Một số người trẻ khó kiểm soát chi tiêu
Là tín đồ của mua hàng trực tuyến, Trần Thị Kim Huệ (26 tuổi), ngụ tại 149/27 Đất Thánh, P.6, Q.Tân Bình, TP.HCM cho biết có nhiều lúc không kiểm soát được chi tiêu của mình.
Huệ chia sẻ từ khi kết thúc đời sinh viên chuyển sang đi làm cũng là lúc chi tiêu bắt đầu tăng đáng kể. Nguyên nhân do có nguồn thu nhập nhiều hơn thời đi học và luôn nghiện mua sắm mọi lúc mọi nơi. Là một kế toán, ngồi máy tính mỗi ngày nên khi rảnh rỗi Huệ lại mở những trang mua sắp trực tuyến để xem hàng. Cứ thế, mỗi khi xem là mỗi lần hầu bao của cô nàng giảm đi một chút.
"Là con gái mà cứ thích mua từ quần áo, mỹ phẩm, phụ kiện dù biết mua về có khi không dùng tới. Nhưng hễ thấy rao bán, hấp dẫn và không cần biết nó phù hợp với mình hay không tôi cũng đặt mua ngay, không do dự", Huệ nói.
Huệ nói rằng số tiền mua nhiều hay ít tùy theo cảm hứng của lần đó. Có lúc vài trăm ngàn đồng cũng có lúc lên đến vài triệu đồng. Vì vậy, sau lần nhận lương là chuỗi ngày Huệ không kiểm soát được chi tiêu của mình.
"Thật sự tôi khó kiểm soát được cám dỗ dù tôi vẫn cố dè sẻn chi tiêu nhưng hễ thấy hàng ưng ý là "cơn nghiện" lại tái phát, bắt mình phải mua. Có lẽ trong thời đại bùng nổ này, mọi thứ tự đến với mình như những quảng cáo dù tắt rồi nó lại tìm cách hiện diện ở chỗ khác", Huệ cho hay.
Còn Trần Bảo Trâm (30 tuổi) ngụ chung cư Thủ Thiêm Garden, TP.HCM cho biết trong thời điểm hiện tại với mức lương dưới 15 triệu/tháng vẫn chỉ đủ sống một mình ở thành phố. Từ chi tiêu cá nhân, tiền thuê nhà, khấu hao xe cộ, mua sắm, mỹ phẩm và những buổi gặp gỡ bạn bè đồng nghiệp, đám tiệc là không tránh khỏi. Chưa kể thói quen nghiện trà sữa, đi du lịch thường xuyên cũng làm Trâm tốn khoảng kinh phí lớn trong tháng. Với giới làm việc văn phòng, để có khoản tiết kiệm và kiểm soát được chi tiêu với mức lương ấy là khó với Trâm.
"Với người trẻ bây giờ việc chi tiêu thực sự có phần thoải mái hơn thế hệ trước. Tôi sẵn sàng dành những khoản tiền để tận hưởng cuộc sống cho riêng mình chứ ít khi nghĩ đến tiết kiệm. Thậm chí có khi dành nửa nguồn thu nhập để đi du lịch. Bởi quan điểm chỉ sống một lần đang ngày càng lấn át trong tư tưởng những người trẻ như tôi", Trâm nói.
Làm ít cũng tiết kiệm được
Trong khi đó, Trần Thị Quỳnh Như (32 tuổi) nhân viên ngân hàng Đông Nam Á thì không cho là vậy. Với cô, việc dành bao nhiêu tiền trong thu nhập để tiết kiệm phụ thuộc vào mức độ của mỗi cá nhân. Lương thấp hay cao vẫn có thể tiết kiệm được tiền nếu biết cách lên kế hoạch cụ thể và bản thân phải thực hiện đúng với những gì đề ra.
Đối với Như, để tiết kiệm chi tiêu, càng cụ thể những khoản chi càng tốt, ngoài ra mở thêm các kênh thu nhập khác ngoài nguồn lương mỗi tháng.
Cụ thể hơn Như đã làm bằng cách ở ghép với bạn bè để giảm tiền thuê nhà, tự nấu ăn mang đến chỗ làm và hạn chế ăn uống ở bên ngoài. Bên cạnh đó sẽ tự di chuyển bằng mọi cách để không phụ thuộc vào việc gọi xe bên ngoài. "Không những vậy mình sẽ không sắm sửa những loại xe đắt tiền, chỉ sử dụng xe vừa túi tiền và phù hợp với yêu cầu công việc", Như nói.
Về mặt kiếm thêm thu nhập, Như nói rằng một người trẻ hiện nay không nên chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu. Phải mở rộng từ 2 đến 3 nguồn kiếm tiền mới mong ổn định cuộc sống lâu dài.
"Vừa làm ngân hàng mình bán hàng qua mạng, nhận các việc kế toán về nhà làm vào cuối tuần. Dần dà, các nguồn thu nhập này đã giúp mình có thể tiết kiệm nhiều hơn. Mình sử dụng nguồn lương làm ngân hàng để phục vụ cuộc sống mỗi ngày, khoản còn lại là để dự phòng cho tương lai sau này", Như bày cách.
Cần ghi chép lại chi tiêu mỗi ngày
Chia sẻ với sinh viên tại buổi tọa đàm “Tự lập về tài chính dễ hay khó?" điễn ra giữa năm ngoái (Chương trình do Trung tâm hỗ trợ và phát triển sinh viên Việt Nam - T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam phối hợp với Quỹ Trí tuệ Việt tổ chức), thạc sĩ Đoàn Đức Minh, chuyên gia tư vấn và hoạch định tài chính cá nhân, cho biết: “Trước tiên, các bạn phải viết ra những chi tiêu cần thiết cho việc ăn ở và việc học. Những khoản lớn cần lưu ý là tiền thuê nhà trọ (điện, nước, internet), tiền ăn, tiền xăng xe đi lại, tiền sách vở, các khoản phụ thu cho việc học… Đây là những khoản tiền cần thiết, bắt buộc phải chi để không làm ảnh hưởng, gián đoạn đến việc học. Sau đó, các bạn mới tính đến những khoản khác như giải trí, vui chơi, mua sắm".
Ông Minh nói thêm: “Việc quan trọng kế tiếp là cần ghi chép lại chi tiêu mỗi ngày để có thể tổng hợp, theo dõi chi tiêu có đúng với kế hoạch ban đầu đặt ra hay không và điều chỉnh ngay lập tức nếu có sự thâm hụt. Điều quan trọng nhất trong quản lý tài chính cá nhân là quản lý cảm xúc trong chi tiêu và tuân thủ tính kỷ luật tự đặt ra với bản thân. Điều này nói nghe rất dễ nhưng để thực hiện cần phải cố gắng mỗi ngày”.
Đồng tình với ý kiến của Như là Ung Thị Kim Thoa (24 tuổi) làm nhân viên một công ty gỗ ở Bình Dương. Bởi trước kia Thoa từng rơi vào cảnh túng thiếu khi mới ra trường. Thời điểm đó Thoa chỉ dùng tiền cho việc ăn uống hoàn toàn không vui chơi giải trí, chỉ tập trung đi làm.
Gần đây, Thoa cho biết với công việc hiện tại thu nhập đã trên dưới 10 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, tiền ăn chiếm hết 3 triệu đồng, tiền trọ là 1,8 triệu đồng, sinh hoạt phí hơn 2 triệu đồng, đi lại gần 1 triệu đồng và mua sắm 500.000 đồng. như vậy, tính ra Thoa cũng tiết kiệm từ 1 đến 2 triệu đồng/tháng.
Nhưng để tiết kiệm được như vậy thì với Thoa là một sự cố gắng rất lớn của bản thân. Thoa luôn tránh xa cám dỗ ở các cửa hàng thời trang, mỹ phẩm hoặc những nơi hàng quán sang trọng. "Dù làm tiền nhiều hay tiền ít thì vẫn có thể tiết kiệm được tiền bằng cách vạch ra kế hoạch chi tiêu hợp lý, khoảng chi cụ thể. Do đó, tôi tiết kiệm tối đa. Khi muốn mua một món đồ cần suy nghĩ, đắn đo với nó xem có cần hay không để chi tiêu cho hợp lý", Thoa chia sẻ.
Bình luận (0)