Ý kiến này được đưa ra, khi các đại biểu quốc hội nhìn thấy “sự lãng phí” trong việc cấp đổi chứng minh nhân dân mẫu mới vừa được triển khai, với chi phí ước tính cả ngàn tỉ đồng; và nếu luật Căn cước công dân có hiệu lực sẽ tiếp tục phải chi hàng trăm tỉ đồng nữa để cấp thẻ căn cước. Nhưng quan trọng nhất là khi đó sẽ cùng lúc tồn tại 3 loại giấy tờ chứng nhận nhân thân: chứng minh nhân dân (CMND) cũ loại 9 số, loại mới 12 số và thẻ căn cước công dân. Đó là chưa kể chi phí thực hiện cấp mã số cá nhân (hiện chưa rõ thực hiện thế nào) theo đề án tổng thể đơn giản hóa cơ sở dữ liệu quản lý dân cư mà Bộ Tư pháp đang được giao thực hiện.
Việc chuyển đổi từ CMND truyền thống sang cấp thẻ căn cước, sử dụng công nghệ thông tin, tích hợp các dữ liệu nhân thân của công dân là việc làm cần thiết, nếu thực hiện một cách khoa học cũng sẽ không tạo ra xáo trộn lớn. Nhưng vấn đề khiến các đại biểu quốc hội bức xúc là ở chỗ, dường như chúng ta thiếu một tầm nhìn dài hạn cho việc ban hành chính sách. Nếu đã có kế hoạch xây dựng luật Căn cước công dân thì sao còn phải “thí điểm” chuyển đổi CMND mẫu mới cho tốn kém, nhiêu khê - đó là chưa nói đến chuyện lý lẽ phải thay CMND từ 9 số thành 12 số cũng vẫn còn chưa thuyết phục dư luận.
Do những bất cập, khó khăn cho công dân trong quá trình giao dịch dân sự, Ủy ban Quốc phòng - An ninh của QH đã chính thức kiến nghị, trong khi chờ QH xem xét luật Căn cước công dân (dự kiến có hiệu lực từ 1.7.2015) thì nên tạm dừng việc cấp CMND theo công nghệ mới (12 số) để đảm bảo sự thống nhất, ổn định trong quản lý và sử dụng giấy tờ công dân.
Tạm dừng cấp CMND 12 số, hay báo cáo chi phí xã hội phải bỏ ra khi thi hành luật Căn cước công dân đều là những việc cần làm trong bối cảnh này. Nhưng lớn hơn, đây cần được coi là một bài học để QH thay đổi cách nghĩ, cách làm khi ban hành chính sách. Việc phân tích chi phí - lợi ích trước khi ban hành chính sách pháp luật phải trở thành quy định bắt buộc trong quy trình lập pháp và hoạch định chính sách.
Mọi quy định pháp luật đều sinh ra những chi phí khác nhau cho nhà nước, xã hội và công dân. Chính sách về an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ khiến chi phí của nhà sản xuất, người bán hàng và người tiêu dùng đều tăng lên. Do vậy ở hầu hết các nước, cơ quan ban hành chính sách và pháp luật, dù đó là luật hay dưới luật đều phải tiến hành đánh giá chi phí tuân thủ của xã hội để làm sao chi phí đó càng thấp càng tốt. Với chúng ta, trong điều kiện nguồn lực xã hội còn yếu, ngân sách nhà nước cũng chả dư dả gì, việc cân nhắc chi phí - lợi ích của mỗi chính sách ban hành càng cần thiết hơn. Tiêu một đồng của dân cũng cần cho thật thích đáng.
An Nguyên
>> Không nên cấp ‘Căn cước’?
>> Thẻ căn cước sẽ thay hộ khẩu
Bình luận (0)