Quán karaoke FYou nằm trên mặt tiền đường 3 tháng 2 (P.12, Q.10, TP.HCM) có 30 phòng hát, suốt 6 tháng qua đã không được đón khách, dù chủ quán đã bỏ thêm gần 6 tỉ đồng để sửa chữa.
Quán đã dỡ toàn bộ đồ trang trí dễ cháy nổ, bố trí lối thoát nạn, đóng kín buồng thang, thông gió hành lang nhưng đến nay vẫn chưa được nghiệm thu.
Chi tiền tỉ sửa chữa nhưng chưa được mở cửa, chủ quán karaoke TP.HCM 'kêu cứu'
Theo lời ông Vũ Quang (chủ hệ thống karaoke Fyou), đơn vị phòng cháy chữa cháy đã xuống kiểm tra và không yêu cầu làm thêm bất cứ hạng mục gì, tuy nhiên quán vẫn chưa được mở để chờ ý kiến của lãnh đạo thành phố và các ban ngành khác.
Chuỗi karaoke của ông Quang có 4 địa điểm nhưng đã phải đóng cửa 2 chi nhánh, còn lại chuyển mô hình để hoạt động cầm chừng.
"Mặt bằng hàng tháng mỗi cơ sở 200-300 triệu, cơ sở nhỏ cũng 200 triệu, cơ sở lớn cũng trên 300 triệu, nên không thể chờ đợi thêm được nữa về phòng cháy chữa cháy đành phải nghỉ và chuyển sang mô hình kinh doanh khác để giữ mặt bằng hoặc không phải trả lại mặt bằng cho chủ nhà chứ không còn tiền trả nữa", Chủ hệ thống Karaoke Fyou TP.HCM nói.
Đường Sư Vạn Hạnh (P.12, Q.10) được mệnh danh là phố karaoke ở TP.HCM khi trước đây có hàng chục quán karaoke trên con đường này. Tuy nhiên, nhiều ngày qua, nhiều quán karaoke trên đường này đã dỡ hết bảng hiệu, đóng cửa, trả mặt bằng vì không được đón khách, dù trước đó đã bỏ từ vài tỉ đến vài chục tỉ để để đầu tư trang thiết bị, phòng hát.
Sáng 17.2.2023, đi dọc con đường Sư Vạn Hạnh gần như đã không còn thấy bóng hình của các quán karaoke ngày xưa.
Ông Trần Thái Sơn, giám đốc điều hành hệ thống karaoke Icool có gần 18 chi nhánh tại TP.HCM cũng trong tình cảnh tương tự khi đã bỏ ra số tiền không nhỏ để sửa chữa chuỗi quán karaoke nhưng vẫn không được chính thức mở cửa đón khách.
Kể từ sau đợt đóng cửa phòng dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, chuỗi này tiếp tục phải dừng hoạt động vì yêu cầu phòng cháy chữa cháy từ giữa năm 2022.
Ghi nhận tại chi nhánh karaoke Icool Thành Thái (Q.10), bụi phủ kín mặt tiền, quán vẫn đóng cửa im lìm do chưa được nghiệm thu sau sửa chữa. Trước đây, đây từng là địa chỉ được nhiều người lựa chọn để ca hát.
Cầu thang thoát hiểm lớn được lắp đặt ngay phía ngoài mặt tiền, quán cũng tháo dỡ nhiều hạng mục trang trí dễ gây cháy nổ bên trong phòng hát, đồng thời lắp cửa chống cháy mới, đóng kín buồng thang… với chi phí hàng tỉ đồng.
"Sau khi chúng tôi đã thực hiện được những yêu cầu chung đó thì chúng tôi vẫn chưa được các cơ quan chức năng hỗ trợ thẩm định, xét duyệt trong việc hoạt động bình thường trở lại", ông Sơn chia sẻ.
Trên Zalo, hàng trăm chủ doanh nghiệp karaoke tại TP.HCM cũng đã lập nhóm, tập hợp đơn thư kêu cứu để gửi các cơ quan chức năng vì đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, phá sản do không được hoạt động trong thời gian dài.
"Cơ quan chức năng không cho hoạt động, mà muốn xóa sổ ngành karaoke thì cũng thông báo cho chúng tôi biết để chúng tôi có biện pháp để giải quyết, không thì càng ngày càng lún sâu vào nợ nần và phá sản thôi", ông Quang giãi bày.
Bình luận (0)