Tình tiết phải dẫn đến hành vi phạm tội
Liên quan việc không đưa tình tiết Nguyễn Tấn Lương (38 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa, Đồng Nai) gọi điện cho bà Nguyễn Thị Hồng, vợ nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai để trấn áp tinh thần Cảnh sát 113 vào cáo trạng vụ Giang '36' vây nhốt xe chở công an, gây rối trật tự, luật sư (LS) Trần Cao Đại Kỳ Quân (Giảng viên thỉnh giảng Học Viện Tư pháp - Bộ Tư pháp) cho rằng trường hợp kết luận điều tra (KLĐT) mô tả diễn biến sự việc có liên quan đến bà Nguyễn Thị Hồng nhưng chưa xác định người này có hành vi vi phạm pháp luật thì cáo trạng không trích dẫn, mô tả chi tiết vụ việc liên quan đến bà Hồng là không vi phạm tố tụng.
“Thường thì cáo trạng phải nêu tóm tắt nội dung vụ án và xác định hành vi vi phạm pháp luật của các bị can, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong vụ việc này, KLĐT cũng chưa xác định hành vi của bà Hồng là vi phạm pháp luật nên cáo trạng không nhắc lại chi tiết có liên quan đến người này không có gì vi phạm tố tụng”, LS Quân nhận định.
Cũng theo LS Quân: “Trong trường hợp KLĐT xác định bà Hồng có hành vi vi phạm pháp luật, có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhưng cáo trạng không đề cập, không đánh giá thì mới vi phạm ”.
Tương tự, LS Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam, phân tích theo điều 243 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (quyết định truy tố bị can) quy định, nội dung bản cáo trạng phải phản ánh cụ thể diễn biến hành vi phạm tội của bị can (ngày, giờ, tháng, năm; địa điểm; thủ đoạn; động cơ, mục đích; tính chất mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra...); phân tích, đánh giá tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ và tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án…
|
Theo thông tin từ KLĐT thì Nguyễn Tấn Lương thực hiện hành vi gọi cho bà Nguyễn Thị Hồng, trong khi Cảnh sát 113 đang giải quyết vụ việc gây rối trật tự công cộng nhằm tạo áp lực cho lực lượng công an giải quyết vụ việc.
“Nếu việc gọi điện này có phản ánh cụ thể diễn biến hành vi phạm tội của bị can thì phải được ghi rõ tại bản cáo trạng. Cần xác định tình tiết này có ý nghĩa như thế nào đối với vụ án hay không?. Có phải là điều kiện để dẫn đến hành vi phạm tội hay không? Nếu là hành vi dẫn đến tội phạm thì phải ghi rõ trong cáo trạng, không ghi là vi phạm tố tụng”, LS Nguyễn Văn Hậu phân tích.
Gọi điện chủ yếu để... 'khoe mẽ'
Trong khi đó, trao đổi thêm với PV Thanh Niên, kiểm sát viên Trần Xuân Thìn (Viện KSND TP.Biên Hòa), người đại diện giữ quyền công tố tại phiên toà sơ thẩm xét xử Nguyễn Tấn Lương cùng đồng phạm, cho hay: “Trong KLĐT có tình tiết Lương gọi điện thoại cho bà Hồng và mở loa lên cho Cảnh sát 113 nghe nhằm mục đích trấn áp tinh thần lực lượng giải quyết vụ gây rối nhưng chủ yếu là… khoe mẽ".
"Những lời khai của những người này (được Lương gọi điện thoại - PV) thể hiện họ không có can thiệp, hỗ trợ, giúp sức cho Nguyễn Tấn Lương về hành vi phạm tội. Cho nên những người này không có liên quan đến hành vi phạm tội của Lương và không cần đưa vào cáo trạng. Cáo trạng chỉ cần tập trung vào hành vi phạm tội, tình tiết để định tội”, kiểm sát viên Trần Xuân Thìn cho biết thêm.
Cũng theo ông Thìn, ngay từ lúc đầu điều tra vụ án, khi có tình tiết này, Viện KSND TP.Biên Hòa cũng đã yêu cầu CQĐT làm rõ.
Theo đại diện Viện KSND TP.Biên Hòa, mặc dù vụ án “gây rối trật tự công cộng” đã được xét xử sơ thẩm nhưng Viện KSND cũng đã yêu cầu CQĐT tiếp tục điều tra, truy bắt những người tham gia vụ gây rối để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với việc gây thương tích cho ông Lê Trường Vũ Hải (ngụ Đắk Lắk) 7% thì tách ra để điều tra, xử lý.
|
Bình luận (0)