Chìa khóa để Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung

13/08/2021 10:13 GMT+7

Quy hoạch TP.Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030 mở ra những đột phá phát triển, trong đó định hướng đô thị nén nhằm tháo gỡ hạn chế của thành phố về quỹ đất, tạo thêm dư địa, kích thích nguồn lực mới.

Theo báo cáo của Liên danh tư vấn quy hoạch thành phố về “Dự án quy hoạch TP.Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, bên cạnh đầu tư hạ tầng đồng bộ, tổ chức không gian đô thị hiện đại, sinh thái, hài hòa thiên nhiên và bản sắc đô thị biển - sông - núi, TP.Đà Nẵng còn cần phát triển đô thị nén để tối đa hóa giá trị sử dụng đất. Nhất là ở đô thị trung tâm, nhằm để tiết kiệm đất đai và có quỹ đất để phát triển các không gian mở (khu công cộng, cây xanh). “Đó cũng chính là xu hướng của các nước phát triển như Úc, Singapore, Mỹ và các quốc gia châu Âu”, liên danh tư vấn đề xuất.

Hai quận trung tâm thí điểm tái thiết đô thị

Q.Hải Châu đang triển khai tái thiết đô thị khu vực P.Bình Hiên, giải tỏa khoảng 250 hộ dân để mở rộng các tuyến đường ngang nối 2.9 và Trưng Nữ Vương, đường nội bộ, xây dựng chuỗi shophouse chợ Nại Hiên, các ki ốt thương mại, khối khách sạn - thương mại - văn phòng 23 tầng, khối căn hộ cao cấp 23 tầng phục vụ tái định cư, các tiện ích nhà văn hóa, trường học, bể bơi… Q.Thanh Khê cũng thí điểm quy hoạch tái thiết đô thị tại chợ Tân Chính và khu vực lân cận (khu dân cư Tân An B) nhằm thay đổi diện mạo đô thị hiện trạng.

Theo phân kỳ thực hiện, trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ phát triển trung tâm Q.Hải Châu, vịnh Đà Nẵng và phát triển trung tâm chế xuất, trung chuyển hàng hóa miền Trung kết nối với nhà ga đường sắt, bến xe, sân bay, đường cao tốc. Các khu chế xuất cũng phát triển mô hình công xưởng cao tầng để tiết kiệm diện tích và nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Giải phóng nguồn lực

Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, Tổng tư vấn, đại diện Liên danh tư vấn, cho rằng Đà Nẵng nên phát triển đô thị nén theo quy hoạch phát triển 3 trụ cột: du lịch, chế xuất và dịch vụ logistic, kinh tế tri thức. Trong đô thị nén, nhà ở cao tầng cho cư dân và dịch vụ lưu trú khu vực trung tâm đi kèm với giải pháp giao thông thuận tiện kết nối như tàu điện ngầm, xe buýt nhanh. Quy hoạch hệ thống giao thông công cộng sẽ giảm thiểu ách tắc giao thông, tiết kiệm chi phí đi lại, bảo vệ môi trường, dần hình thành đô thị đi bộ. “Đô thị nén là chìa khóa để Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhưng chúng ta không có đủ nguồn lực để phát triển hạ tầng dàn trải mà cần trọng tâm, phân kỳ, cuốn chiếu, đầu tư từ lõi trung tâm hoàn thiện dần ra để sớm phát huy hiệu quả đầu tư toàn xã hội”, ông Đông phân tích thêm.

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, cũng đề cập yếu tố cảnh quan và không gian xanh rất cần thiết cho đô thị nén trong bối cảnh đặc thù khí hậu cực đoan của miền Trung cùng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Vì thế, có 2 yếu tố cần giải quyết là nhà cao tầng và phố đi bộ.

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó bí thư thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, Nghị quyết 43 Bộ Chính trị đã xác định tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị nén để gia tăng quy mô kinh tế và thu nhập dân cư, giải phóng thêm các nguồn lực để xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị đáng sống. Trong đó, cần tập trung phát triển thế mạnh ngành công nghệ thông tin và xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị thông minh… Làm việc với Liên danh tư vấn, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, thống nhất định hướng phát triển đô thị nén nhưng lưu ý Đà Nẵng không làm đại trà mà ưu tiên đầu tư một số khu vực trung tâm Q.Hải Châu, Q.Thanh Khê và một số khu vực Q.Sơn Trà. TP.Đà Nẵng cũng đã có chủ trương di dời KCN An Đồn (Q.Sơn Trà) và vị trí này phù hợp để xây dựng thí điểm đô thị nén.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.