|
Ngay từ đầu, đã nói chuyện hợp tan
Sau 7 tháng mở quán Xôi cuốn Neppy (TP.HCM), một trong bốn cựu sinh viên - thành viên đồng sáng lập thương hiệu này đã rời bỏ nhóm. Anh Chung Chí Công (phụ trách mảng thương hiệu và sản phẩm) cho hay, nguyên nhân khiến người bạn ấy ra đi là để theo đuổi ước mơ riêng, con đường riêng. Bên cạnh đó, còn có mâu thuẫn về sự khác biệt trong phong cách làm việc giữa bạn đó với những người khác.
|
Từ sự cố trên, nhóm của anh Công rút ra “kinh nghiệm xương máu”: Phải cùng nhau lên nguyên tắc chung và phổ biến cho những người mới đến làm việc với nhóm. “Chúng tôi nói rõ ràng ngay từ đầu rằng chuyện hợp tan là không ai muốn nhưng có thể sẽ xảy ra. Cho nên, không chỉ đề cập những điều tốt đẹp mà chúng tôi còn dự liệu cả chuyện không hay nữa”, anh Công chia sẻ. Theo anh Công, để chia tay nhau một cách êm đẹp, đòi hỏi từ hai phía có mong muốn giải quyết rốt ráo các vấn đề tồn đọng. Lúc đó, họ càng cần nói chuyện cởi mở với nhau. Làm sao để người ra đi hay người ở lại đều thanh thản, không cảm thấy bực bội, “quậy” tưng lên hay ra ngoài nói xấu.
Chị Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp TP.HCM, cho biết có những lần chị cảm thấy không vui trước cách ứng xử của một số bạn trẻ. “Mục đích của các bạn ấy đến đây không phải để nghe mình tư vấn mà là muốn nghe câu trả lời: “Chị có cho em mượn vốn hay không?”. Khi mình nói là không thể thì là thái độ họ khác liền. Trong chuyện khởi nghiệp cũng vậy. Lúc đầu họ tới với nhau, hùn vốn với nhau thì vui vẻ lắm. Nhưng đến khi làm không được chia tay nhau, nhiều người ra đường không nhìn mặt nhau nữa”, chị Hoàng Phi kể.
Từ những thực tế như trên, chị Hoàng Phi trăn trở: “Tôi thấy người ta thường hay học những cách làm sao có buổi gặp và lời chào ấn tượng. Thế nhưng, họ chẳng bao giờ học cách chia tay một người nào đó êm xuôi nhất, tốt đẹp và ấn tượng nhất, để lại cho người ta nhiều tình cảm nhất. Mình nghĩ, người trẻ cần trang bị thêm kỹ năng này, vì nó cũng rất quan trọng”.
Hãy xem là điều bình thường !
Khi tình yêu tan vỡ, không ít người tìm mọi cách níu kéo, năn nỉ ỉ ôi hoặc quay sang thái cực khác là chửi mắng, thù hận ngút trời. Thậm chí, có những kẻ ra tay sát hại người yêu cũ của mình.
Nhìn nhận thực trạng này, chuyên gia tư vấn tâm lý Nguyễn Thu Hiên lưu ý: “Nói chung, trong quá trình đi tìm hiểu một nửa của mình, có thể chúng ta gặp được người mong muốn hoặc không, hoặc chưa. Chính vì thế, mới có những cuộc chia tay. Hãy xem đó là chuyện bình thường trong cuộc sống”.
Đối với những người chủ động nói lời "bai bai", theo cô Hiên, có thể sử dụng những cách giúp cuộc chia tay trở nên ôn hòa. Chẳng hạn, giảm thời gian gặp gỡ, giảm liên lạc, từ chối khéo léo khi không gặp nhau… “Cần làm những động tác đó trước, để người ta đỡ sốc. Khi thấy thời gian chín muồi, nên gặp nhau để thông báo mối quan hệ tạm dừng và coi nhau như bạn. Phải chuẩn bị những lời nói nhẹ nhàng lúc người kia hỏi lý do. Tránh nặng lời, hắt hủi, xúc phạm khiến người ta căm phẫn, quậy phá hoặc đưa lên mạng xã hội nói này nói nọ”, cô Thu Hiên nhắn nhủ.
Theo ông Nguyễn Tuấn Huy, Giám đốc Trung tâm đào tạo kỹ năng sống YMCA, cách thể hiện tình cảm của mỗi người có liên quan đến nền tảng những giá trị sống (như yêu thương, tôn trọng, sự bình an…) và những kỹ năng mềm. Ông Huy nói: “Trong quá trình đi dạy, tôi nhận thấy có những bạn trẻ thiếu hụt nhiều kỹ năng, trong đó có kỹ năng giao tiếp, diễn đạt. Tức là khi nói, họ không hề để ý đến cảm xúc người kia và cũng không kiềm chế cảm xúc của mình nên dễ gây ra đổ vỡ”. Cũng theo ông Huy, khi cân nhắc không thể nối lại mối quan hệ như trước thì người trong cuộc cũng nên coi nhau như bạn, theo tinh thần “thêm bạn bớt thù”.
Như Lịch
>> Mùa chia tay
>> Mùa hè xanh: Lưu luyến giờ chia tay
>> Chia tay mái trường bằng flash mob
>> Tình yêu công sở thường dẫn đến hôn nhân
>> Tìm tình yêu kiểu Chicago
>> Tình yêu dại gái
>> Tình yêu cần đổi vị
>> Tình yêu và sự cách trở
Bình luận (0)