Cụ thể, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá các mặt hàng từ kem, sữa, bánh, trái cây… cửa hàng mua vào có 2 lần tăng liên tục, lần đầu tăng sau Tết Nguyên đán, lần thứ hai mới thông báo tăng vào đầu tháng 6. Nếu tính thêm lần tăng giá vào cuối năm ngoái thì tổng cộng 3 lần tăng giá nguyên liệu đầu vào trong vòng hơn 6 tháng lên đến 35 - 40%. Ngay cả giá vận tải hàng, thuê mặt bằng cũng tăng 10 - 20%... Không gồng nổi nên giữa tháng 5, cửa tiệm buộc lòng điều chỉnh tăng giá bán chưa tới 10%.
Cần có giải pháp hạ nhiệt thật nhanh, nhất là giá xăng dầu |
khả hòa |
Hay đến các sản phẩm nằm trong chương trình bình ổn giá của TP.HCM cũng phải tăng giá bán từ giữa tháng 6. Cụ thể như mỗi vỉ trứng gà, vịt tăng thêm 2.000 đồng. Đại diện Công ty CP Vĩnh Thành Đạt (V.Food) cho biết tuy được điều chỉnh tăng, song giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn giá vẫn đang thấp hơn giá thị trường khoảng 10%. Trả lời Thanh Niên, một số DN trong ngành trứng, chế biến thực phẩm tại TP.HCM cho biết, riêng giá nguyên liệu đầu vào đã tăng 30 - 40% trong vòng vài tháng qua, đặc biệt nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh. Không những thế, các DN còn dự báo giá thực phẩm thời gian tới tiếp tục tăng cao do giá thức ăn chăn nuôi tăng, nhiều người chăn nuôi bị thua lỗ, không tái đàn, thiếu nguồn cung khiến giá tăng lên.
Ông Trần Trung Dũng, Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Mutosi, cũng cho biết chi phí đầu vào từ đầu năm đến nay tăng gần 14% bao gồm các linh kiện và vật liệu nhựa, đồng, nhôm... Dự kiến, khi áp dụng tăng lương tối thiểu từ ngày 1.7 thì chi phí sẽ tăng theo. Mutosi đã có một số biện pháp nhằm cân đối chi phí như triển khai chuyển đổi số và tăng cường tự động hóa để tăng năng suất lao động mà chưa cần phải tăng thêm nhân sự quá nhanh… Dù vậy, nếu như giá xăng dầu và các linh kiện không tăng nữa thì DN sẽ đỡ khổ hơn.
Các chuyên gia đều có chung quan điểm rằng hiện nay cả DN lẫn người dân đều đang chịu nhiều khó khăn khi phải vật lộn với cơn bão giá nên cần có giải pháp hạ nhiệt thật nhanh, nhất là giá xăng dầu. Chuyên gia kinh tế Trần Thanh Hải nêu thực tế giá xăng dầu thế giới tăng cao nên nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô cũng tăng hơn so với dự toán. Vì vậy, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể dùng số chênh lệch này đưa vào quỹ bình ổn như một cách để giảm giá xăng dầu. Từ tháng 10.2021, VN xây dựng ngân sách năm nay với dự kiến giá dầu thô xuất khẩu mức 60 USD/thùng. Tuy nhiên, trên thực tế từ quý 4/2021, giá dầu thô xuất khẩu đã tăng lên mức 85 USD/thùng và đầu năm nay VN đã xuất khẩu mặt hàng này với giá 100 USD/thùng. Tính riêng 5 tháng đầu năm nay, số thu từ dầu thô ước tính đạt 29.400 tỉ đồng, vượt 4,4% so với dự toán năm và tăng đến gần 91% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, nhà nước có thể lấy phần thặng dư này để ổn định giá xăng hiện nay.
Từ đó, ông đề nghị: “Nhà nước tính toán có hỗ trợ về lãi suất cho các ngành kinh tế chủ lực để làm “tấm đệm” giảm sốc cho DN, người dân trong cơn bão chi phí đầu vào. Hoặc phải có chính sách trợ giá nhiên liệu cho các ngành vận tải công cộng để đưa nó vào giảm giá vé, giảm giá vận chuyển giúp giảm tác động tiêu cực của bão giá hiện nay. Điều này cũng giúp hỗ trợ cho những người yếu thế trong xã hội”.
Bình luận (0)