Lo con thua kém bạn bè, lo bị “đì”
Bao lâu nay, học sinh (HS) VN đã oằn mình cõng áp lực học hành nối dài từ giờ học chính khóa sang các “lò luyện” tại gia lẫn trung tâm bổ trợ kiến thức. HS đã nuốt vội bữa ăn ngay trên yên xe máy sau lưng bố mẹ, gà gật trước cửa nhà đợi giáo viên mở cổng, ngáp ngắn ngáp dài trên lớp bởi thiếu ngủ vì phải thức khuya làm bài tập ở lớp học thêm…
Còn phụ huynh cũng đâu sung sướng gì trong cảnh đưa rước trẻ mải mướt đến các địa chỉ học ngoài giờ. Một khoản chi phí khổng lồ đã chi ra qua năm dài tháng rộng để “mua kiến thức”. Lắm lúc nhìn trẻ học vất vả, muộn phiền vì tuổi thơ của con bị cướp mất khoảng trời mơ mộng, hồn nhiên, lòng mẹ cha lại âu lo, trăn trở chẳng dứt.
Thế nhưng, chút sóng sánh ấy chẳng đủ sức níu chân phụ huynh dừng lại trước cơn sóng học thêm, học kèm, học trung tâm. Chúng ta lo con cái không học thêm sẽ thua bạn kém bè. Chúng ta mong con học thêm chữ nào tốt chữ nấy. Chúng ta mơ hồ nghe ngóng chuyện trẻ bị thầy cô “đì” và phân biệt đối xử khi không theo lớp học thêm… Vậy là ào ào đăng ký học, bấm bụng chi tiền nộp học phí đắt đỏ, mải miết đưa rước và thở hắt khe khẽ khi thấy con trẻ học đến mụ mị đầu óc!
Học sinh sau giờ học thêm ở một trung tâm văn hóa ngoài giờ tại TP.HCM tối ngày 26.9 |
NHẬT THỊNH |
Học chương trình mới có cần phải học thêm ?
Bắt đầu từ năm học 2020 - 2021, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được áp dụng. Sau hơn 2 năm thực hiện chương trình mới, chất lượng dạy - học như thế nào, có giải quyết được sự quá tải, nặng về truyền thụ kiến thức… của chương trình 2006 (chương trình cũ) hay không?
Nhiều thầy cô trực tiếp đứng lớp có cùng nhận xét chương trình giáo dục phổ thông 2018, tài liệu giảng dạy có phần phong phú đa dạng về hình thức, nội dung kiến thức, giúp giáo viên và HS có nhiều kênh thông tin hơn khi thực hiện một chương trình một bộ sách giáo khoa (2006). Tuy vậy, chương trình mới vẫn chưa khắc phục hay hạn chế được dạy thêm và học thêm hiện nay. Câu hỏi đặt ra có phải chương trình mới vẫn còn nặng nên buộc HS phải học thêm?
Năm học mới bắt đầu thì hoạt động dạy thêm học thêm cũng diễn ra sôi nổi không kém so với việc học chính khóa, nhiều trung tâm, lớp học thêm tại nhà và ngay tại trường cũng đi vào hoạt động là tất yếu và cũng không thể cấm.
Cũng vì lẽ đó mà Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khi trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Hưng Yên, cho biết thời gian tới Bộ GD-ĐT tiếp tục tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Sau đó, Bộ sẽ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý hoạt động dạy thêm (sửa Thông tư số 17).
Thực tế khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT có nhiều Thông tư hướng dẫn về thực hiện chương trình trong đó có Thông tư số 22/2021/TT-BGĐT quy định về đánh giá HS THCS và THPT. Cụ thể, khen thưởng cuối năm học: Khen thưởng danh hiệu "HS xuất sắc" đối với những HS có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn đạt từ 9 trở lên. Khen thưởng danh hiệu "HS Giỏi" đối với những HS có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức tốt (tất cả các môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình từ 6,5 điểm trở lên), trong đó có ít nhất 6 môn đạt từ 8 điểm trở lên.
Tuy vậy, việc đánh gia theo Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT có thể dẫn đến việc HS sẽ học thêm nhiều môn hơn để đạt danh hiệu HS xuất sắc hay giỏi như nói trên. Nếu như trước đây HS học thêm ít nhất 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh nay phải thêm 3 môn nữa mới đủ điều kiện để khen thưởng.
Vậy để chấn chỉnh vấn đề dạy thêm học thêm, thiết nghĩ cần thay đổi từ gốc tức từ chương trình 2018, từ hướng dẫn thực hiện của Bộ GD-ĐT để HS không cần và không phải học thêm. Có như vậy mới triệt tiêu việc dạy thêm học thêm, nếu không tiền học thêm vẫn là gánh nặng tài chính trên vai phụ huynh HS.
Bình luận (0)