Hôm qua 8.1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết Chỉ thị 11 năm 2017 của Thành ủy TP.HCM về tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị trên địa bàn. Chỉ thị 11 thể hiện tinh thần quyết liệt của Thành ủy TP.HCM với yêu cầu “đường thông, hè thoáng”..., sau khi UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 22 vào năm 2016 với yêu cầu quận, huyện phải có trách nhiệm “dẹp loạn” vỉa hè, lòng đường.
Có bao che, bảo kê?
Khi triển khai chỉ thị, trong nhiều cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong từng nhiều lần khẳng định sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu quản lý địa bàn nếu xác định có dấu hiệu buông lỏng quản lý vỉa hè, lòng đường.
Tuy nhiên, tại hội nghị, theo báo cáo của ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP.HCM, tình hình sử dụng lòng đường, vỉa hè đã có chuyển biến nhất định nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Các quận, huyện tuy có xác định tuyến đường trọng điểm nhưng chưa có phương án, giải pháp cụ thể cho từng tuyến đường, khu vực. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng chức năng thực hiện theo ngày, giờ hành chính nên ngày nghỉ hoặc ngoài giờ hành chính, ban đêm, tình trạng lấn chiếm vỉa hè hoạt động trở lại.
|
Đề cập đến nguyên nhân chủ quan, ông Nguyễn Ngọc Tường đánh giá chưa có sự thống nhất trong nhận thức và hành động trong tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức địa phương; nhiều quận, huyện không có đề án, phương án về quản lý, sử dụng lòng lề đường, vỉa hè; vai trò giám sát của một số đơn vị được phân công chưa cao; chưa có trường hợp kiểm điểm, xử lý trách nhiệm người đứng đầu nào ở các địa phương còn để tình trạng lấn chiếm; xử lý vi phạm chưa kiên quyết, “dễ làm, khó bỏ” nhất là ở cấp phường, xã, gây tâm lý so sánh của người dân hoặc tạo sự nghi ngờ có bao che, bảo kê...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong tiếp tục yêu cầu các quận, huyện phải thực hiện chỉ thị của Thành ủy, UBND TP một cách nghiêm túc, có kết quả, bởi “lấn chiếm vỉa hè là điều không thể chấp nhận, địa phương phải xử lý nghiêm, để trừ khoảng trống cho người đi bộ”.
Chuyển biến chỉ trên... báo cáo
Chiều cùng ngày, PV Thanh Niên ghi nhận thực trạng vỉa hè, lòng đường ở một số địa bàn trọng điểm, có mật độ phương tiện và người tham gia giao thông đông đúc. Theo đó, sự chuyển biến dường như chỉ trên... báo cáo.
Cụ thể, 2 bên phố đi bộ Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1), cách nơi tổ chức hội nghị chỉ vài bước chân, xe ô tô đậu hàng dài, tràn ra lòng đường. Dù có bảng cấm dừng, cấm đậu ô tô nhưng nhiều tài xế bật xi nhan rồi ung dung ngồi trong xe bấm điện thoại. Các tuyến đường gần đó như Lý Tự Trọng, Mạc Thị Bưởi, Thi Sách, Nguyễn Du... cũng không khá hơn, xe máy phải luồn lách giữa các ô tô đậu “chình ình” trên đường. Trên đường Nguyễn Siêu, Thái Văn Lung, xe máy đậu kín vỉa hè và tràn xuống lòng đường khiến người đi bộ không còn lối đi.
|
Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên về trách nhiệm người đứng đầu để tái diễn lấn chiếm vỉa hè, ông Lưu Trung Hòa, Phó chủ tịch UBND Q.1, nói: “Hiện nay anh em phường vẫn làm, chỉ trường hợp vị trí nào vi phạm mà không xử lý thì lúc đó mình sẽ xác định trách nhiệm”.
Tại Q.5, khu vực cổng các bệnh viện lớn như Phạm Ngọc Thạch, Chợ Rẫy, Hùng Vương đều buôn bán bát nháo. Kẻ bán người mua tấp nập, thậm chí nhiều hàng quán còn căng mái che bày biện bàn ghế ngay trên vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường. Giải thích chuyện vỉa hè bị chiếm dụng tràn lan, lãnh đạo UBND P.12 (Q.5), cho rằng phường chỉ có 4 nhân sự cho công tác trật tự đô thị, trong khi địa bàn phường có 6 bệnh viện, 6 trường học, 2 trung tâm thương mại và 1 chợ phụ tùng.
“Phường cũng huy động thêm bảo vệ dân phố, dân quân và công an phường nhưng vỉa hè chỉ thông thoáng khi có lực lượng chốt chặn, còn không thì đâu lại vào đấy”, ông Phạm Nguyễn Hải Âu, Phó chủ tịch UBND P.2 nói.
Trong khi đó, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Q.5, cho biết: “Một trong những giải pháp chấn chỉnh vỉa hè mà Q.5 sẽ làm trong năm 2020 là luân chuyển cán bộ trật tự đô thị giữa các phường với nhau nhằm hạn chế tiêu cực”.
Nan giải dẹp xe dù bến cóc?Tại hội nghị, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Q.5, cho biết trên địa bàn quận có 98 điểm kinh doanh dịch vụ và hàng hóa, hầu hết các điểm đều vi phạm nhưng nhiều năm qua không dẹp được. Các đơn vị vi phạm “lách” bằng hợp đồng chở khách du lịch nhưng thực tế đây là tuyến cố định. Chủ cơ sở dùng trụ sở đăng ký kinh doanh hoặc chi nhánh làm điểm đón trả khách sai quy định. Chưa kể, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện cơ sở không có sổ sách kế toán theo quy định nên có khả năng trốn thuế rất lớn.
Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT, cho biết tình trạng xe dù bến cóc đón trả khách tại trụ sở, chi nhánh, cây xăng và các điểm tự phát ảnh hưởng đến trật tự giao thông trên các tuyến đường. Về giải pháp, ông Lâm cho biết đã thiết lập hệ thống biển báo cấm dừng đỗ trên đường để xử lý nhưng vẫn chưa triệt để. Về chế tài xử phạt, ông Lâm cho biết Nghị định 100/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt rất thuận lợi cho việc phạt nguội. Sắp tới, thanh tra giao thông cũng trình xin mua thêm một số thiết bị để tuần tra, xử phạt để gửi thông tin cho Cục Đăng kiểm VN, nếu không nộp phạt sẽ không được đăng kiểm.
Qua báo cáo số vụ tai nạn giao thông và số người chết, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nói: “Tôi có cảm giác tình trạng trật tự an toàn giao thông làm lòng người bất an. Thời gian qua, chúng ta làm nhiều nhưng chẳng được bao nhiêu. Nỗ lực lớn nhưng chưa theo kịp sự phát triển của xã hội”. Ông Hoan đề nghị các quận, huyện “nói ít làm nhiều”.
Năm 2019, TP.HCM xảy ra 3.427 vụ tai nạn giao thông khiến 641 người chết và 2.406 người bị thương. Theo ông Nguyễn Thành Phong, dù được kéo giảm nhưng tai nạn giao thông vẫn ở mức cao. Đề cập đến 8 nhóm nhiệm vụ, ông Phong yêu cầu Ban ATGT cần tham mưu về việc hơn 140.000 cán bộ, công chức, viên chức TP ký cam kết đã sử dụng rượu bia thì không được lái xe.
|
Bình luận (0)