Chỉ trên 3 - 4 điểm/môn là... đỗ đại học

12/08/2019 08:13 GMT+7

Năm nay, một số trường ĐH xác định điểm chuẩn nhiều ngành chỉ 13 điểm bằng phương thức xét tuyển điểm thi THPT quốc gia . Thậm chí có trường ở mức điểm này mà vẫn không có thí sinh theo học.

Mức điểm này là tổng điểm 3 môn (đã gồm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực). Vì vậy, với thí sinh (TS) không được hưởng ưu tiên, trung bình mỗi môn chỉ cần trên 4,3 điểm và với TS được hưởng ưu tiên tối đa 2,75 thì chỉ cần đạt trên 3,4 điểm mỗi môn đã trúng tuyển.

Hầu hết là trường đại học địa phương

Cụ thể, theo công bố của Trường ĐH Xây dựng Miền Trung, đợt 1 xét tuyển theo kết quả thi THPT quốc gia năm 2019 trường có 223 TS trúng tuyển. Điểm chuẩn được trường xác định cho 12 ngành đào tạo của trường đều ở mức 13.
Trường ĐH Quảng Nam cũng lấy 13 điểm bằng kết quả thi và 15 điểm xét học bạ cho các ngành: vật lý, công nghệ thông tin, bảo vệ thực vật, văn học, ngôn ngữ Anh, Việt Nam học, lịch sử.
Ngay tại Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Huế) cũng có tới hơn 10 ngành điểm chuẩn chỉ ở mức 13, một số ngành khác ở mức 13,5 điểm. Trường ĐH Khoa học (ĐH Huế) cũng có nhiều ngành ở mức 13; 13,25; 13,5…
Một số đơn vị thành viên thuộc ĐH Thái Nguyên cũng có nhiều ngành điểm chuẩn ở mức 13 - 13,5.
Trước đó, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Thanh Niên về ngưỡng điểm sàn được coi là thấp, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng đề thi đáp ứng tiêu chí 60% là kiến thức cơ bản để xét tốt nghiệp phổ thông và phân tích phổ điểm cho thấy đề có độ phân hóa tốt.
Theo Bộ GD-ĐT, kết quả phân tích dữ liệu điểm thi 2019 cho thấy số TS đạt ngưỡng 13 điểm năm nay tương đương với ngưỡng 12 điểm của năm 2018. Do vậy, nếu căn cứ vào tỷ lệ TS đạt từng ngưỡng điểm thì trường nào xác định điểm sàn 13 chỉ tương đương với mức 12 điểm của năm ngoái.

Nhiều ngành không có thí sinh

Ở nhiều trường địa phương có tình trạng nhiều ngành không có đủ người học. Trường ĐH Phạm Văn Đồng để trống điểm chuẩn của 2 ngành bậc ĐH sư phạm tin học và sư phạm vật lý. 7 ngành bậc CĐ đào tạo giáo viên và 7 ngành CĐ đào tạo kinh tế kỹ thuật của trường này cũng không có điểm chuẩn dù đề án tuyển sinh trước đó có chỉ tiêu từng ngành. Tổng chỉ tiêu năm nay của trường hơn 1.200 nhưng số TS trúng tuyển bằng điểm thi ở đợt 1 mới chỉ 77 TS.

Trường ĐH Đồng Nai có điểm chuẩn nhiều ngành được nâng lên để thí sinh không thể trúng tuyển

Ảnh: Chụp màn hình

Tình trạng trên cũng xảy ra với Trường ĐH Phú Yên khi đến nay mới chỉ có 76 TS trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi. Nhiều ngành sư phạm bậc ĐH chỉ 1 - 2 TS trúng tuyển như: sư phạm lịch sử, sư phạm toán, sư phạm tiếng Anh. Thậm chí có những ngành không có TS như: sư phạm tin học, sư phạm hóa học, sư phạm sinh học, sư phạm ngữ văn…
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, cho biết những ngành không có điểm chuẩn là ngành không có TS trúng tuyển chính thức. Dù trước đó các ngành này vẫn có TS nộp hồ sơ nhưng trường thấy khả năng mở lớp không cao nên đã liên lạc trước với TS để chuyển nguyện vọng.
“Trường không chọn cách nâng điểm chuẩn lên cao để đánh rớt TS. Các ngành còn lại, sắp tới sau khi tuyển bổ sung và học bạ mà vẫn không đủ mở lớp trường sẽ vận động TS chuyển ngành. Như năm trước, ngành sư phạm vật lý của trường có 5 người trúng tuyển, không mở được lớp nên trường cho 4 TS chuyển ngành khác và 1 TS được giới thiệu chuyển qua ngành sư phạm vật lý của Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng)”, ông Vũ cho hay.
Hai ngành chăn nuôi và bảo vệ thực vật của Trường ĐH Bạc Liêu có cùng mức điểm chuẩn với các ngành khác bậc ĐH là 14 nhưng ông Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng phòng Đào tạo trường này, cho biết dù điểm sàn 2 ngành này là 12 nhưng trường vẫn xác định điểm chuẩn 14 để đảm bảo chất lượng. Số TS trúng tuyển đợt 1 hiện chưa tới 10 người và trường vẫn đang hy vọng vào đợt xét tuyển bổ sung.
Trường ĐH Đồng Nai có điểm chuẩn nhiều ngành được nâng lên để TS không thể trúng tuyển.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.