Hơn 1 tuần sau cơn lũ quét xảy ra vào chiều 28.10, cô giáo Hồ Thị Thùy Dung (người Giẻ Triêng, 29 tuổi), dạy ngữ văn Trường phổ thông dân tộc nội trú H.Phước Sơn, vẫn chưa thể về lại nhà. Nhà cô nằm trong số gần 50 ngôi nhà ở thôn 2 (xã Phước Thành, H.Phước Sơn) bị lũ cuốn trôi. Cô Dung vốn là một cựu học sinh của Trường THPT Dân tộc nội trú huyện Phước Sơn. Năm 2014, Dung tốt nghiệp ngành sư phạm và quay về nơi mình từng học để giảng dạy thế hệ đàn em. Không lâu sau đó, cô lấy chồng. Chồng cô hiện làm công nhân cho một công ty trên địa bàn H.Phước Sơn. Hai vợ chồng sau đó hạ sinh được hai người con. Đứa lớn học lớp 1, đứa nhỏ mẫu giáo nhỡ.
Với mong ước dựng ngôi nhà ở xã Phước Thành để được gần gũi nội ngoại hai bên, tháng 6.2020, vợ chồng cô khởi công ngôi nhà gỗ rộng 170 m2. Tiền xây nhà được tích góp nhiều năm, vay hai ngân hàng thêm 200 triệu đồng bằng việc thế chấp sổ lương. Sau 4 tháng thi công, căn nhà vừa hoàn thành, cả hai vợ chồng chưa được một ngày ở trong căn nhà mới thì lũ quét đến. Không tìm thấy gì còn lại sau trận lũ, ngoài đống đổ nát. “Vì nhà bị lũ cuốn trôi nên không có chỗ để tá túc. Hiện hai vợ chồng cùng hai con đang tá túc tại nhà bà ngoại ở TT.Khâm Đức (H.Phước Sơn)”, cô Dung nói.
Mất nhà nhưng mỗi tháng cô Dung phải trả nợ ngân hàng cả lãi lẫn gốc hơn 4,5 triệu đồng. Dung bảo vợ chồng còn trẻ nên xác định sẽ tích góp, tiết kiệm nhiều năm làm lại nhà.
Cách nhà cô Dung 100 m là căn nhà gỗ rộng 50 m2 của cô Bạch Thị Thu Hà (38 tuổi), giáo viên Trường mầm non liên xã Kim Thành Lộc. “Một ngày trước khi lũ quét tràn về, hai vợ chồng cùng hai con ra thăm cha bị đau ở TT.Khâm Đức. Dù nhà không bị cuốn trôi, nhưng bùn đất vùi lấp gần 1 m, mái bị sập, ván thưng xung quanh hư hỏng. Tài sản thứ cuốn trôi, thứ vùi trong bùn đất”, cô Hà nói.
Trong trận bão, nước suối dâng cao khiến con trâu, đàn heo, gà của gia đình thầy Hồ Văn Hiền, giáo viên dạy thể dục tại Trường THPT Dân tộc nội trú H.Phước Sơn, bị lũ cuốn trôi. Căn nhà gỗ nhỏ của hai vợ chồng cũng bị hư hỏng nặng vì sạt lở. Mọi thứ tan hoang. “Cả nhà sống nhờ vào suất lương của em, vợ làm nông, tài sản tích góp giờ đã trôi mất sạch. Giấy tờ tùy thân bị cuốn trôi luôn. Giờ đến sửa nhà hư hỏng do lũ, em cũng lo không biết lấy đâu ra tiền. Khó khăn chồng chất”, thầy Hiền nói.
Bà Phạm Thị Thứ, Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú H.Phước Sơn, cho hay trước bão số 9, cô Dung và thầy Hiền cùng nhiều thầy cô khác được phân công ở lại trường, vừa tham gia phòng chống bão, vừa chăm sóc cho các em. Trước đó, dù đã có chỉ đạo cho học sinh nghỉ học, nhưng lo sợ nguy hiểm cho các em nên trường quyết định giữ các em ở lại. Các thầy, cô cùng túc trực, động viên học sinh.
“Căn nhà của cô Dung mới làm nên thì bị lũ cuốn trôi hoàn toàn. Thương tâm hơn, số tiền gần 200 triệu mà cô Dung dùng để làm nhà chính tay mình ký giấy để cô vay ngân hàng. Sau khi sự việc xảy ra, nhà trường cũng như lãnh đạo Sở GD-ĐT đã trực tiếp thăm hỏi, động viên các thầy cô”, bà Thứ nói.
Lũ học trò, nhiều em vẫn vô tư đùa giỡn dọc hành lang. Trận bão, tất cả học sinh đều an toàn, trường không có thiệt hại gì lớn nhưng nhiều thầy cô lại chẳng còn nhà nữa để về. Các thầy, các cô vẫn ở đó, trong trường nội trú, bên cạnh lũ học trò vô tư...
Bình luận (0)