Với các tính năng tức thời của Facebook, bạn ngày càng dễ dàng chia sẻ hình ảnh cá nhân hơn. Thế nhưng, một nghiên cứu cho thấy việc chia sẻ quá nhiều ảnh trên Facebook sẽ làm tổn hại mối quan hệ trong đời sống thực.
Cuộc sống vốn dĩ khó làm hài lòng tất cả, nhưng chú ý cư xử tốt một chút cũng chẳng hại ai - Ảnh: Shutterstock |
Có nhiều cách khiến người khác không thích bạn, bao gồm cả những hành động trên mạng xã hội cũng như việc... cư xử quá đẹp. Trong danh sách này, Business Insider chọn ra những hành động, biểu hiện phổ biến nhất khiến người khác không đánh giá cao bạn.
Dùng Facebook chưa “chuẩn”
Với các tính năng tức thời của Facebook lúc này, bạn ngày càng dễ dàng chia sẻ ảnh hơn, càng dễ... sa đà vào chuyện cứ có tấm ảnh đẹp là muốn đăng ngay. Thế nhưng một nghiên cứu tại Birmingham Business School năm 2013 cho thấy việc chia sẻ quá nhiều ảnh trên Facebook sẽ làm tổn hại mối quan hệ trong đời sống thực.
Bạn đã từng ấn nút “ngừng theo dõi” một ai đó trên Facebook chỉ vì người ấy đăng tải quá nhiều thứ trong một ngày chưa? Tương tự với việc đăng ảnh cũng vậy. Hai tiến sĩ David Houghton và Ben Marder trong nghiên cứu ấy cho biết ngoại trừ đối với những người rất thân, việc chia sẻ ảnh quá nhiều sẽ khiến chủ nhân Facebook quan hệ không tốt với người xung quanh, vì không phải ai cũng muốn bị những tấm ảnh vô thưởng vô phạt của người ấy làm phiền, thậm chí ganh tị vì “cuộc sống muôn màu” cũng là yếu tố gây hại cho các mối quan hệ.
Facebook là nơi bạn trút giận, chia sẻ niềm vui và đó cũng là nơi tạo ra cái nhìn của người khác về bạn - Ảnh: Bloomberg
|
Trong một nghiên cứu khác, việc có quá nhiều hay quá ít bạn bè trên Facebook cũng chứng tỏ tình trạng của tài khoản ấy. Nghiên cứu chỉ ra rằng một người dùng Facebook sẽ ở trạng thái “đẹp” nhất khi có 300 người bạn. Nếu quá ít “bạn”, họ dường như đang thu hẹp thế giới của chính mình, tức không mấy hạnh phúc. Nếu vượt ngưỡng 300 bạn, nhiều khả năng họ chỉ ấn “thêm bạn” tứ tung và có nhiều người không bao giờ tương tác.
Trong một nghiên cứu khác, việc tấm ảnh đại diện (avatar) của bạn chụp quá cận mặt cũng là một yếu tố gây mất cảm tình trong mắt người khác. Cụ thể, một tấm ảnh chụp ở khoảng cách 45 cm so với gương mặt sẽ bị cho không đáng tin cậy, ít hấp dẫn hơn một tấm ở cự ly 135 cm trở lên.
Chia sẻ chuyện quá riêng tư một cách quá sớm
Một mối quan hệ sẽ được thắt chặt hơn sau những cuộc trò chuyện. Việc kể sâu hơn về bản thân cũng là tín hiệu để hai người thân mật hơn, nhưng đừng quá lố và quá sớm.
Business Insider dẫn các nghiên cứu tâm lý cho rằng việc bộc lộ quá sớm các bí mật của mình sẽ làm hỏng một mối quan hệ, vì đối phương sẽ cảm thấy bạn “không an toàn” thay vì tin tưởng. Hiểu theo cách thông dụng thì việc mới gặp nhau vài ngày hoặc một buổi mà bạn đã kể tất tần tật đời tư của mình và bí mật của người thứ 3, nó sẽ tạo cảm giác cho đối phương rằng bạn là người không biết giữ bí mật.
Muốn thân thiết, hãy chia sẻ. Nhưng không đồng nghĩa cái gì bạn cũng chia sẻ được - Ảnh: Shutterstock
|
Tuy nhiên, một nghiên cứu khác tại Đại học bang Illinois cho biết việc chia sẻ kỷ niệm thời thơ ấu của bạn, sẽ khiến bạn trở nên ấm áp, thân thiện hơn nhiều.
Cũng theo nghiên cứu này, đừng bao giờ chỉ hỏi người khác mà không nói gì về mình. Tác giả Susan Sprecher cho biết đó là một cách quan hệ sai lầm, bắt nguồn từ suy nghĩ cầu toàn, sợ chính mình bị soi mói.
Cư xử quá đẹp
Nếu bạn từng than phiền rằng tại sao mình luôn giúp đỡ mọi người, luôn tươi cười, luôn luôn sẵn sàng mà vẫn không được đáp lại bằng một thái độ tương xứng, bạn đang có lý. Bạn có nghĩ rằng thay vì thế, họ đang nhìn vào bạn bằng những cụm từ khác như “giả tạo”, “hứa lèo”? Một nghiên cứu xã hội cho thấy nhiều người nghĩ rằng các đối tượng cư xử quá đẹp trông không đáng tin, và cho rằng hẳn phải có động cơ gì đó.
Khiêm tốn một cách giả tạo
Khiêm tốn luôn là một đức tính tốt đẹp và là chiêu bài thường thấy của những người muốn lấy cảm tình của người khác. Tuy nhiên bạn đã nghe từ “humblebragging” bao giờ chưa?
Thế này, một cô gái chụp tấm ảnh vào buổi sáng với gương mặt mộc rất đáng yêu, nhưng đăng tấm hình lên kèm theo dòng mô tả rằng “Ôi, buổi sáng nhìn mặt ngu quá”. Đấy có thể gọi là khiêm tốn một cách giả tạo, cốt chỉ muốn nhấn mạnh mình thực sự tốt ngay chính cái mình đang “tự ti”, và đó là “humblebragging”.
Hài hước một chút, biết cười một chút cũng là cách bạn có trách nhiệm với cảm xúc của người xung quanh - Ảnh: Shutterstock
|
Sao lại ngầu một cách vô lý thế?
Việc không biết hài hước và không biết cười cũng là những nguyên nhân tạo ác cảm trong mắt người khác.
Một nghiên cứu trên 140 công nhân Trung Quốc ở độ tuổi từ 26 và 35 cho thấy những người không được lòng đồng nghiệp hoặc ít được nhắc tới chỉ vì họ quá nghiêm túc. Các ý kiến không hài lòng cho rằng thay vì như thế, nhóm “nghiêm túc” này nên tìm một lý do để giảm căng thẳng cho những người xung quanh, thay vì quá ích kỷ, chỉ nghĩ tới cảm xúc bản thân mình.
Tương tự một nghiên cứu trên 100 phụ nữ trình độ đại học cho thấy đa phần họ cảm tình hơn với bức ảnh phụ nữ mỉm cười, tư thế cởi mở. Trong đời sống, chuyện bạn quá “ngầu” cũng ít nhiều gây ác cảm với người đối diện.
Bình luận (0)