Chỉ sử dụng hoóc môn, có được công nhận chuyển giới?

27/11/2015 20:13 GMT+7

Sau niềm vui ngất ngây khi được luật pháp công nhận quyền chuyển đổi giới tính, cộng đồng người chuyển giới cũng có những tâm tư và thắc mắc.

Sau niềm vui ngất ngây khi được luật pháp công nhận quyền chuyển đổi giới tính, cộng đồng người chuyển giới cũng có những tâm tư và thắc mắc.

Từ trái sang: Trần An Vi, Hải Minh, Alex Trương - những người chuyển giới công khai tại TP.HCM chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình vào chiều 27.11.2015 - Ảnh: Như LịchTừ trái sang: Trần An Vi, Hải Minh, Alex Trương - những người chuyển giới công khai tại TP.HCM chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của mình vào chiều 27.11.2015 - Ảnh: Như Lịch
Chiều 27.11, tại TP.HCM, Trung tâm ICS - Tổ chức của những người người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Việt Nam - đã có buổi chia sẻ về những thắc mắc liên quan đến điều 37 Bộ luật Dân sự (sửa đổi) đề cập đến quyền của người chuyển giới
Điều 37 quy định như sau: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”
Luật sư Nguyễn Trung Trực (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam) nêu một loạt vấn đề: “Theo điều 36 của Bộ luật Dân sự mới, việc xác định lại giới tính đều phải thông qua phẫu thuật. Nhưng phẫu thuật một phần hay toàn bộ mới được công nhận? Mặt khác, luật lại chưa có định nghĩa thế nào là chuyển đổi giới tính? Chưa có quy định hành vi nào bị cấm chuyển đổi giới tính? Những thủ tục tiến hành, cơ quan nào được phép thực hiện? Trách nhiệm thẩm quyền giải quyết đăng ký hộ tịch cho người chuyển giới…?”.
Trần An Vi - thợ may, một người chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ, tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đã muốn mình được trở thành con gái. Tôi thường xuyên mua thuốc ngừa thai uống, sau đó từ năm 19 tuổi, tôi bắt đầu tiêm hoóc môn. Hơn 1 năm nay, tôi mới dành dụm để làm ngực. Với tôi, chuyển đổi giới tính cần được hiểu là tôi mang tâm tính của người con gái là đã đủ chứ không cần đến giải phẫu gì cả”.
An Vi cho biết, điều cô mong mỏi nhất khi luật mới có hiệu lực chính là được hợp pháp sửa đổi cái tên của mình, từ Trần Anh Vũ trở thành Trần An Vi!
Trong khi đó, Alex Trương - một người chuyển đổi giới tính từ nữ sang nam, nêu tâm tư: “Chúng tôi mong rằng pháp luật có những quy định thoáng hơn nữa trong việc công nhận quyền chuyển giới. Vì trên thực tế có những người không có điều kiện về tài chính hoặc sức khỏe để thực hiện những cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính”.
Hải Minh - người chuyển giới từ nữ sang nam, kiến nghị: “Luật cũng cần có những quy định tác động đến nhận thức của mọi người, nhất là trong gia đình, môi trường công sở và trường học. Tôi thấy rằng có những người cứ lôi giới tính cũ của người khác ra để trêu ghẹo, kỳ thị…”.
Luật sư Trực lưu ý thêm: “Chuyển đổi giới tính là cả một quá trình dài, trong đó cần cả việc tư vấn tâm lý và tiêm hoóc môn trước khi giải phẫu. Như vậy, phải chờ đến ngày 1.1.2017 - khi Bộ luật Dân sự sửa đổi có hiệu lực - thì mới được tiến hành những bước này hay từ bây giờ đã được thực hiện?”.
Luật sư Trực, Trung tâm ICS và cộng đồng người chuyển giới tại TP.HCM đều có chung nguyện vọng: Các bộ ngành liên quan cần sớm đưa ra những quy định hướng dẫn chi tiết để góp phần tháo gỡ những thắc mắc như trên.
Theo ước tính của Trung tâm ICS, Việt Nam hiện có khoảng 300.000 người chuyển giới.
86,6% muốn được đổi tên mà không bắt buộc trải qua phẫu thuật
Kết quả khảo sát về nhu cầu pháp lý của người chuyển giới do Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện vào tháng 9.2014 cho thấy: Có 78,1% người chuyển giới mong muốn phẫu thuật chuyển giới; 11,1% đã phẫu thuật ít nhất một bộ phận trên cơ thể (ngực, cơ quan sinh dục hoặc cả hai). Trong đó, 100% các ca phẫu thuật liên quan đến bộ phận sinh dục (23 ca) được thực hiện ở nước ngoài như Thái Lan và Hàn Quốc; 83,3% các ca phẫu thuật liên quan tới ngực (cấy hoặc cắt bỏ) được thực hiện ở Việt Nam.
Cũng theo khảo sát trên, có 80,3% người chuyển giới không hài lòng với tên khai sinh của mình; 69,3% gặp khó khăn với việc sử dụng tên gọi đó. Có tới 86,3% người chuyển giới muốn được thay đổi tên gọi trên giấy tờ; 86,5% nghĩ rằng mình cần được đổi tên mà không bắt buộc phải trải qua phẫu thuật thay đổi giới tính.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.