Chị ngồi thẫn thờ trước con heo đất chỉ có lèo tèo vài ba tờ tiền mệnh giá thấp.
Minh họa: Văn Nguyễn |
Đứa con gái lên mười cứ loay hoay xếp xếp đếm đếm, miệng không ngừng thắc mắc “Sao kỳ vậy mẹ, sao lạ vầy nè…”. Ôm con vào lòng, chị rơi nước mắt vì xa xót. Thật sự chị chẳng biết phải giải thích với con sao trước việc con heo cả hai mẹ con cùng nuôi gần một năm trời, giờ mổ ra thấy không được mấy trăm ngàn đồng…
Con trẻ còn quá nhỏ để ngạc nhiên hoang mang, và chị thì chẳng thể chia sẻ cùng con nỗi giận đến run tay của mình. Chị hình dung ra nụ cười giả lả của chồng khi chị thả mớ xác heo vỡ vụn trước mặt anh, cùng cái nhìn thất vọng thay bao câu trách cứ. Rồi thì đâu cũng lại vào đấy, làm gì nhau bây giờ kia chứ!
Bởi đây chẳng phải lần đầu tiên anh tự ý xâm phạm vào các khoản dành dụm của gia đình. Nhớ có lần, chị để tiền mặt trong tủ, với ý định đến cuối tháng sẽ sửa lại cái trần la phông đã bị nước mưa làm sập một mảng lớn ngay phòng khách. Thế nhưng, khi chị chạm tay vào cái phong bì nhẹ bỗng, lòng dưng không cảm thấy bất an lạ kỳ. Y như rằng, anh đã “mượn” tạm hơn phân nửa số tiền trong ấy, kéo theo vô số lời giải thích, hứa hẹn và xin lỗi đi kèm…
Chị nhớ hồi còn đang vay ngân hàng tiền mua căn nhà đang ở. Anh lãnh phần trả nợ, chị lo chi tiêu trong nhà. Lần đó, chẳng hiểu cái gì xui khiến chị điện thoại cho cậu cho vay tín dụng. Linh cảm nào đó làm chị chợt lo lắng, muốn kiểm tra lại. Khi nghe cậu ta bảo, từ tết đến giờ hai vợ chồng chị không hề trả thêm đồng tiền nào vào tài khoản, chị vẫn tưởng như muốn ngất xỉu vì bất ngờ. Cố hết sức để giữ giọng nói bình thường, chị nhắc cậu ta thử kiểm tra lại, xem có nhầm lẫn gì hay không… Lúc chị gọi cho chồng, cố giữ giọng nhẹ nhàng hỏi xem anh đã mang tiền đi trả ngân hàng rồi chứ? Chị choáng váng hơn khi anh đinh ninh: Tất nhiên rồi, hôm đó anh có nhắn tin báo em biết rồi mà, lại còn đang giữ biên lai trong túi…
Đến đây thì sự kiên nhẫn của chị đã lên tới ngưỡng. Chị gào lên:
- Cậu tín dụng vừa nói với em ngược lại đấy. Vậy anh với cậu ta, ai đang nói sai sự thật hả?
Tới mức đó, anh mới loay hoay thú nhận, dạo này anh nhiều việc cần chi tiêu quá…
Chị cúp máy, người rã rượi như thể vừa chạy bộ qua một quãng đường dài. Phải như anh thẳng thắn từ đầu với chị để còn xoay xở. Thà anh đừng tỏ ra thản nhiên cứng cỏi khi chị hỏi tới việc làm sai quấy của mình. Chị tự nhủ, những chuyện này anh còn lừa dối mình, thì những điều khác, sẽ như thế nào?
Lâu lâu, chị lại phải “viện trợ không hoàn lại” cho chồng một lần, vì không nỡ để anh túng thiếu với cách chi xài “đầu tháng huy hoàng, cuối tháng nước tương” của mình. Anh không quản lý nổi tiền bạc thì cuộc sống còn bao nhiêu thứ khác, sẽ ra sao? Trước câu chất vấn của vợ, anh bực dọc nói, chuyện đâu ra đó, đừng có gom mấy thứ tiền bạc vặt vãnh vào đây. Vợ con coi trọng đồng tiền hơn chồng, hơn cha, hơn gia đình à? Chị im lặng nghe anh hùng hồn phản biện, lòng cứ thấy cay đắng mỉa mai thế nào ấy. Chẳng phải chưa từng có lần nào anh tỏ ra cương quyết như này, vậy mà rồi đâu cũng vào đấy, anh tiếp tục mập mờ chuyện tiền nong, tự ý chi dùng các khoản không thuộc sở hữu của mình. Kiểu như cứ lấy tiêu tạm rồi tới đâu thì tính tiếp…
Một lần thất tín, vạn lần bất tin. Chị làm sao có thể vui sống bên chồng khi lòng luôn phấp phỏng đề phòng, không dám giao tiền bạc cho anh cất giữ hay mang đi lo công việc gì. Chị sợ. Bản thân chị có quá đa nghi không? Hay bởi một khi đã mất niềm tin rồi, thì tất cả đều khó lắm, khó đến vô cùng…
Bình luận (0)