Chi tiền tỉ mua quà tặng đại hội Đảng là chưa tiết kiệm

14/10/2020 17:28 GMT+7

Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn việc một số địa phương chi tiền tỉ mua cặp da đựng tài liệu, may trang phục, mua sắm quà tặng cho đại biểu và cho rằng, việc này là chưa tiết kiệm.

Trình bày dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi tới kỳ họp 10 Quốc hội khóa 14 tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14.10, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hầu A Lềnh cho hay, về công tác phòng, chống dịch Covid-19, cử tri và nhân dân đánh giá cao việc các cơ quan Đảng, Nhà nước đã kịp thời ban hành nhiều kết luận, nghị quyết, chỉ thị và chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện “mục tiêu kép” là vừa quyết liệt phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tập trung phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân phản ánh việc thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho các nhóm đối tượng bị tác động của dịch Covid-19 thời gian qua còn chậm, ở một số nơi còn thiếu sót và trùng đối tượng thụ hưởng; việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh, doanh nghiệp, người lao động còn bất cập; nhiều doanh nghiệp, người dân chưa tiếp cận được gói hỗ trợ; còn tình trạng một số đối tượng nhập cảnh trái phép tạo nguy cơ lây lan, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.

Cử tri bức xúc vì có dấu hiệu lợi ích nhóm trong giá sách giáo khoa

Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ông Lềnh cho biết, cử tri và nhân dân đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp đã chung sức, đồng lòng cùng người dân và doanh nghiệp khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế trong nước vẫn duy trì mức tăng trưởng dương, thặng dư thương mại đạt mức cao, lạm phát được kiểm soát.
Về giáo dục - đào tạo, theo ông Lềnh, cử tri và nhân dân ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. Các biện pháp phòng, chống dịch trong trường học được chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Lễ khai giảng năm học mới được tổ chức phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương, cơ sở giáo dục.
Tuy nhiên, theo tổng hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cử tri và nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa tăng cao so với năm học trước, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”; thiếu hướng dẫn và thông tin chưa rõ ràng việc sử dụng sách giáo khoa trong các nhà trường; việc lạm thu đầu năm học vẫn tồn tại.
Bên cạnh đó, cử tri, nhân dân lo lắng trước tình trạng bạo lực học đường còn xảy ra ở một số nơi, cần có giải pháp hiệu quả, kịp thời để ngăn chặn.

Liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện còn nhiều "lỗ hổng"

Về y tế và bảo đảm an toàn thực phẩm, ông Lềnh cho hay, cử tri bức xúc về các hành vi nâng giá thiết bị phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng chủ trương xã hội hóa để nâng khống giá thiết bị, vật tư y tế, nâng giá dịch vụ khám, chữa bệnh của một số cơ sở y tế công nhằm "trục lợi".
Việc liên doanh, liên kết xã hội hóa tại các bệnh viện công chưa có cơ chế quản lý chặt chẽ, còn nhiều “lỗ hổng”, dẫn đến việc câu kết, lợi dụng trong mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế khi thực hiện đề án xã hội hóa phục vụ khám, điều trị bệnh cho nhân dân.
Báo cáo của Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn chứng, Công ty Công nghệ Y tế BMS có hệ thống robot được nhập khẩu có giá trị 7,4 tỉ đồng (gồm VAT). Tuy nhiên, một số đối tượng đã câu kết nâng khống lên 39 tỉ đồng, hợp thức bằng chứng thư thẩm định giá không có giá trị pháp lý.
Giá hệ thống robot là 7,4 tỉ đồng, chi phí khấu hao máy cho mỗi ca bệnh là 4 triệu đồng, nhưng với giá được khai thì người bệnh phải chi trả 23 triệu đồng/ca, chênh lệch 18 triệu đồng.
Từ năm 2017 - 2019 có hơn 500 ca bệnh sử dụng thiết bị này, số tiền chênh lệch hưởng lợi chiếm đoạt của người bệnh là 10 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, ông Lềnh cho biết, cử tri và nhân dân còn lo lắng về chất lượng của một số loại thuốc chữa bệnh; phí dịch vụ y tế tăng nhưng chất lượng khám, chữa bệnh chưa tương xứng ở một số nơi; cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên y tế còn nhiều khó khăn; còn tình trạng quá tải ở một số bệnh viện lớn.

Thực hiện tiết kiệm chi tiêu công vẫn chưa đạt hiệu quả tích cực

Về xây dựng Đảng và Nhà nước, ông Lềnh cho biết, cử tri và nhân dân rất quan tâm theo dõi quá trình tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Cử tri tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ và đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm, các cơ quan chức năng đã xử lý nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp gây bức xúc trong xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Lềnh, ý kiến cử tri cũng cho rằng, công cuộc đấu tranh chống tham nhũng còn nhiều khó khăn, còn tình trạng đối tượng phạm tội tham nhũng tẩu tán tài sản, bỏ trốn, tham nhũng vặt, nhũng nhiễu trong giải quyết các thủ tục hành chính vẫn tồn tại; việc thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu công vẫn chưa đạt hiệu quả tích cực.
Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dẫn chứng các vụ việc: H.Phước Sơn (tỉnh Quảng Nam) chi 14 tỉ đồng ngân sách để xây tượng đài 3 năm chưa hoàn thành mặc dù đây là một trong 56 huyện nghèo nhất cả nước; việc 3 công trình y tế công tại Bình Dương nhưng đến nay chưa đưa vào sử dụng, bỏ hoang gây lãng phí...
Báo cáo cũng dẫn lại việc một số địa phương chi tiền tỉ mua cặp da đựng tài liệu, may trang phục, mua sắm quà tặng cho khách mời và đại biểu dự đại hội đảng bộ… để minh chứng cho việc thực hiện tiết kiệm trong chi tiêu công vẫn chưa đạt hiệu quả tích cực.
Báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp 10 của Quốc hội khóa 14 vào 20.10 tới đây sau khi tiếp thu góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.