Nhộn nhịp đổi sang điện thoại mới
Cầm vội chiếc điện thoại màn hình đen trắng để lăn lóc trên bàn, chị Nguyễn Thị Kèo, ngụ xã Phước Kiển, H.Nhà Bè (TP.HCM), nói với PV: "Công việc của em là phục vụ khách chơi thể thao nên khi khách chơi pickleball yêu cầu là em phải bỏ điện thoại chạy vào sân. Sân đông, nhiều người lạ ra vào nên em chỉ cần cái điện thoại nghe gọi rẻ tiền là được, có quăng lung tung thì cũng không có ai lấy mất". Khi nghe chúng tôi nói rằng dòng điện thoại này sắp bị khai tử, không còn sử dụng được, chị Kèo tiếc rẻ nói: "Điện thoại này chỉ có nghe gọi, mà bây giờ không còn xài được thì cũng đành chịu. Nhưng nó xài pin rất lâu, không sạc vẫn dùng được 3-4 ngày. Không dùng được thì em chuyển sang dùng smartphone loại rẻ tiền, bây giờ cũng rất nhiều". Dù không nhiều nhưng thực tế, vẫn có người sử dụng điện thoại cục gạch do đặc thù công việc, như trường hợp chị Kèo.
Dạo một vòng quanh các cửa hàng di động, dòng điện thoại 2G cũng đã vắng bóng từ lúc nào. Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Thương mại Hệ thống FPT Shop, cho biết: "FPT Shop đã dừng kinh doanh sản phẩm 2G từ 6 tháng trước, các sản phẩm hiện tại đều là các sản phẩm có tích hợp sẵn 4G trở lên (kể cả các dòng sản phẩm features phone). Nhu cầu mua các dòng điện thoại cơ bản, không ưu tiên là smartphone hay màn hình lớn vẫn có thị phần nhất định. Đó là những người chỉ dùng nghe gọi, pin lâu và giá phải rất rẻ. Thông tin nhà mạng tắt sóng 2G đã được FPT Shop công bố sớm và liên tục đến người dùng, chính vì vậy nhiều khách hàng đã chủ động đổi máy sang máy 4G sau khi biết quy định mới. Lượng khách này tại hệ thống FPT Shop chúng tôi ghi nhận tăng trưởng đến 50% mỗi tháng".
Ông Đặng Thanh Phong, phụ trách truyền thông hệ thống Thegioididong, cũng thông tin: TGDĐ đã dừng hẳn việc kinh doanh các điện thoại chỉ hỗ trợ 2G từ nhiều năm trước sang tập trung cung cấp các thiết bị hỗ trợ 4G với giá thành thấp. Các sản phẩm này bao gồm dòng điện thoại phổ thông hỗ trợ 4G của các hãng truyền thống như Nokia, Mobell, Masstel… và dòng điện thoại smartphone phân khúc cơ bản của các hãng như Samsung, Oppo, Xiaomi, Vivo, Honor, Realme… trong tầm giá từ dưới 4 triệu đến dưới 5 triệu.
Trên các sàn thương mại điện tử, khi tìm kiếm sản phẩm "điện thoại cục gạch" hoặc "điện thoại 2G", cũng không thấy shop nào cung cấp. Một số cửa hàng di động thừa nhận dòng sản phẩm 2G đã không được nhập về VN từ khá lâu, thị trường chỉ còn các sản phẩm cũ mua bán trao đổi giữa những người dùng với nhau. Khảo sát trên các hội nhóm trao đổi điện thoại cũ, thỉnh thoảng vẫn có những lời rao mua bán nhưng lượng quan tâm, tương tác rất thấp. Theo anh Dương Trí, một người chuyên mua bán điện thoại "cục gạch" trên mạng xã hội: "Hiện nay nhà mạng đã thông báo ngừng mạng 2G nên thị trường rất đìu hiu. Thật ra bây giờ người mua điện thoại "cục gạch" chủ yếu là để sưu tập, hoặc giữ làm kỷ niệm, chứ không ai mua về dùng để nghe gọi vì không còn pin để thay, sóng thì chập chờn lúc có lúc không tùy vùng".
Cũng vì thế, giá bán của những chiếc điện thoại trắng đen rớt thê thảm, những chiếc Nokia đời cũ chỉ có giá vài trăm ngàn đồng, thậm chí có người sẵn sàng bán lại với giá 100.000 đồng.
Ai còn được sử dụng điện thoại 2G ?
Dù chỉ còn hơn 2 tháng nữa các nhà mạng sẽ phải tắt sóng 2G nhưng đến thời điểm này số lượng thuê bao 2G vẫn còn tương đối nhiều. Theo số lượng thống kê của các nhà mạng, hiện vẫn còn hơn chục triệu thuê bao 2G trên cả nước. Như vậy, trong vòng hơn 2 tháng nữa nhà mạng sẽ phải chạy đua với thời gian để giúp khách hàng chuyển từ 2G lên 4G và 5G. Theo kế hoạch, dự kiến số thuê bao 2G Only đến tháng 9.2024 sẽ giảm về 0 hoặc còn số lượng chiếm dưới 5% tổng số thuê bao di động của DN.
Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 16.7, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT-TT), cho biết: "Theo thông lệ quốc tế và các nội dung Bộ TT-TT và các DN di động đã thống nhất chủ trương dừng công nghệ từ năm 2019, khi đạt ngưỡng 5% doanh nghiệp có thể tắt sóng 2G. Như vậy, nếu tháng 9.2024 khi đạt tỷ lệ thuê bao dưới 5%, các DN sẽ thực hiện dừng phục vụ thuê bao 2G Only. Do vậy, các thuê bao di động đang sử dụng máy điện thoại công nghệ 2G cần nhanh chóng tiếp cận các chương trình hỗ trợ của doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi sang sử dụng công nghệ 4G để tiếp tục sử dụng dịch vụ".
Một đối tượng người dân sử dụng điện thoại 2G phổ biến là các ngư dân đánh bắt xa bờ. Thống kê cả nước hiện có khoảng 2 triệu người khai thác, đánh bắt và làm các dịch vụ trên vùng biển VN, trong đó khoảng 70.000 ngư dân đánh bắt xa bờ. Đây là những người có nhu cầu liên lạc với đất liền và giữa các tàu trong nhóm với nhau để phối hợp đánh bắt cá. Ngoài ra, họ cần cả những thông tin về dự báo thời tiết, tìm kiếm cứu nạn để chủ động đối phó thiên tai. Tính đến thời điểm này, cả 3 nhà mạng lớn là Viettel, VNPT, MobiFone đều khẳng định đã phủ sóng dọc bờ biển VN. Tuy nhiên, công nghệ 2G vẫn có lợi thế phủ sóng ở vùng biển đảo bởi độ phủ sóng rộng hơn công nghệ 4G. Do đó một số ý kiến cho rằng khi tắt sóng 2G thì việc phủ sóng biển đảo vẫn là vấn đề thách thức với các nhà mạng.
Đối với vấn đề này, lãnh đạo Cục Viễn thông cho biết: "Để thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ TT-TT đã chỉ đạo các nhà mạng di động phải triển khai hạ tầng mạng 4G đảm bảo có vùng phủ thay thế được các trạm thu phát vô tuyến 2G tại tất cả khu vực thực hiện tắt sóng để đảm bảo tiếp tục sử dụng được dịch vụ di động. Kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông VN giai đoạn 2024-2025 đảm bảo đến năm 2025 đạt 100% thôn bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G. Thông tư số 03/2024/TT-BTTTT và Thông tư số 04/2024/TT-BTTTT quy định hệ thống GSM dừng tại thời điểm 9.2026. Như vậy, các DN viễn thông di động chưa tắt sóng 2G tại khu vực biển đảo và còn hơn 2 năm để thực hiện việc triển khai mở rộng vùng phủ sóng di động, trong đó có cả vùng biển đảo và đảm bảo cung cấp dịch vụ di động cho người dân không bị gián đoạn khi thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G".
Nhiều chương trình hỗ trợ người dân đổi sang điện thoại 4G
Theo Bộ TT-TT, để thúc đẩy quá trình tắt sóng 2G, Bộ đã chỉ đạo các DN viễn thông di động thực hiện giải pháp hỗ trợ thuê bao 2G Only bao gồm cả các thuê bao thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, thuê bao ở vùng sâu vùng xa thực hiện chuyển đổi sang sử dụng điện thoại công nghệ 4G trở lên như sau: Hỗ trợ một phần kinh phí mua máy điện thoại 4G smartphone cho các thuê bao đang sử dụng máy 2G. Đồng thời, xây dựng các gói cước chuyển đổi (ví dụ như các gói cước ưu đãi 3-6 tháng data cho khách hàng chuyển đổi lên 4G); thực hiện đổi SIM 2G sang SIM 4G cho khách hàng.
Các DN kinh doanh thiết bị di động cũng có các chương trình hỗ trợ khách hàng chuyển đổi sang smartphone. Tại hệ thống Thegioididong áp dụng chương trình thu cũ lên đời, trợ giá đến 3 triệu đồng với một số sản phẩm của Samsung, Oppo, Xiaomi, Vivo, Realme, Honor… FPT Shop cũng đang có chương trình "Lên đời từ 2G" trợ giá đến 600.000 đồng để sở hữu smartphone mới với giá chỉ từ 2,49 triệu đồng, ngoài ra còn hỗ trợ khách hàng đổi máy 2G hoặc máy cũ, hỏng...
Bình luận (0)