Chia sẻ cùng thầy cô: Những câu chuyện đầy cảm xúc

21/11/2021 06:30 GMT+7

50 thầy cô giáo vượt qua khó khăn, có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy đã được tuyên dương đúng ngày Nhà giáo Việt Nam (20.11) với những câu chuyện đầy cảm xúc.

Bằng mọi cách dạy học sinh

Các thầy cô đã có buổi giao lưu xúc động khi chia sẻ về những khó khăn và nỗ lực của cả thầy và trò trong thời gian xảy ra đại dịch Covid-19 vừa qua. Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Kiều (Trường TH-THCS Trần Phú, Đắk Ngo, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông), chia sẻ việc dạy trực tuyến khó khăn do học sinh không có thiết bị. Nhiều gia đình cố gắng mua điện thoại nhưng cũng không đủ vì có rất nhiều con. Đặc biệt, ở vùng cao nhiều nơi chưa có đường truyền, sóng điện thoại.

“Hầu hết các em có gia đình khó khăn, bố mẹ đi làm kinh tế, nhiều em bố mẹ xa nhà, chưa quan tâm đến việc học của con”, cô Kiều nói. Để khắc phục khó khăn, cô Kiều cho biết giáo viên phải tìm mọi cách để kết nối với học sinh. “Bằng nhiệt huyết và tình yêu nghề không bao giờ vơi, chúng tôi đã tìm mọi cách dạy các em, để không em nào bị bỏ lại phía sau”, cô Kiều chia sẻ.

Ông Phạm Tất Thắng và anh Nguyễn Anh Tuấn (thứ 4 và 5 từ trái qua) trao biểu trưng, bằng khen cho các thầy cô được tuyên dương trong chương trình

Bảo Anh

Không chỉ ở địa bàn miền núi khó khăn, dịch Covid-19 cũng khiến cả những thành phố lớn “khủng hoảng”. Thầy Vũ Trường Hải, Trường THPT Trần Hưng Đạo (Q.Vò Vấp, TP.HCM), cho biết tuy là nơi phát triển nhất nhì của cả nước nhưng dịch bệnh Covid-19 ập đến khiến thành phố trọng thương. Việc dạy học khó khăn do có gia đình F0, các em cũng là F0 nên liên lạc quá trình học gián đoạn.

“Chúng tôi không liên hệ được với học sinh vì bị mất thông tin. Nhưng bằng mọi cách phải kiếm được nên tôi hỏi bạn bè trong lớp, liên hệ với giáo viên lớp 9 trường cũ của các em”, thầy Hải chia sẻ. Đặc biệt, có 2 học sinh bị mất mẹ do dịch Covid-19, nhà trường và thầy đã tìm các nguồn lực kịp thời động viên để giúp các em vơi bớt khó khăn.

Nhiều thầy cô giáo được tuyên dương còn có hoàn cảnh khó khăn riêng như cô giáo Lâm Thị Cẩm Tú (ở An Giang) là mẹ đơn thân do chồng đã mất 13 năm nay. Cô một mình nuôi con bị bệnh hiểm nghèo về máu. Thế nhưng, cô vẫn vượt qua khó khăn, dành phần lớn thời gian chăm lo cho học sinh. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nhiều em không có phương tiện, phải đi mượn học vào buổi tối hoặc bất kể thời gian nào, cô đã sắp xếp mọi thời gian để phù hợp với từng gia đình, mong mang được cái chữ đến học sinh…

Bằng nhiệt huyết và tình yêu nghề không bao giờ vơi, chúng tôi đã tìm mọi cách dạy các em, để không em nào bị bỏ lại phía sau

Nguyễn Thị Mỹ Kiều(Trường TH-THCS Trần Phú, Đắk Ngo, H.Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông)

Những thầy cô phi thường

Anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, cho rằng trong bất kỳ thời điểm và hoàn cảnh nào, hình ảnh người thầy vẫn luôn được trân trọng, tôn vinh. Yêu kính thầy cô đã trở thành một chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam. Người thầy luôn là tấm gương sáng cho học trò noi theo vì ngoài nhiệm vụ truyền thụ kiến thức, người thầy cũng là hình mẫu về đạo đức, lối sống, có lòng yêu thương học trò, yêu nghề, sống nhân ái nghĩa tình, được mọi người kính trọng.

Tới dự chương trình có ông Phạm Tất Thắng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT…

34 thầy cô giáo đã có mặt ở điểm cầu Hà Nội để tham dự lễ tuyên dương cùng 16 thầy cô giáo tham gia trực tuyến.

Anh Lương cho biết chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” là một trong những hoạt động góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo, thể hiện sự tri ân của thế hệ trẻ, của những lớp học trò đối với các thầy, cô giáo.

Theo anh Lương, 50 thầy cô giáo được tuyên dương tại chương trình này, chặng đường phấn đấu có thể khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh, nhưng tất cả đều chung một tình yêu con trẻ, sự tận tụy, say mê và sáng tạo với nghề gieo chữ, sự nỗ lực phấn đấu vượt qua gian khó, tất cả vì học sinh thân yêu. “Họ chính là hình ảnh minh họa của những người giáo viên Việt Nam, dù trong hoàn cảnh khó khăn đến đâu vẫn luôn cố gắng để hoàn thành thật tốt nhiệm vụ trồng người”, anh Lương khẳng định.

Ông Trịnh Văn Hào, Giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, cho biết 40 năm đồng hành cùng tri thức, giáo dục và đất nước Việt Nam trong mọi hoàn cảnh, Tập đoàn Thiên Long cảm nhận sâu sắc dù dịch bệnh đã làm xáo trộn nhiều mặt của xã hội nhưng cũng làm sáng bừng nghị lực và sự sáng tạo của người thầy.

Theo ông Hào, dù khó khăn đến mấy, nhưng với tấm lòng và nghị lực của các thầy cô thì ngành giáo dục sẽ vẫn có thể thích nghi và truyền tải kiến thức cho thế hệ tương lai của đất nước. “Tập đoàn Thiên Long tin rằng dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến đâu, lòng biết ơn và mong muốn tri ân những người thầy trong dịp 20.11 sẽ không bao giờ dừng lại”, ông Hào chia sẻ.

Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tập đoàn Thiên Long tổ chức, tuyên dương những giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới trong phương pháp giảng dạy, vượt qua những khó khăn, thách thức… Các giáo viên được tuyên dương được nhận bằng khen của T.Ư Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, biểu trưng của chương trình, sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và nhiều phần thưởng giá trị cùng hình thức khen thưởng khác của Bộ GD-ĐT.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.