờ tay vào các đồ vật dùng chung; không dùng chung khăn, chậu rửa với các thành viên khác, nên đeo khẩu trang, kính mắt…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.