Cần cải thiện hạ tầng giao thông
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, tăng mức phạt tiền chỉ là một trong những giải pháp hữu hiệu, chứ không phải là tất cả, để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông, từ đó giảm thiểu tai nạn giao thông. Cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác, trong đó cần chú trọng cải thiện hạ tầng giao thông.
Hạ tầng giao thông mà bà Nga nói bao gồm đường sá, hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, vạch kẻ đường… Đường sá phải đảm bảo chất lượng, biển báo phải rõ ràng, đèn tín hiệu phải chính xác… để tạo nền tảng cho người dân có điều kiện chấp hành giao thông. Đồng thời, lực lượng chức năng ngoài việc xử phạt nghiêm minh cũng cần quan tâm đến việc hướng dẫn, tuyên truyền, giáo dục để người dân hiểu và chấp hành quy định pháp luật. Đây là giải pháp bền vững, giúp thay đổi về "chất".
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cũng nhận định, trách nhiệm của người dân là chấp hành nghiêm quy định pháp luật, còn trách nhiệm của Nhà nước là tạo ra hành lang pháp lý chuẩn chỉnh, minh bạch để người dân dựa vào đó mà chấp hành. "Bắt lỗi sai làn nhưng vạch kẻ đường không rõ, rồi biển báo thì bị che khuất hoặc nội dung không rõ ràng, như vậy là không ổn", ông Thanh nêu, và kiến nghị ngành công an, ngành GTVT cần có sự phối hợp, rà soát để khắc phục.
Hà Nội, TP.HCM căng thẳng vì kẹt xe
Đại diện C08 cho biết cơ quan này đã chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc rà soát tuyến nội đô, các ngã tư lớn, các tuyến phức tạp về an toàn giao thông để tập trung xử lý nghiêm vi phạm. CSGT sẽ ưu tiên sử dụng hệ thống giám sát, camera cầm tay, đeo trên người của cán bộ, chiến sĩ để ghi hình, tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý người vi phạm.
Giải bài toán quá tải xe vi phạm
Một vấn đề khác được đặt ra là tình trạng quá tải phương tiện bị tạm giữ. Với mức phạt như hiện hành, rất nhiều tài xế chấp nhận bỏ xe thay vì nộp phạt, số lượng phương tiện tại các bãi tạm giữ không có người đến nhận ngày càng chồng chất. Tới đây, Nghị định 168/2024 quy định hàng loạt mức phạt cao hơn, tình trạng này sẽ giải quyết thế nào ?
Theo Bộ Công an, việc người vi phạm bỏ phương tiện, không đến xử lý gây ra lãng phí về tài sản, thất thoát nguồn thu. Trong khi đó, quy trình tịch thu, thanh lý phương tiện lại phức tạp, nhiều văn bản có quy định không thống nhất, cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị sửa đổi thủ tục thanh lý xe vi phạm theo hướng đơn giản hơn, nhằm giải quyết số lượng xe tồn đọng đang ngày càng tăng, nhất là bối cảnh các mức phạt tiền tăng cao tới đây. "Họ vi phạm, bây giờ lại không chịu đến giải quyết, thì phải xử lý dứt điểm. Phương tiện cứ nằm mãi đó, vừa lãng phí do hao mòn, hư hỏng, vừa phải tốn chi phí để quản lý, bảo quản", ông Thanh nói.
TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, đề xuất chỉ nên tạm giữ phương tiện trong những trường hợp thật sự cần thiết (tai nạn, có dấu hiệu tội phạm…). Để đảm bảo nghĩa vụ tài chính của người vi phạm, cơ quan chức năng có thể nghiên cứu giải pháp quản lý theo mã số định danh cá nhân, đồng thời tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đối với địa điểm được giao quản lý phương tiện bị tạm giữ…
Bình luận (0)